Nhanh một phút, chậm cả đời: Cú vấp ngã buồn

07/10/2013 10:00 GMT+7

Ông Đình Thịnh (58 tuổi, trú KP.3, P.Đông Lễ, TP.Đông Hà, Quảng Trị) không thể ngờ rằng, chỉ một cú ngã bình thường trên đường về nhà sau một buổi đám giỗ, nhưng đó là lần cuối cùng ông tham gia giao thông .

 Tai nạn giao thông
Sau vụ tai nạn, 7 năm trời ông Thịnh nằm 1 chỗ, mọi việc lớn nhỏ đều do tay vợ -  Ảnh: Nguyễn Phúc

Ông Thịnh bảo: “Tôi luôn đau đáu về 2 chữ “giá như”, bởi giá như không có vụ tai nạn đó, chắc đời tôi đã khác”.

Ông từng là một người lính, chiến đấu trên chiến trường miền nam và Campuchia. “Bom đạn chiến tranh không quật ngã được chồng tôi nhưng tai nạn giao thông lại có thể làm ông thành người tàn phế”, bà Lê Thị Ngân (vợ ông Thịnh) chua chát.

Ông Thịnh cũng từng là một cán bộ kế toán - hành chính của Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, vợ ông chỉ ở nhà làm nông. 2 vợ chồng có với nhau 5 người con. Biến cố đến vào ngày 10.12.2006, khi ông Thịnh đi ăn đám giỗ bên ngoại trở về nhà. “Tôi nhớ lúc ấy khoảng 5 giờ chiều. Ở chỗ đám giỗ tôi có uống một chút, không nhiều. Khi chạy xe máy về cách nhà chỉ còn vài trăm mét thì tôi vấp phải một cục đá nằm trên đường rồi ngã khụy xuống...”, ông Thịnh nhăn trán nhớ lại.

Đó không phải là một cú ngã mạnh hay khủng khiếp gì, ông Thịnh chỉ ngất đi, thậm chí chiếc xe máy mà ông đi cũng chẳng hề bị vẹc một tí sơn. Vậy mà hậu quả để lại thật nặng nề. “Vào viện từ chiều, sáng hôm sau thì bị vỡ bàng quang. Phẫu thuật xong, 8 ngày sau, các bác sĩ chẩn đoán ông ấy bị gãy đốt sống cổ, chèn tủy và liệt tứ chi thì gia đình mới hỡi ôi”, bà Ngân nghẹn ngào.

Không chịu buông tay, mấy tháng liền sau đó, gia đình đã vay mượn để đưa ông Thịnh đi nhiều nơi mong kiếm tìm vận may. Nhưng, từ những bác sĩ tây y của BV T.Ư Huế đến những thầy lang Vân Kiều ở vùng cao H.Hướng Hóa đều lắc đầu trước bệnh trạng của ông.

Bảy năm co quắp trên... giường

Từ dạo được đưa hẳn về nhà, không mấy khi ông Thịnh rời xa chiếc giường nhỏ được đặt trong góc phòng lồi. Ông cứ nằm một chỗ, bên chiếc radio, hết năm này đến năm khác. Nói như ông thì đó là “một cuộc đời thực vật”.

Bà Ngân bảo rằng, không thể vận động nên tình trạng ông ngày một xấu đi, gần đây chân tay ông co rút mạnh, không thể duỗi thẳng ra. “Ngày nào cũng đau, đau khắp nơi, mỗi ngày đau một kiểu. Việc ăn uống, vệ sinh đều do bà Ngân làm cả.”, ông Thịnh nói. Đến năm 2010, cơ quan đã giải quyết cho ông Thịnh về hưu, cả nhà sống nhờ vào mấy đồng hưu còm cõi. Con cái không ai giàu có, bà Ngân lại chẳng thể tách ông ra để kiếm đồng ra đồng vào, tiền thuốc men hàng ngày tốn kém...

Ông Thịnh cố lý giải nguyên nhân của vụ tai nạn năm nào, nhưng dường như ông bất lực. Ông tự hỏi liệu có phải do 1 chút men, 1 chút lơ đễnh kia hay là do số phận “trời kêu ai nấy dạ”? Nhưng dù có là gì đi nữa, sự hối tiếc vẫn chan đầy trong trái tim ông. Ông thở dài nói: “Tôi làm ngôi nhà này xong đúng 10 ngày thì gặp tai nạn. Nhiều lúc ước muốn lau chùi sàn nhà mới để nằm thẳng chân giữa nhà cho sướng. Tai nạn đã lấy đi của tôi tất cả, kể cả ước muốn bé mọn ấy!”.

Hãy kể cho chúng tôi câu chuyện của bạn - Đó sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh giúp ích cho rất nhiều người vì an toàn giao thông. Bạn có thể tự viết bài hoặc nhờ phóng viên ghi lại câu chuyện của mình. Liên lạc qua email: nhanhmotphutchamcadoi@gmail.com  hoặc điện thoại: 0935 538 777.

Nguyễn Phúc

>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Cuốc đi bộ đầu xuân... nhớ đời!
>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Nỗi ân hận muộn màng
>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Dằn vặt suốt đời vì vài giây ngủ gật
>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Vướng lao lý vì vài giây lơ là

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.