Cần 'bàn tay sắt' để cắt lợi ích khi tái cơ cấu kinh tế

24/10/2013 11:50 GMT+7

(TNO) Sốt ruột trước tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa quá ì ạch, Đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải thành lập một Ủy ban Tái cơ cấu chuyên trách xử lý rốt ráo hơn. Đặc biệt, cần một 'bàn tay sắt' cắt lợi ích.

>> Cần đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
>> Quốc hội quyết nghị giám sát tối cao thực hiện tái cơ cấu kinh tế
>> Tái cơ cấu chưa thực sự diễn ra
>> Cần tái cơ cấu niềm tin !


ĐB Trương Trọng Nghĩa: "Phải có bàn tay sắt bên ngoài sắp xếp lại các DNNN" - Ảnh: Anh Vũ

Chậm vì lợi ích nhóm, nể nang nhau

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ TP.HCM sáng nay (24.10) về kinh tế xã hội, Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa bày tỏ lo ngại khi kết quả kinh tế không mấy lạc quan, doanh nghiệp (DN) trong nước chủ yếu xuất khẩu dựa vào lao động rẻ tiền và gia công, tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng giờ nhìn vẫn chưa thấy khắc phục được gì. Việc cố gắng thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ đang khá luẩn quẩn, ĐB Nghĩa băn khoăn lo lắng: “Liệu Việt Nam có đủ sức vượt lên một đẳng cấp mới, mô hình tăng trưởng mới hay không hay cứ ở mức thấp mãi và kéo dài nhiều năm nữa”.

ĐB đề nghị, cần lập một ủy ban quốc gia chuyên trách có sự tham gia của Quốc hội (QH) vào tái cơ cấu, có sự của tham gia các định chế tư vấn và chuyên gia độc lập. Năm 2014 bắt đầu thiết lập, xây dựng cơ chế và quyền hạn.

“Khi tái cơ cấu về khoáng sản, điện lực, làm sao tập đoàn họ tự tái cơ cấu được vì đụng đến lợi ích người lao động, tập đoàn, đơn vị con, nội bộ nể nang nhau, không thể để tự làm, phải có bàn tay sắt bên ngoài sắp xếp lại. Nếu không làm như vậy, cứ ngồi hết nhiệm kỳ này, đến nhiệm kỳ sau nhắc đi nhắc lại thì Việt Nam vẫn cứ như mười mấy năm qua với những điểm đáng yêu và rất đáng buồn”, ĐB Nghĩa ví von.

Bán vốn tại DN không cần giữ, thu tiền về ngân sách

ĐB Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH của TP.HCM khẳng định tái cơ cấu chậm nguyên nhân có nhiều, trong đó đặc biệt việc nhận thức một số chủ trương, quan điểm còn khác nhau, ngập ngừng thiếu dứt khoát.

“Chậm đổi mới về thể chế, chính sách, không làm rõ được vai trò của nhà nước, kinh tế nhà nước thì làm sao tái cơ cấu nhanh được”, ĐB Lịch bày tỏ.

Một đề xuất bán vốn nhà nước tại DN không cần nắm giữ dù cũ nhưng cá nhân ĐB Lịch cho rằng vẫn mới, bởi từ kỳ trước đến nay gần như chưa làm được gì.

“Nếu thực sự muốn cổ phần hóa DN nào không cần nắm giữ thì bán đi thu tiền về cho ngân sách. Tiền mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) gửi ngân hàng hưởng lãi sao không lấy đầu tư bệnh viện. Nguồn lực này bị lãng phí ghê gớm", ĐB Lịch nói. ĐB này cũng đề nghị cần đưa vấn đề này vào trong Nghị quyết để Chính phủ có cở sở pháp lý làm.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.