Nước cờ của Israel tại Syria

05/09/2013 11:40 GMT+7

Những động thái gần đây cho thấy Israel vẫn ngầm chuẩn bị đối phó mọi tình huống có thể xảy ra nếu phương Tây can thiệp quân sự vào Syria.

Hồi tuần trước, những tuyên bố cho thấy Mỹ, Pháp muốn mở chiến dịch quân sự tại Syria làm nhu cầu đặt mua mặt nạ chống khí độc tại Israel tăng 300%. Theo tờ Le Monde, từng hàng dài người dân chen chúc trong các trung tâm thương mại để tìm mua mặt hàng này khiến lực lượng an ninh phải có mặt để đảm bảo trật tự. Mặt nạ chống độc bị “cháy hàng” vì lượng dự trữ chỉ đủ cho khoảng 60% dân số Israel.

Bắt mạch Syria

Trong bối cảnh khủng hoảng tại Syria đang nóng bỏng, 2 quả tên lửa đạn đạo do Israel “vô tình” bắn về phía đông Địa Trung Hải trong khuôn khổ cuộc diễn tập với Mỹ hôm 3.9 khiến thế giới “lên ruột”. Ngoài vụ việc này, đến nay Tel-Aviv luôn tỏ ra rất thận trọng đối với những gì diễn ra tại nước láng giềng. Cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu lẫn Tổng thống Shimon Peres đều nhiều lần khẳng định Israel sẽ không “dây dưa” đến hành động quân sự nhằm vào Syria. Tuy nhiên, ông Netanyahu không quên nhắc nhở rằng Israel vẫn luôn theo dõi sát sao mọi diễn biến ở Syria và sẽ không ngần ngại đáp trả nếu chính quyền Damascus và các đồng minh tấn công nước ông.

 Binh sĩ Israel tập trận tại cao nguyên Golan  d
Binh sĩ Israel tập trận tại cao nguyên Golan - Ảnh: AFP

Theo Le Monde, hiện Israel đang lẳng lặng chuẩn bị cho những tình huống phức tạp nhất: triển khai 3 hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome cùng các tên lửa Patriot tại khu vực miền bắc và miền trung; triệu tập 1.000 quân dự bị cho các đơn vị chống tên lửa, tình báo quân sự và bảo vệ dân thường; huấn luyện binh sĩ ở cao nguyên Golan; yêu cầu hạn chế nguồn dự trữ ammoniac ở khu công nghiệp Haifa để tránh tạo thành các đám mây khí độc nếu nơi này bị tấn công… Thật ra ngay từ khi khủng hoảng nổ ra ở Syria, Israel vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động trong hậu trường, đặc biệt là về tình báo.

Không muốn lật đổ al-Assad

Ngoài việc cùng Mỹ và Jordan huấn luyện cho phe nổi dậy, Israel đã cung cấp cho phương Tây nhiều thông tin quan trọng liên quan đến cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học. Báo Le Monde dẫn nguồn tin quân sự cho biết đơn vị tình báo 8200 của Israel đã thu được nhiều đoạn trao đổi của chính quyền Damascus chứng tỏ quân chính phủ từng dùng vũ khí hóa học “một cách có kiểm soát” để đối phó phe nổi dậy.

Đổi lại, Israel không ngừng vận động để nếu Mỹ động binh thì hạn chế quy mô “ở mức tối thiểu”. Ngoài ra, chuyên gia Alex Fishman phân tích trên tờ Yedioth Ahronoth: “Nếu sự can thiệp của phương Tây chỉ dừng ở vài quả tên lửa thì có thể tin rằng Iran hay Nga sẽ không để Syria tấn công Israel, dẫn đến khủng hoảng tầm khu vực”.

Mặt khác, những gì xảy ra tại Iraq và Libya khiến Israel không mặn mà với viễn cảnh ông al-Assad bị lật đổ. Sau cái chết của Tổng thống Saddam Hussein và nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, tình hình tại 2 quốc gia này lại diễn biến bất lợi với Tel Aviv. Cụ thể, từ chỗ hầu như không hiện diện tại Iraq dưới thời của ông Hussein, hiện Iran đã bắt đầu xây dựng được ảnh hưởng ở đây. Tại Libya cũng không khá hơn vì hiện nay nước này đã trở thành một cứ điểm quan trọng để al-Qaeda điều phối hoạt động đến các nước châu Phi và cả bán đảo Sinai. Không có gì đảm bảo cho Israel là phe nổi dậy Syria, vốn có sự tham gia của nhiều nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan, một khi nắm quyền sẽ tỏ ra “tử tế”. Vì thế, Israel chỉ mong muốn chiến dịch quân sự ở Syria như một lời cảnh báo gửi tới Iran hay nhóm Hezbollah ở Li Băng.

Mỹ có 60 đến 90 ngày để đánh Syria ?

Các thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm qua đã đạt thỏa thuận về dự thảo nghị quyết về Syria.

Theo báo USA Today, dự thảo do Chủ tịch Ủy ban Robert Menendez (đảng Dân chủ) và thượng nghị sĩ Bob Corker (đảng Cộng hòa) đệ trình ấn định thời gian 60 ngày, có thể gia hạn thêm 30 ngày, cho chính quyền Tổng thống Barack Obama thực thi chiến dịch tấn công Syria liên quan đến cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Dự thảo cũng không cho phép đưa bộ binh Mỹ vào Syria. Với cam kết chiến dịch quân sự tại Syria sẽ giới hạn về quy mô và thời gian cũng như không huy động bộ binh, ông Obama đã giành được sự ủng hộ từ các nhân vật chủ chốt của quốc hội Mỹ, bao gồm nhiều thành viên Cộng hòa như thượng nghị sĩ John McCain và Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Quốc hội sẽ họp từ ngày 9.9 để bỏ phiếu cho nghị quyết tấn công Syria.

Trong khi đó, báo Los Angeles Times dẫn lời TTK LHQ Ban Ki-moon khẳng định việc sử dụng vũ lực cần phải có sự chuẩn thuận của Hội đồng Bảo an. Tổng thống Nga Vladimir Putin thì hối thúc phương Tây trình bằng chứng về vũ khí hóa học cho LHQ thẩm định.

Trong một tuyên bố gây bất ngờ, ông Putin không loại trừ khả năng Nga tán đồng việc trừng phạt Syria nếu chứng minh được chính quyền thực sự sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định mọi hành động phải được LHQ “bật đèn xanh”. Chủ nhân Điện Kremlin cũng cho biết Moscow đã giao một số bộ phận của hệ thống phòng không S-300 cho Damascus nhưng đã đóng băng những lô hàng tiếp theo, theo báo The Independent. Trong phiên họp tại quốc hội Pháp ngày 4.9, phần lớn các nghị sĩ thuộc đảng đối lập UMP đều đề nghị Paris không nên hành động mà không được sự cho phép của LHQ dù Thủ tướng Jean-Marc Ayrault khẳng định nước này sẽ không đưa bộ binh vào Syria.

Trùng Quang

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Nga có thể đồng ý để Mỹ tấn công Syria
>> Thượng nghị sĩ Mỹ chơi bài trong phiên họp về Syria
>> Dự thảo nghị quyết của Thượng viện Mỹ cho phép tấn công Syria trong 60 ngày
>> Các lãnh đạo Quốc hội Mỹ ủng hộ tấn công Syria
>> Giáo hoàng phản đối gây chiến tại Syria
>> Tên lửa đạn đạo được bắn từ Địa Trung Hải hướng đến Syria ?
>> Liên Hiệp Quốc: Hơn 2 triệu người Syria phải tị nạn ở nước ngoài
>> Nhiều khả năng Mỹ sẽ sa lầy ở Syria (*)
>> Anh cấp giấy phép xuất khẩu ‘chất độc thần kinh’ cho Syria
>> Mỹ gạt quân đội Anh ra rìa trong các kế hoạch về Syria
>> Hezbollah dọa tấn công Israel nếu Syria bị đánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.