Trung Quốc tấn công nhóm lợi ích ngành dầu khí

04/09/2013 11:00 GMT+7

Nhiều nhân vật đã hoặc đang giữ những vị trí cấp cao của Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc lần lượt bị điều tra tham nhũng.

Nhiều nhân vật đã hoặc đang giữ những vị trí cấp cao của Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc lần lượt bị điều tra tham nhũng.

Ngày 3.9, Tân Hoa xã đưa tin ông Tưởng Khiết Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, đã bị cách chức.  Ông Tưởng, 58 tuổi, còn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, được đề bạt làm Chủ nhiệm SASAC hồi tháng 3 từ vị trí Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia (CNPC). Trước đó 2 ngày, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương thông báo ông này bị điều tra về vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Truyền thông Trung Quốc không nói rõ chi tiết nhưng “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” thường được hiểu là tham nhũng. Kể từ khi Trung Quốc hoàn tất chuyển giao thế hệ lãnh đạo vào cuối năm ngoái, đây là lần đầu tiên một quan chức có hàm tương đương bộ trưởng và lại là ủy viên trung ương đảng bị điều tra, theo tờ South China Morning Post (SCMP) ở Hồng Kông.


Ông Tưởng Khiết Mẫn trong một cuộc họp tại Công ty PetroChina năm 2006 - Ảnh: Tiexue.net 

Ông Tưởng bước chân vào ngành dầu khí Trung Quốc từ năm 1972, làm việc tại mỏ dầu Thắng Lợi thuộc tỉnh Sơn Đông và nhanh chóng thăng tiến tại đây dưới trướng ông Chu Vĩnh Khang - Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Chính Pháp trung ương vừa mới về hưu hồi tháng 3, theo SCMP. Trong và sau giai đoạn ông Chu lãnh đạo CNPC (1996 - 1998), sự nghiệp của ông Tưởng lên như diều gặp gió, làm phó chủ tịch công ty con của CNPC là Petro China, được đề bạt lên tổng giám đốc rồi Chủ tịch CNPC trước khi qua nắm SASAC.

Trong khi đó, ông này từng bị chỉ trích về khả năng quản lý kém. Hồi năm 2011, Quốc vụ viện Trung Quốc đã cảnh cáo ông Tưởng và các thuộc cấp sau khi để xảy ra nhiều sự cố ở CNPC, bao gồm vụ nổ đường ống tại cảng Đại Liên gây tràn dầu nghiêm trọng hồi năm 2010. Do đó, một số nguồn tin cấp cao cho SCMP hay cuộc điều tra sẽ tập trung vào giai đoạn ông Tưởng làm việc ở CNPC, bắt đầu từ thời điểm ở mỏ dầu Thắng Lợi.

Vài ngày trước vụ Tưởng Khiết Mẫn, SCMP loan tin giới lãnh đạo Trung Quốc quyết định mở cuộc điều tra tham nhũng đối với ông Chu Vĩnh Khang, một thời nằm trong số những lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc. Trong giai đoạn nắm Ủy ban Chính Pháp từ 2007 - 2012, ông Chu chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến an ninh - trật tự và luật pháp của Trung Quốc, có quyền giám sát hoạt động của mọi lực lượng thực thi luật, kể cả cảnh sát. Theo SCMP, cuộc điều tra được cho là sẽ tập trung vào thời gian ông Chu lãnh đạo CNPC rồi làm Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên (1988 - 2002). Tuy nhiên, đến nay, chính truyền Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức về thông tin trên.

Nghi án nhóm Thắng Lợi

Ngoài ra, 4 lãnh đạo cấp cao khác của CNPC cũng đang bị điều tra về tham nhũng, trong đó có Phó chủ tịch Lý Hoa Lâm. Trước đó, ông Lý cũng từng làm việc tại mỏ dầu Thắng Lợi. SCMP dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng chiến dịch “làm sạch” của Trung Quốc đã vén màn về cái gọi là nhóm Thắng Lợi, chỉ một nhóm lãnh đạo đầy quyền lực thao túng ngành dầu khí của Trung Quốc trong nhiều năm, kể cả sau khi rời CNPC, và đều khởi đầu sự nghiệp ở mỏ Thắng Lợi.

Giới quan sát cho rằng Chu Vĩnh Khang là thủ lĩnh nhóm Thắng Lợi. Ông Chu đã trải qua 3 thập niên trong ngành dầu khí và nhiều thuộc cấp của ông ở mỏ dầu Thắng Lợi đã thăng tiến nhanh chóng. Ngoài Tưởng Khiết Mẫn và Lý Hoa Lâm, các nhân vật bị cho là thành viên nhóm Thắng Lợi bị điều tra còn có Chủ tịch Hội Nhà văn Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, thư ký của ông Chu Vĩnh Khang trong gần 20 năm, và cựu Bí thư Đảng bộ kiêm Tổng quản lý Công ty khí đốt tự nhiên Côn Lôn thuộc CNPC Đào Vũ Xuân, theo tờ China Business Journal. Do đó, một số chuyên gia cho rằng chiến dịch lần này còn nhằm chặt đứt vây cánh và tìm bằng chứng để tiến hành điều tra, xét xử ông Chu.

Giới quan sát nhận định rằng các cuộc điều tra nói trên là động thái mới của giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn làm trong sạch hóa các tập đoàn nhà nước cũng như là bằng chứng cho cam kết chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giang Tô xử vụ dầu bẩn 10 triệu USD

Tờ China Daily ngày 3.9 đưa tin tòa án tỉnh Giang Tô, Trung Quốc bắt đầu xét xử 16 người trong vụ bê bối sử dụng chất thải từ các bộ phận động vật để sản xuất dầu ăn. Các nghi phạm bị cáo buộc sử dụng chất thải từ mỡ gà, vịt, heo, bò cũng như lông cáo, lông gà, và những phần bỏ đi của nội tạng và thịt gia cầm để chế thành dầu ăn rồi bán cho hơn 100 doanh nghiệp thực phẩm ở 5 tỉnh và thành phố. Với lợi nhuận bất chính lên tới gần 10 triệu USD, đây là một trong những vụ thực phẩm bẩn lớn nhất Trung Quốc trong nhiều năm qua, theo China Daily.

Trùng Quang

Văn Khoa

>> Phát triển bền vững khâu sau ngành dầu khí
>> Trung Quốc và hãng BP bắt tay thăm dò dầu khí ở biển Đông
>> Tập đoàn dầu khí Anh bán công ty con tại Việt Nam
>> Thăm “hòn ngọc” dầu khí Việt Nam
>> Tài chính Dầu khí hợp nhất với Ngân hàng Miền Tây
>> Đưa 4 mỏ dầu khí mới vào khai thác
>> Học ngành dầu khí
>> Thu nhỏ thiết bị dầu khí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.