Nước mắt trầm hương

15/09/2013 03:00 GMT+7

Mặc dù biết cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng người dân Trúc Ly (xã Võ Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) vẫn đóng gùi bôn ba đất ngoại tìm trầm.

Vợ phu trầm


Cha con ông Tuẩn còn bàng hoàng về chuyến đi 

Đứng trên QL1 nhìn xuống thấy Trúc Ly nằm co cụm, bị bao bởi những nhánh sông rộng lớn. Vào làng mới thấy đây là nơi đất chật người đông, nhà cửa nằm san sát nhau. Ai đó nói rằng, Trúc Ly có nhà cao tầng khang trang là nhờ trầm, có lẽ điều đó đúng, nhưng bên trong những ngôi nhà đó cũng thừa đau thương ai oán, thừa những dòng nước mắt chảy dài.

Là làng thuần nông ở giữa đồng bằng nhưng không biết từ đời nào người Trúc Ly lại gắn với cái nghiệp đạp rừng tìm trầm. Đạp từ rừng này, họ sang rừng khác, rừng trong tỉnh hết trầm, họ đi tỉnh khác, rồi đi sang tận Lào, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc. Cái nghiệp đóng gùi đi rừng gắn đến nỗi người Trúc Ly bảo, không tìm trầm thì chỉ cạp đất mà ăn.

Trong guồng quay đó, anh Đoàn cũng đóng gùi lên đường sang Thái Lan với hy vọng kiếm được chút đỉnh trở về nuôi vợ con. Lúc anh đi, chị Tuyết, vợ anh, dắt díu 2 đứa con nhỏ (đứa đầu 12 tuổi, sau 6 tuổi) tiễn ra tận đầu làng. Cùng đi với anh Đoàn còn có 3 người trong xóm. Thật không may, khi vừa tìm được cội, đang hạ cây để lấy trầm thì nhóm anh Đoàn bị lực lượng chức năng nước sở tại phát hiện và kết cục đau thương là anh Đoàn và anh Phạm Văn Luyên bị bắn chết tại chỗ do bỏ chạy.

Nhận tin chồng chết nơi đất Thái xa xăm, chị Tuyết như chết đứng, ngất lịm trong ngôi nhà nhỏ bé, 2 đứa con thơ dại ngồi bên mẹ nhưng không hiểu chuyện gì. Sau nhiều thủ tục và tiền bạc, cuối cùng gia đình cũng đưa được thi hài anh về quê. Mang số nợ hơn 60 triệu đồng, trong khi 2 đứa con đang tuổi ăn học, ngày nào chị Tuyết cũng quần quật đi rao mua ve chai khản cả giọng nhưng chẳng thu được mấy. Đứng trước tình cảnh nghiệt ngã, chị đành bấm bụng bỏ lại 2 đứa con nhỏ ở nhà, tìm đường sang Lào làm nghề phụ nấu ăn, rửa chén bát khi tang chồng mới được 4 tháng.

 

Đạp từ rừng này, họ sang rừng khác, rừng trong tỉnh hết trầm, họ đi tỉnh khác, rồi đi sang tận Lào, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc. Cái nghiệp đóng gùi đi rừng gắn đến nỗi người Trúc Ly bảo, không tìm trầm thì chỉ cạp đất mà ăn 

2 cha con và hơn 300 ngày tù

Cùng đi với anh Đoàn có cha con ông Lê Văn Tuẩn và Phạm Văn Đông. 2 người may mắn không bị bắn chết nhưng phải chịu án tù trên đất Thái và vừa mãn hạn tù trở về quê được hơn một tuần lễ.

Trò chuyện với PV Thanh Niên, ông Tuẩn kể, ngày 24.6 âm lịch của năm 2012, 4 người đi bằng đường bộ qua Lào, đến mốc số 17 biên giới Thái Lan thì bắt đầu cắt rừng đi tìm trầm. Khi đi, cả nhóm đều đóng gùi ở nhà gồm lương thực và tư trang như gạo, mắm muối, cá khô, dầu ăn, quần áo... Mỗi gùi nặng chừng 60 kg. Đi đến nơi tìm trầm đã mất khoảng 20 ngày. Vừa đạp rừng đất Thái, nhóm phát hiện cội trầm khiến ai nấy mừng ra mặt, coi như không trúng đậm thì cũng có vốn trong tay mà về. Rồi 4 người phân chia công việc, bắt đầu hạ cây vạch trầm.

Thế nhưng niềm vui chưa được lâu thì đã xuất hiện những bóng dáng người lạ tiếp cận vây quanh hô hoán, có người mặc quân phục, có người chỉ mặc áo quần bình thường. Tiếng không rành cộng với sự hoảng hốt tức thời và nhất là nỗi sợ hãi bị giam cầm, không còn đường tìm trầm đồng nghĩa với vợ con ở quê nhà lâm cảnh đói kém nên 2 người kia đã bỏ chạy. Và những phát súng oan nghiệt liên hồi đã kết thúc nghiệp tìm trầm của cả hai. Còn ông Tuẩn và Đông bị còng tay đưa ra khỏi rừng, sau đó là những cuộc tra hỏi liên miên. Rồi cha con ông bị đưa ra tòa án xét xử và chịu hình phạt 10 tháng tù giam. “Trong 700 phạm nhân chỉ có cha con tôi là người Việt, nhưng người họ cũng tốt, họ chỉ giúp mình cái này cái kia và không hề có chuyện đập đánh, xưng hùng xưng bá. Ăn uống cũng đàng hoàng, cảnh sát họ khá thân thiện” - ông Tuẩn nhớ lại ngày tháng tù.

Vào tù, cha con ông mới có điều kiện viết thư gửi về cho gia đình. Tin về quê nhà khiến mọi người bàng hoàng, sửng sốt. Hết hạn tù, 2 cha con ông Tuẩn còn trải qua 2 trại tị nạn nữa, khi nhận được tiền từ gia đình gửi sang mới mua được vé máy bay về. Hỏi ông đã tính chuyện lúc nào đóng gùi đi tiếp hay chưa, ông cười hồn nhiên bảo muốn đi cũng phải đợi hết hạn cấm của bên đó đã.


Minh kể về hành trình tìm thi thể cha trên đất Malaysia - Ảnh: T.Q.N 

Xuất ngoại tìm cha

Ở Trúc Ly, tôi còn nghe một câu chuyện thương tâm khác của những phu trầm bạc mệnh. Hỏi tìm nhà ông Lê Văn Bình thì ít người biết nhưng nói ông đi tìm trầm và chết ở Malaysia thì ai cũng biết. Căn nhà của ông trống trải, lạnh lẽo bởi bà Thỉ vợ ông đi “đồng nát” chưa về, người con trai Lê Văn Minh ở nhà buồn lại cầm lưới ra sông sau nhà chài cá cho khuây khỏa. Từ khi ông mất, mọi thứ đều bị đảo lộn, không khí trong nhà chùng hẳn, nhất là nỗi đau ức chế vì chưa tìm ra thủ phạm đã giết chồng, cha, anh mình.

Minh kể lại: “Cha em đi từ tháng giêng năm 2012, đến tháng 6 thì điện về báo đã nhập đoàn với Th., và H., (ở cùng huyện). Đúng ngày 2.9, cha cũng điện về hỏi ăn lễ ở quê thế nào, đua thuyền ai thắng, nói đợt này trúng khá và đã chia tay không làm chung với H., nữa. Đến giữa tháng 9 thì ông Th., điện về báo là đang nằm viện và nói nhà em qua tìm cha chứ có lẽ cha chết rồi. Ngay sáng hôm sau, em với chú ruột đi vào Huế rồi bay vào TP.HCM và tiếp tục bay sang Malaysia. Sang đó em nhờ người quen dẫn đường vào rừng ngay nhưng không tìm thấy dấu vết gì đành quay về. Sau đó, 1 chú khác của em đang ở Trung Quốc, nghe tin cũng sang Lào, qua Thái đến Malaysia để tìm nhưng vẫn không có kết quả. Mãi đến tháng 1.2013, lần thứ 3 đi tìm mới đến đúng vị trí, tìm được hài cốt cha trong rừng”.

Khi tìm thấy thì chỉ còn hài cốt, điện thoại di động, hộ chiếu cũng như tư trang và số trầm khai thác được bị lấy mất. Minh nhận ra đó là cha mình vì khớp nối mọi thông tin, linh cảm hình dáng và qua cái áo đã mục mà 2 cha con thường mặc chung. Theo Minh và người nhà thì cha mình đã bị 1 người trong nhóm chém chết vì qua lời ông Th., kể lại cũng như trên thi thể ông Bình có rất nhiều vết chém từ tay, lưng, bụng và đầu. Những dấu vết để lại trong khu vực rừng 3 người tìm trầm cũng cho thấy đã có sự thay đổi, sắp đặt, dựng hiện trường giả. Ông Th., nằm viện vì bị 1 nhát chém sau đầu. Ông kể lại với người nhà Minh là bị H., chém, nhát chém không hiểm nên ông vùng chạy thoát được.

Tại Malaysia, gia đình Minh đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Sau khi đưa hài cốt ông Bình về quê mai táng, gia đình Minh cũng làm đơn gửi cơ quan công an. Tuy nhiên đến nay, gia đình chưa nhận được hồi âm nào, kể cả kết quả xét nghiệm ADN. Niềm mong mỏi lớn nhất của họ đó là pháp luật sẽ vạch trần sự thật và trừng trị đích đáng kẻ ác thủ.

Theo các phu trầm Trúc Ly, hiện có hơn 10 người trong thôn đang phải chịu án tù tại nước bạn. Còn số liệu sổ sách của Công an xã Võ Ninh thì năm 2012 đã có 7 người Trúc Ly tử nạn trên đất Thái và Malaysia vì bị bắn, cây đè, chém nhau; còn số người bị bắt thì năm 2013 đã lên đến 24, năm 2012 là 33. Những con số giật mình, trái ngược với sự âm thầm lặng lẽ xen lẫn lời nguyện cầu của người thân và các phu trầm lúc ra đi.

Nhưng vì miếng cơm manh áo, nghiệp trầm ăn vào máu mà người Trúc Ly lại đóng gùi... 

Trương Quang Nam

>> Khám xét nhà bí thư xã để tìm thi thể một nạn nhân
>> Xác định nghi can thứ 4 trong vụ sát hại 5 người tìm trầm
>> Hành trình phá án vụ giết hại 5 người tìm trầm
>> Truy tìm hung thủ giết 5 người tìm trầm
>> Năm người đi tìm trầm "bị đánh chết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.