Tướng Giáp qua hồi ức của người trợ lý thân cận

06/10/2013 09:25 GMT+7

(TNO) Mặc dù đã ở tuổi 86, nhưng những kỷ niệm về vị tổng tư lệnh huyền thoại vẫn còn đọng lại rất rõ trong hồi ức của đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(TNO) Mặc dù đã ở tuổi 86, nhưng những kỷ niệm về vị tổng tư lệnh huyền thoại, người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân vẫn còn đọng lại rất rõ trong hồi ức của đại tá Hoàng Minh Phương - nguyên trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt hơn 25 năm, từ 1950 đến sau 1975.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tá Hoàng Minh Phương - Ảnh: Chụp lại ảnh tư liệu của đại tá Phương

“Dù mấy năm nay sức khỏe của đại tướng đã yếu nhưng khi hay tin đại tướng mất tâm trạng tôi rất bàng hoàng bởi chưa bao giờ tôi nghĩ anh sẽ ra đi. Tôi vẫn luôn mong đại tướng sẽ sống lâu hơn nữa, thọ hơn nữa”, vị trợ lý một thời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghẹn ngào.

“Sáng suốt thời điểm quyết định”

Đại tá Phương cho hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp giành được sự kính trọng của người dân trong nước, nhân dân trên thế giới, và ngay cả kẻ thù Pháp, Mỹ, là bởi xuất phát điểm ông chỉ có 34 chiến sĩ du kích nhưng được ông xây dựng nên thành những binh đoàn hùng mạnh, thiện chiến, đủ sức đương đầu với kẻ thù trước đó lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

Mặt trận Điện Biên Phủ thể hiện sự chỉ huy xuất sắc của đại tướng. Khi đó địch đã cài sẵn một “cái bẫy” với 49 cứ điểm phòng thủ. Nếu như địch thủ đánh ồ ạt, Điện Biên Phủ giống như một “cối xay thịt” nghiền nát mọi thứ. Nhưng đại tướng đã sáng suốt khi bình tĩnh lui quân, kéo pháo ra để chuẩn bị với phương án “đánh chắc thắng chắc”. 

Trước đó, khi nhận nhiệm vụ ở Điện Biên Phủ, Bác Hồ gặp đại tướng hỏi đi xa như vậy có gặp khó khăn gì không? Đại tướng cho hay công việc ở chiến trường đã có các anh em đi trước giúp đỡ phần nào. Chỉ lo một điều Điện Biên Phủ cách Việt Bắc hơn 500 km nếu có gì khó khăn sợ không kịp xin chỉ thị của Bác. Bác Hồ nói ngay “tướng quân tại ngoại”, nghĩa là “mọi việc trao cho chú toàn quyền quyết định”.

Tài thao lược của đại tướng là dù được trao toàn quyền quyết định nhưng khi thấy thực tế ở chiến trường không đúng với dự tính, ông đã kiên trì thuyết phục mọi người chuyển sang hướng chiến lược khác chứ không áp đặt quyền của mình trước chiến dịch lớn một mất một còn.

“Thực tiễn chứng minh rằng chỉ riêng cứ điểm đồi A1 thôi, ta phải mất 38 ngày đêm mới dứt điểm được.Vậy thì 49 cứ điểm mà ta định đánh trong ba ngày hai đêm thì quá mạo hiểm. Sau nhiều đêm không ngủ, vào một buổi sáng đại tướng gọi tôi lên thông báo chuẩn bị đi gặp cố vấn Trung Quốc để chuyển từ chủ trương đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc”, ông Phương kể lại.

Gặp cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh, tướng Giáp đưa ra lý do chuyển hướng chiến lược. Thứ nhất, bộ đội Việt Nam mới có khả năng đánh một tiểu đoàn hay một tiểu đoàn tăng cường trú ở công sự vững chắc trong một đêm nhưng chưa có khả năng tiêu diệt một lúc 49 cứ điểm trong tập đoàn cứ điểm lớn mạnh trong ba ngày hai đêm.

Lý do thứ hai, đây là lần đầu tiên bộ đội Việt Nam có lựu pháo, pháo cao xạ… nhưng cũng là lần đầu ta hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, lại chưa qua diễn tập, nên dễ thương vong khi áp dụng chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh.

Kết quả cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy quân và dân Việt Nam làm nên một chiến thắng Điện Biên vang dội địa cầu.

“Tiếc thương từng giọt máu của chiến sĩ”

Ngần ấy năm làm trợ lý và theo sát mọi hoạt động của đại tướng, đại tá Phương cho hay cuộc đời ông chưa thấy vị tướng nào lo lắng cho sinh mệnh của chiến sĩ ở chiến trường như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, thời gian đầu bộ đội ta giành phần lớn thắng lợi nhưng lại gặp khó khăn khi đánh đồi A1 và C1 - hai cứ điểm quan trọng của địch. Trận đánh đồi A1, mặc dù đã huy động tới ba trung đoàn nhưng ta bị tổn thất nặng nề. Từ đó xảy ra hiện tượng một số chiến sĩ ngại chiến đấu bởi sợ thương vong. Còn một số cán bộ chỉ huy lại không sâu sát cấp dưới và không nắm tình hình thực tế.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân thăm gia đình ông Phương khi ông Phương có con đầu lòng - Ảnh: Chụp lại ảnh tư liệu của đại tá Phương

Trước tình hình đó, Thường vụ trung ương Đảng mở một hội nghị đấu tranh chống hữu khuynh tiêu cực. Mọi người chờ đợi sự giận dữ của đại tướng. Nhưng thật bất ngờ ở hội nghị ông khẳng định phải cân nhắc sinh mạng của chiến sĩ khi chưa có phương án đánh địch chắc thắng.

“Khi đó vì lo lắng cho sinh mạng của anh em, nhất là chiến sĩ ở ngoài trận địa, ông đã khóc tại hội trường. Thượng tướng Trần Văn Trà từng nói đại tướng là người biết tiếc thương từng giọt máu, đau đớn với từng vết thương của mỗi người chiến sĩ là vì vậy”, ông Phương nghẹn ngào.

Xuất thân từ một nhà giáo đi làm cách mạng nên chưa bao giờ đại tướng nặng lời với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền khi họ phạm khuyết điểm. Ngay cả lúc nóng giận nhất ông cũng chỉ nhẹ nhàng phê bình để cấp dưới nhận ra cái sai của mình.

Ông Phương kể lại lần mắc lỗi và thái độ ứng xử của đại tướng làm ông nhớ mãi đến giờ. Lần đó, ông tháp tùng đại tướng công du Liên Xô và Trung Quốc. Là trợ lý nên hộ chiếu và giấy tờ liên quan đến chuyến đi của đoàn đều được ông Phương giữ.

Tuy nhiên sáng hôm đó, khi đại tướng và các thành viên trong đoàn có mặt ở sân bay, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng ra tiễn đoàn, nhưng chờ hoài mà “không thấy ông Phương đâu cả”.

Đại tướng cho người chạy về chỗ ở của ông Phương tìm kiếm. Hóa ra do phía bạn yêu cầu dịch gấp tài liệu nên tối đó ông Phương thức tới 3 giờ sáng mới hoàn thành, rồi ngủ quên lúc nào không hay.

Khi được kêu dậy ông Phương “ba chân bốn cẳng” chạy ra sân bay làm thủ tục cho đoàn. Khi làm xong, thấy đại tướng ở sảnh sân bay, ông không dám trình diện mà “lẻn” lên máy bay ngồi trước. Ông chờ đợi một trận mắng lôi đình từ đại tướng bởi mọi người, kể cả thủ tướng, đã phải chờ đợi mình.

“Nhưng không, đại tướng lên máy bay đi đến chỗ tôi ôn tồn hỏi chắc tối qua cậu thức khuya rồi ngủ quên phải không? Chắc tớ phải tìm cho cậu một cô vợ thôi chứ còn trẻ thế này, ngủ không ai thức cậu sẽ còn trễ nhiều lần nữa. Không hề có sự mắng mỏ nhưng cứ làm tôi nhớ mãi. Một người chỉ huy như vậy thì hỏi sao mà cấp dưới không phục, không yêu được”, ông Phương kể lại.

Một đời tự học

Ông Phương cho hay sự tự học của đại tướng ít ai bì kịp. Đại tướng có ý thức tự học từ nhỏ. Với một trí thông minh bẩm sinh, đại tướng đã đứng đầu lớp trong thời kỳ học tiểu học ở Lệ Thủy, Đồng Hới, đỗ thủ khoa cấp huyện, tỉnh và theo học trường Quốc học Huế. Sau đó, nhờ sự tự học mà ông đã đứng đầu lớp, khóa trong suốt quá trình học phổ thông, rồi tốt nghiệp đại học luật.

Sau này khi tham gia cách mạng, được Đảng và Bác Hồ giao những trọng trách nặng nề về quân sự mà bản thân ông chưa qua trường lớp nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải tự học, tìm đọc sách từ đông tây kim cổ của nhiều nước, tìm hiểu di sản quân sự của dân tộc. 

Đại tướng cũng tìm hiểu binh thư yếu lược của Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… để tự nâng cao trình độ. Để từ việc ban đầu chỉ huy 34 chiến sĩ du kích đánh thắng trận Phay Khắt - Nà Ngần tiến lên chỉ huy những quân đoàn hùng mạnh gồm nhiều binh lực hợp thành trong chiến dịch lịch sử mùa xuân 1975.

“Rõ ràng tấm gương tự học của đại tướng rất cao và rất khoa học. Để giúp ông học, đại tướng giao cho tôi đọc sách và chỉ dẫn chỗ nào quan trọng tô bút màu đỏ, quan trọng vừa tô màu vàng, ít quan trọng tô màu xanh và chỗ nào không cần đọc thì để trắng. Đại tướng khi cầm cuốn sách sẽ đọc chữ màu đỏ trước, nếu có thời gian sẽ đọc thêm phần chữ màu vàng, sau đó là chữ xanh. Đại tướng còn phải dành thời gian cho nhiều việc khác”, ông Phương nói.

Năm điểm đặc sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tá Hoàng Minh Phương đã đúc kết năm điểm đặc sắc nhất khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp khác với các tổng tư lệnh quân đội của các nước.

Thứ nhất, tổng tư lệnh quân đội các nước được điều phụ trách quân đội khi đã có quân còn tướng Giáp khi được giao phụ trách quân đội khi chưa có quân nên vừa phải xây dựng lực lượng vừa chỉ huy quân đội chiến đấu.

Thứ hai, tư lệnh quân đội các nước thường học qua các học viện, trường quân sự còn tướng Giáp khi lãnh đạo quân đội chưa học qua trường lớp nào. Do đó, ông phải tự học để nâng cao trình độ cũng như nâng tầm cao của lực lượng quân đội.

Thứ ba, đại tướng không chỉ là một nhà chỉ đạo chiến lược về quân sự mà còn là một nhà chỉ đạo tài ba về chiến dịch, chiến thuật.

Thứ tư, đại tướng không chỉ có tài mà còn có đức. Ông được ví là vị tướng của hòa bình, vị tướng của nhân dân.

Đặc điểm cuối cùng, theo ông Phương, dù đại tướng rời bỏ chính trường từ lâu nhưng do tài năng và đức độ nên hàng năm đến ngày sinh của đại tướng, chiến thắng Điện Biên Phủ hay ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, hàng trăm đoàn khách đã đến ngôi nhà của đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu để thăm và chúc mừng đại tướng.

“Hiếm có một nhà lãnh đạo nào sau khi không còn quyền lực mà người dân ngưỡng mộ đến vậy. Chính những điều này mà đại tướng không chỉ là một thiên tài quân sự lớn nhất trong thế kỷ 20 mà còn là một thiên tài quân sự lớn nhất của mọi thời đại”, ông Phương nhận định.

Trung Hiếu

>> Tóm tắt tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Danh sách Ban lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Nhiều người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà
>> Tướng Đồng Sỹ Nguyên nghẹn ngào kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Vĩnh biệt người anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp
>> Tổ chức 2 ngày quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Video clip: Giới trẻ, người dân Thủ đô tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Thế giới với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Cựu trung tá Thủy quân Lục chiến James G. Zumwalt: Võ Nguyên Giáp là vị tướng vĩ đại nhất
>> Những hình ảnh mới nhất về ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở quê
>> Mạng xã hội phủ kín hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Năm tháng và cuộc đời
>> Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh
>> Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.