Chuyện ít biết về “cây cầu vĩ đại” ở Trường Sa

02/10/2013 09:00 GMT+7

Nhiều người gọi sóng di động ở Trường Sa là “cây cầu vô hình vĩ đại” vì nó giúp quân dân ở đây vượt trùng khơi, giữ liên lạc thông suốt với bạn bè, người thân ở đất liền. Tuy nhiên, ít người biết để giữ “cây cầu” đó hoạt động thông suốt khó khăn đến thế nào.

 
Sóng di động ở Trường Sa là “cây cầu vô hình vĩ đại” - Ảnh: Nguyễn Hà

Với một trạm thu phát sóng thông thường ở đất liền, Tập đoàn viễn thông Quân đội đều có nhân viên tại chỗ để làm các công tác kiểm tra, vệ sinh, vận hành máy nổ…và khi có sự cố thì gọi cán bộ kỹ thuật Viettel đến xử lý. Một trạm BTS thông thường có phòng riêng, kín, có máy điều hòa để làm mát. Trong khi đó, trạm BTS ở Trường Sa lại rất đặc thù.

Thứ nhất, đây là nơi duy nhất mà Viettel không có nhân viên thường trực tại chỗ nên việc kiểm tra hàng ngày và xử lý sự cố không giống như trạm BTS thông thường. Ở đảo Trường Sa, những người lính thông tin đã trở thành những nhân viên không chính thức của Viettel dù công việc hàng ngày của một báo vụ viên rất khác vận hành một trạm phát sóng di động.

Nhờ được hướng dẫn kỹ, các chiến sĩ thông tin nắm vững hầu hết các cấu thành cơ bản của trạm như truyền dẫn, cơ điện, tủ phát, card… để khi gặp sự cố có thể phối hợp với kỹ thuật Viettel trong đất liền xử lý. Trong quá trình vận hành, bất kỳ một sự cố nhỏ nhất nào cũng được kịp thời phát hiện, Trung tâm Mạng lưới Viettel KV2 ngay lập tức hỗ trợ. Thậm chí, có những tình huống phức tạp thì Trung tâm Điều hành tận Hà Nội trực tiếp phối hợp xử lý. Cũng nhờ thế, dù các trục trặc với trạm BTS ở biển đảo không ít nhưng “cây cầu vô hình vĩ đại” luôn thông suốt.

Thứ hai, trạm ở đảo phải trực tiếp đối mặt với không khí đầy hơi nước mặn nên nguy cơ hỏng hóc các thiết bị điện tử rất cao. Tuy nhiên, với việc được Viettel cung cấp nhiều thiết bị dự trữ, những người lính thông tin có thể thay thế ngay những phần hỏng hóc, giúp sóng di động luôn ổn định.

Thứ ba, việc duy trì nguồn điện chạy trạm BTS là vấn đề rất đau đầu. Điện ở đảo chỉ có từ máy phát và hệ thống pin năng lượng mặt trời. Máy phát điện mỗi ngày chạy 16 tiếng, còn lại là dùng accqui. Về lý thuyết thì như vậy là đủ nhưng thực tế, việc vận hành đều đặn khiến accqui rất mau xuống dung lượng. Có khi chạy chưa đến 50% thời gian quy định đã sụt nguồn gây cảnh báo và các nhân viên Viettel ở KV2 lại phải đề nghị chạy máy bổ sung nguồn.

Tuy nhiên, do dầu đã được cấp theo kế hoạch cả năm, chạy nữa là hụt lượng dự phòng bắt buộc; muốn dự trữ nhiều hơn cũng khó vì bị hạn chế bởi sức chứa của tàu vận chuyển cũng như khả năng chứa của đảo. Pin mặt trời cũng có hạn chế là hết nắng là điện… Để giải quyết phần nào, đến năm 2012, Viettel đã đầu tư cấp bổ sung cho toàn quần đảo tới 30 tấn bình accqui, đủ cho mỗi trạm 3 bộ đủ chạy song song, vừa có dự phòng nên chất lượng tăng lên hẳn.

Trên thực tế, chi phí để xây dựng một trạm BTS phát sóng biển đảo rất cao - gấp 5 lần trạm thông thường, tức khoảng 2 tỉ đồng/trạm. Riêng chi phí vận hành khai thác cho các trạm tại quần đảo Trường Sa và các nhà giàn mỗi năm lên tới xấp xỉ 30 tỉ đồng, trong khi chỉ phục vụ thường xuyên cho mỗi điểm vài chục thuê bao di động.

Nếu xét về lợi ích kinh tế, Viettel có một bài lỗ lãi khó giải. Thế nhưng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội lại được một kết quả khác. Chẳng nơi đâu người ta gọi sóng di động từ trạm thu phát sóng là “cây cầu vô hình vĩ đại” như ở Trường Sa. Và cũng có rất ít nơi mà khách hàng lại luôn nhiệt tình trở thành những người hỗ trợ cho nhà cung cấp dịch vụ như những fan hâm mộ. Họ luôn sẵn sàng bởi Viettel không chỉ thực hiện một khoản đầu tư lớn, không tính đến lỗ lãi để thay đổi đời sống tinh thần của quân dân trên đảo mà còn làm điều đó với cả trái tim.

Đại úy Lê Văn Hoài (từng ở đảo chìm Núi Le) cứ nhắc mãi kỷ niệm trạm Viettel được dựng lên tại đây. Trước vốn đảo phải dùng ké sóng từ Đảo Tốc Tan nên chất lượng không tốt; nhưng đây là một ngư trường và là nơi trú bão được ngư dân ưa thích, có lúc khoảng 5-6 chục chiếc tầu đánh cá cùng neo tại đây rất nhộn nhịp. Ai ai cũng lăm lăm cái điện thoại để gọi. Thế là nghẽn sóng.

Năm 2012, một đoàn 15 cán bộ của Viettel đổ bộ lên đảo lắp trạm, cả đảo gác công việc tham gia cùng anh em. Khó khăn nhất là lúc vận chuyển chiếc máy phát điện nặng tới 600 kg từ tầu vào xuống bè, rồi lại từ bè lên đảo. Tất cả phải thực hiện bằng sức người trong điều kiện sóng gió cấp 5, cấp 6. Mất đúng 1 ngày, 8 người Viettel cùng với mấy chục cán bộ chiến sỹ của đảo ngâm mình dưới nước biển, vần ngược xuôi rất nhiều cách mới đưa được máy lên đúng vị trí đã định. Đến lúc đó chiến sỹ khẩu đội trưởng pháo 12 ly 7 mới biết mình bị sóng đánh va vào máy rách toạc cả ống chân.

Chưa hết, chiếc cột 6 đốt mới lặp đến cột thứ 3 thì có anh lính đảo đã không chịu được vì ngợp gió… Cả đội nhân viên Viettel làm việc liên tục hầu như không nghỉ. Lính đảo thương quá nấu cháo gà để bồi dưỡng mà cũng không kịp ăn vì thời gian chỉ cho phép đúng 2 ngày, khi tàu quay lại đón là phải phát sóng xong.

Thức trắng 2 ngày đêm, làm việc liên tục không nghỉ, ăn vội để còn làm…, khi tàu đón đến giờ khởi hành, hú còi giục họ vẫn chưa ra và quyết là phải có sóng mới chịu đi. Khi đội Viettel hoàn tất việc phát sóng di động, đảo phải điều xuồng CQ chở đuổi theo tầu để về đất liền…

Nguyễn Hà

>> Triển lãm ảnh về Trường Sa 'Gửi tình theo sóng
>> Trưng bày tư liệu quý về Hoàng Sa, Trường Sa
>> Tiếp sức ngư dân giữ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa
>> Hơn 140 tỉ đồng xây dựng Bảo tàng Lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa
>> Lấy tiền mừng “đám cưới” xây nhà bán trú, ủng hộ Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.