Vụ thách cược 50 triệu USD với Thứ trưởng Bộ GTVT: Người thách cược chấp nhận lời từ chối

12/09/2013 19:45 GMT+7

(TNO) Trước phản hồi của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông về lời thách cược của mình, tiến sĩ Trần Đình Bá cho biết ông chấp nhận lời từ chối này.

(TNO) Trước phản hồi của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông về lời thách cược giá 50 triêu USD của mình, tiến sĩ Trần Đình Bá cho biết ông chấp nhận lời từ chối này. Nhưng ông Bá vẫn khẳng định ông Đông "nợ" nhân dân về việc ngồi thử nghiệm trên tàu.

>> Tiến sĩ Trần Đình Bá cược 5 triệu USD với Thứ trưởng Bộ GTVT
>> Thứ trưởng Bộ GTVT phản hồi lời thách đố 50 triệu USD


Hệ thống đường sắt Việt Nam được đánh giá đang trong tình trạng cầm cự - Ảnh: Khả Hòa

Sau khi có phản hồi của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về "vụ thách cược 50 triệu USD", ngày 12.9, Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Đình Bá - người thách cược:

* Ông Đông đã từ chối nhận lời thách đấu. Ông nhìn nhận thế nào về sự từ chối này?

- Tiến sĩ Trần Đình Bá: Tôi đã từng khuyên ông Đông “phải suy nghĩ thật kỹ trước khi nhận lời thách đấu”. Tôi chấp nhận lời từ chối của Thứ trưởng Đông về khoản tiền 50 triệu USD mà thôi. Còn TS Đông, GS-TS Lã Ngọc Khuê, ThS Nguyễn Đạt Tường (Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) nợ Nhà nước và 90 triệu dân về luận cứ kinh tế kỹ thuật, bằng việc phải ngồi lên, chạy thử để chứng minh tốc độ 120 km/giờ, tốc độ trung bình 80 - 90 km/giờ, để hành trình Bắc Nam đạt 23 - 24 tiếng. Thảm họa E1 là tiếng chuông cảnh tỉnh giới hạn đỏ hành trình 30 tiếng. Nay các GS-TS phát ngôn như thế là “lấy sọt đánh úp nhân dân”. Họ phải làm mà không thể từ chối vì là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn đường sắt (ĐS).

 
Tiến sĩ Trần Đình Bá - Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Xin ông nói kỹ về giải pháp nâng cấp khổ 1 m lên khổ 1,435 m?

- Để có tốc độ 120 km/giờ thì ĐS khổ 1 m không thể làm được mà phải cải tạo mở rộng khổ 1,435 m. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nâng cấp loại ĐS khổ 1 m thành ĐS khổ 1,435 m tốc độ cao - chạy an toàn và kinh tế, chỉ giữ lại một ít làm “bảo tàng ĐS cổ” mà thôi. Dự án của ta tốn 2 tỉ USD kiên cố hóa ĐS khổ 1 m từ 2004 đến nay chưa hoàn thành, lại ngốn thêm 2 tỉ USD nữa để tiến hành tiếp đến 2020 quả là sai lầm đến mức siêu lãng phí. Đây là dự án “tiền mất tật mang” tiêu tốn nhiều tỉ USD và kìm hãm ĐS quốc gia trong vòng lạc hậu.

* Nhưng nếu nâng cấp tuyến đường sắt lên khổ 1,435 m từ khổ 1 m như ông nói, với hệ thống đường sắt độc đạo bắc nam, việc nâng cấp sẽ gây cản trở về giao thông khi không có tuyến đường thay thế?

- Với khoa học, không có gì là “không thể”. Nâng cấp mở rộng để có ĐS khổ 1,435 m tốc độ trên 120 km/giờ là trách nhiệm của 300 tiến sĩ ĐS. Họ không làm được điều đó thì học tiến sĩ, thạc sĩ ĐS để làm gì. Người nông dân Việt Nam còn có sáng tạo nữa là GS, TS. Họ đã “bó tay” kêu gọi hiến kế thì phải tôn trọng.

* Cuối tuần trước có hội thảo về đường sắt, nói mời ông nhưng ông không tham gia? Xin ông cho ý kiến?

 - Họ ngụy biện đấy. Ngay như GS-TS Phạm Công Hà, Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải ĐS, TS Vương Đình Khánh - người sáng lập còn chưa được mời. Đó là một cuộc “Hội thảo trong chum” theo kiểu tung hứng “con hát mẹ khen hay” để thỏa hiệp cho một việc làm quá sai lầm. Đã là hội thảo khoa học phải có thông cáo báo chí công bố rộng rãi cho các nhà khoa học đến tham dự, nhà báo đưa tin, phỏng vấn, đằng này làm bí mật cứ như “lấy sọt đánh úp dư luận”.     

Tôi đang đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng tổ chức một hội thảo khoa học tầm quốc gia về hiện đại ĐS tổ chức tại TP.HCM cho các nhà khoa học và nhân dân có dịp đóng góp trí tuệ, vật chất cho quyết tâm. Tôi tin Bộ trưởng Thăng đã hủy dự án đường sắt cao tốc thì sẽ kiên quyết hủy dự án “ĐS đồ cổ tân trang” để có chỗ cho ĐS 1,435 m tốc độ cao.

* Cảm ơn ông!

Mai Hà
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.