Từng có ngôi trường đặc biệt mang tên Đại tướng

17/10/2013 10:07 GMT+7

Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp chỉ tồn tại 5 năm, nhưng thế hệ thầy trò mãi tự hào về ngôi trường là trung tâm áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất nông nghiệp để chi viện cho miền Nam.

Từng có ngôi trường đặc biệt mang tên Đại tướng

Thầy và trò nhà trường gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường - Ảnh: nhân vật cung cấp

Ông Nguyễn Thế Doãn, quê ở làng Lộc An (xã An Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình), hiện sống tại TP.Nam Định, thông tin cho Thanh Niên, rằng ông đã từng học Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp, sau đó sang  Volgagrad, Liên xô (cũ) học tập và cho địa chỉ liên lạc với một số bạn bè đã học ở trường này. Từ đây, PV Thanh Niên tìm về huyện Lệ Thủy.

Thầy Trần Đình Thịnh (thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) năm nay 76 tuổi nhưng vẫn nhớ như in năm 1960, thầy đang làm giáo viên địa phương thì được Ty Giáo dục Quảng Bình đưa đi học lớp sư phạm ở Trường phổ thông chức nghiệp (hệ nông nghiệp) ở Đồng Hới cấp tốc. Vài tháng sau, thầy Thịnh được UBND tỉnh và Ty Giáo dục bổ nhiệm làm quyền hiệu trưởng khóa đầu tiên Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp vừa mới thành lập.

“Năm 1960 hai miền còn đấu tranh chống Mỹ thì miền bắc phát động phong trào “1 người làm việc bằng 2” chi viện cho miền nam. Ngành nông nghiệp mở hướng mới, lập Trường phổ thông nông nghiệp vừa học văn hóa vừa phát triển khoa học kỹ thuật” - Thầy Thịnh nhớ lại. Theo thầy Thịnh lúc bấy giờ H.Lệ Thủy có đất nông nghiệp phì nhiêu, Ty Giáo dục Quảng Bình đã tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho trường mang tên để tăng thêm tinh thần ý chí dạy và học của thầy trò, đặt mục tiêu đưa trường là trở thành trung tâm khoa học kỹ thuật địa phương, áp dụng tăng hiệu quả sản xuất và sản lượng nông nghiệp chi viện miền nam, đồng thời làm trường điểm cho địa phương và các tỉnh.

Không chỉ đặc biệt bởi mang tên Đại tướng, trường chiêu sinh học sinh từ 16 - 30 tuổi và khi đó là trường duy nhất bấy giờ có Đảng bộ học sinh bởi từ giáo viên đến học sinh đều ý thức rất rõ việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị để quyết tâm nâng cao chuyên môn, học vấn kỹ thuật để làm rạng danh ngôi trường mang tên bác Giáp. “Trường khai giảng tại hội trường mượn của hợp tác xã với 165 học sinh chia thành 3 lớp và 5 giáo viên. Huyện đội Lệ Thủy đỡ đầu trường nên đã vận động dân làng đóng giúp bàn ghế, 3 tháng sau UBND H.Lệ Thủy bố trí trường về một xưởng mộc ở Quảng Cư, mua 2 con trâu, tậu ruộng làm vườn thực nghiệm” - thầy Thịnh kể.

Ông Ngô Phi Duế (70 tuổi, trú xã Phong Thủy, H.Lệ Thủy) là thiếu tá quân đội về hưu tâm sự, sau khi học xong thì ông tham gia quân đội và cả trong học tập, lao động sản xuất hay chiến đấu đều tự hào đã từng là học trò “trường bác Giáp” để say sưa quên mình hoàn thành các nhiệm vụ. Thầy Thịnh cho biết sau 5 năm tồn tại, năm 1965 chiến tranh nổ ra ác liệt nên trường giải thể từ đó, hiện nay vị trí Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp ngày xưa nằm bên cạnh chợ Xuân Giang (hay gọi là chợ Chiều) ở thị trấn Kiến Giang, H.Lệ Thủy.

Nguyễn Tú - Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.