Hạ Long nhìn từ vách đá

25/08/2013 03:00 GMT+7

Vừa qua, Trung tâm kỷ lục Việt Nam đã công nhận hai bố con nghệ sĩ nhiếp ảnh ở TP.Hạ Long đều là Kỷ lục gia chụp ảnh phong cảnh Hạ Long.

Đỗ Khánh Giang (sinh năm 1974) từng nhiều lần theo cha đi chụp ảnh vịnh Hạ Long. Một lần leo lên đỉnh núi Bài Thơ, anh ngỡ ngàng: Hạ Long từ trên cao nhìn xuống như một bức tranh khổng lồ vô cùng sống động và hùng vĩ, núi xen với biển tạo nên khung cảnh thật trữ tình. Và anh đã tìm được hướng đi riêng cho mình: nhìn Hạ Long từ trên những vách đá…

Trầy vi tróc vảy

Sau 8 năm chụp ảnh Hạ Long, Đỗ Khánh Giang đã chọn trong kho ảnh đồ sộ của mình 134 bức ưng ý nhất để in vào sách ảnh Hạ Long - Đá và Nước vĩnh cửu. Với Giang, Long là tác phẩm anh ưng nhất, bởi Long trông như một con rồng đang uốn lượn trên mặt vịnh khiến người ta liên tưởng đến truyền thuyết vịnh Hạ Long.

 
Tác phẩm Long của Đỗ Khánh Giang

Giang tâm sự: “Tôi may mắn hơn rất nhiều người là được sinh ra và lớn lên bên bờ vịnh Hạ Long, gắn bó cả tuổi thơ của mình với nơi đây. Tôi có những người bạn con nhà ngư dân chơi với nhau từ nhỏ. Họ thuộc vịnh Hạ Long như trong lòng bàn tay. Chỗ nào đẹp nhất, Nguyễn Văn Thành và Lê Dũng Tiến đều đưa tôi đi. Không kể tốn kém cũng như thời gian. Có lần tôi rơi từ độ cao khoảng 8 m xuống, may mà các cành cây dọc sườn núi đỡ tôi, có điều bị hỏng bộ máy ảnh. Lại có lần đang chụp ảnh tôi nghe thấy tiếng bộp bộp, nhìn lên thấy một con rắn xanh trên đầu. Lúc đó mới biết vừa rồi mình bị nó mổ vào mũ… Có lần, men theo đỉnh núi để chụp, đến khi mệt quá muốn quay lại đường cũ không được vì không nhìn thấy chỗ đặt chân và chỗ bám. Quyết định tìm đường khác băng qua thung lũng đó. Không bao giờ tôi quên cảm giác sợ hãi lúc ấy. Trời nắng to nhưng không một ánh sáng lọt xuống, dây leo chằng chịt, tôi dò từng bước một, mỗi bước bị thụt đến tận bẹn bởi lá khô và cây mục. Tôi mất bình tĩnh khi ngửi thấy mùi thối của xác động vật. Hơn 2 tiếng mới thoát ra được…”. “Để leo lên các mỏm núi đá ấy, anh có thêm thiết bị hỗ trợ nào không?” - “Tôi hoàn toàn leo bằng tay không, cùng hai chai nước mang theo với máy ảnh để tác nghiệp. Riêng bức ảnh Sau nghìn vạn đảo tôi phải đi đến 4 lần để trèo lên, tuột xuống hòn Cọc Chèo mới có được một bức ưng ý”.

 
Đỗ Kha (trái) và Đỗ Khánh Giang

Tình yêu cha truyền con nối

Cha anh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha đã ảnh hưởng rất tích cực đến người con. Năm 1994, chính 160 kiểu phim dương bản của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha chụp vịnh Hạ Long đã được chọn để trình lên UNESCO xem xét và công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, giá trị hơn cả là pho ảnh đen trắng mà ông Đỗ Kha chụp vịnh Hạ Long từ những năm 1950. Hạ Long ngày ấy còn đầy những mảng bè, cánh buồm và thuyền gỗ đơn sơ. Mộc mạc, đơn giản nhưng lung linh, huyền ảo và đẹp một cách diệu kỳ…

 
Tác phẩm Những nốt nhạc làng chài của Đỗ Kha

Người cha (nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha) được Trung tâm kỷ lục Việt Nam công nhận là kỷ lục gia Người chụp ảnh vịnh Hạ Long đen trắng cổ nhiều nhất. Người con (nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Khánh Giang) được công nhận là kỷ lục gia Người chụp ảnh Hạ Long từ trên cao có số lượng ảnh nhiều nhất. Khánh Giang bảo: “Chụp ảnh về vịnh Hạ Long luôn là đề tài tôi yêu thích nhất, tôi sẽ còn chụp nữa. Nhưng hiện nay tôi đang gấp rút sớm hoàn thành bộ ảnh Yên Tử”.  

Hà Đình Nguyên

>> Cấm tàu ra vịnh Hạ Long
>> Đường phố Hạ Long thành sông sau các cơn mưa
>> Sạt lở đất tại TP.Hạ Long
>> Tăng phí tham quan vịnh Hạ Long từ 1.1.2014
>> Nghiêm cấm tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long
>> Đêm nay diễn ra Carnaval Hạ Long
>> Đến Hạ Long ngắm hoa đào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.