Nhà máy giấy bị nghi xả thải gây ô nhiễm

13/09/2013 09:26 GMT+7

Cá nuôi trong ao chết hàng loạt, trâu bò lội suối sinh bệnh tật, hoa màu thì héo úa, năng suất kém… khiến người dân các xã Yên Sơn và Lương Sơn, H.Thanh Sơn, Phú Thọ cho rằng thủ phạm là một nhà máy giấy xả chất thải ra nguồn nước.

Cá nuôi trong ao chết hàng loạt, trâu bò lội suối sinh bệnh tật, hoa màu thì héo úa, năng suất kém… khiến người dân các xã Yên Sơn và Lương Sơn, H.Thanh Sơn, Phú Thọ cho rằng thủ phạm là một nhà máy giấy xả chất thải ra nguồn nước.


Một khúc suối Cái chảy qua xã Yên Sơn - Ảnh: Hà An 

Nhà máy giấy bị nghi ngờ kể trên là của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Phát, trụ sở đặt tại xã Hào Lý (H.Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), giáp với hai xã Yên Sơn và Lương Sơn. Nguồn nước bị xả thải là suối Cái, chảy qua khu vực Công ty Thuận Phát trước khi chảy qua hai xã Yên Sơn, Lương Sơn.

Theo các hộ dân ở 2 xã này, cách đây vài ngày, nước suối Cái bỗng nổi bọt, đục ngầu, bốc mùi hắc của hóa chất vô cùng khó chịu. Người dân không hay, kéo nhau ra suối tắm giặt, tối về khắp người mẩn đỏ, ngứa ngáy, có người phải gãi tới toạc da.

Anh Nguyễn Văn Sơn, một người dân trong xã Yên Sơn cho biết: trước đây nước suối Cái rất mát và sạch nên hầu như mọi người đều ra suối tắm, giặt quần áo. Nhưng từ hơn 3 năm trở lại đây, suối Cái bỗng ô nhiễm nặng, hễ ai xuống rửa chân là y như rằng mấy hôm sau ở những vết thương hở, vết xước… bị tấy đỏ hoặc mưng mủ. Đợt mưa lớn vừa rồi, nước suối tràn vào ao thả cá của nhà làm cá trôi, cá trắm cỏ chết trắng bụng, nhiều không đếm xuể.

Còn theo bà Trần Thị Hoa ở xã Lương Sơn, trước đây bà và nhiều hộ khác trong xã vẫn dùng nguồn nước này để cày cấy nhưng vài năm nay, nguồn nước suối ô nhiễm khiến năng suất cây trồng giảm hẳn, ngan, vịt chậm lớn, lâu cho trứng. “Tôi ngờ rằng trong nước suối Cái có hóa chất tẩy trắng giấy. Loại hóa chất này độc tới độ mà trâu bò lội qua suối cũng bị bạc hết cả bụng. Năm ngoái, dân chúng tôi có 17 con trâu chết do uống phải nước suối”, bà kể.

Bà Hoa cho biết thêm, từ ngày suối Cái bị ô nhiễm, những hộ trước đây sống bằng chài lưới, đánh bắt thì nay phải bỏ nghề. Lương Sơn là xã thuần nông với hơn 1.000 hộ, khi suối Cái gặp ô nhiễm, cuộc sống người dân càng khó khăn. Hiện số hộ nghèo trong xã chiếm tới gần 50%.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Kỳ Thi – Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết, suốt 3 năm nay, trong các cuộc họp, nhiều hộ dân trong xã đã phản ánh tình trạng ô nhiễm tại suối Cái và khẳng định thủ phạm là Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Phát.

“Không biết sự thật tới đâu nhưng hiện giờ gần như không còn cá xuất hiện ở suối Cái và mỗi lần nước ở suối tràn vào đồng ruộng là y như rằng hoa màu bị héo úa, cá nuôi trong ao cũng bị chết… Lãnh đạo xã đã liên tục kiến nghị lên cơ quan chức năng cấp huyện, cấp tỉnh, nhưng đầu tháng 9 mới đây, Sở TN-MT cùng đoàn thanh tra mới về lấy mẫu nước suối Cái đi phân tích”, ông Thi cho hay.

Để làm rõ thêm những phản ảnh của người dân xã Lương Sơn và Yên Sơn, Thanh Niên đã nhiều lần liên hệ làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Phát nhưng đều bị từ chối với lý do đi vắng hoặc bận họp.

Trong khi đó, Phó trưởng Phòng TN-MT H.Đà Bắc là ông Xa Hồng Lung khẳng định: Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Phát từng bị lực lượng chức năng của huyện bắt quả tang xả nước thải ô nhiễm ra suối Cái. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng các chất độc hại trong nước thải ra suối vượt quá quy định 5 lần.

Hà An

>> Phạt ba cơ sở gây ô nhiễm tại TP.HCM hơn 370 triệu đồng
>> Vụ 'công ty chôn hóa chất gây ô nhiễm': Dân kiên trì canh hiện trường ô nhiễm
>> Xử lý nghiêm trường hợp nuôi tôm trái phép và gây ô nhiễm
>> Khai quật' một công ty tìm chất gây ô nhiễm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.