'Tẩu hỏa nhập ma' với 'Lửa Phật'

21/08/2013 19:15 GMT+7

(TNO) 'Sắc sắc không không', Lửa Phật hoặc tỏ ra không có gì cả, hoặc thật sự không có gì cả.

(TNO) “Sắc sắc không không”, Lửa Phật hoặc tỏ ra không có gì cả, hoặc thật sự không có gì cả.


Lửa Phật - bộ phim "sắc sắc không không"

Một mùa hè gần như thất bại của phim Việt đều trông chờ cả vào Lửa Phật. Hàng loạt tên tuổi hạng A như: Dustin Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Thái Hòa… cộng với việc hơn năm năm trời ấp ủ, Lửa Phật khiến khán giả dễ dàng đặt niềm tin vào nó, ít nhất là ở mặt nội dung.

Lần nữa cho phép người viết nhấn mạnh lại, Lửa Phật hoặc tỏ ra không có gì cả theo đúng triết lý Phật giáo mà bộ phim theo đuổi, hoặc bản thân nó thật sự chả có gì cả. Khó mà tìm ra được một góc máy để nhung nhớ, một nhân vật để yêu thương và một câu chuyện để rung động. Tổ quốc, tình yêu, niết bàn, đàn bà, rượu mạnh… Cao bồi viễn tây, võ sĩ giác đấu, kiếm hiệp Trung Hoa, dị nhân viễn tưởng…

Sự tham lam vượt mức đã vụng về khoác lên người chiếc áo fantasy quá cỡ. Nhà làm phim đưa cho khán giả cái túi thùng thình nên khi thò tay vào nó, khán giả khó lòng kiếm thấy thứ họ cần.


Một số hình ảnh trong Lửa Phật

Trong phim, chi tiết “phụng sự đất nước, nặng nề lắm” cùng lời thề bảo vệ tổ quốc tới chết được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thế nhưng từ đầu chí cuối bộ phim tuyệt nhiên không xuất hiện bất kỳ một hình bóng giặc ngoại bang nào.

Còn nhớ hồi họp báo ra mắt Lửa Phật, đạo diễn Dustin Nguyễn đã giới thiệu anh bạn diễn viên nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa Roger Yuan cùng tham gia vào dự án này với vai diễn phản diện. Cứ ngỡ Roger Yuan sẽ vào vai giặc ngoại xâm lân bang có kết cuộc bi thảm dưới tay những chiến binh dũng cảm yêu nước, nào ngờ, toàn bộ phim chỉ là các cuộc rượt đuổi, chém giết lẫn nhau giữa binh đoàn tinh nhuệ bất khuất ấy giữa thời bình.

Và, như để tự thuyết phục chính mình, nhà làm phim đã dùng hình ảnh người đàn bà xinh đẹp do Ngô Thanh Vân thủ vai làm nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trọng tâm của phim. Tiếp đấy, để kết thúc mọi thứ xung đột ngoại cảnh lẫn nội tại, nhà làm phim bắt “trùm cuối” chết bằng… một khắc sơ ý cảm động. Cú “twist” đến là diễm tình! Mới thấu, đàn bà là nhan sắc, là giang sơn, là chiến tranh…. Ôi thôi, càng bàn càng thấy gần gũi với Mỹ nhân kế của Dũng “khùng” vậy.

Hơi éo le nhưng giả sử nhìn nhận Lửa Phật ở góc độ vắng Dustin Nguyễn, vắng Ngô Thanh Vân, vắng ngôi sao tầm cỡ Roger Yuan, vắng số tiền đầu tư lên tới triệu đô… thì mọi thứ đã nhẹ nhàng đi. Lửa Phật, ngay từ đầu, vô tình đã xác định một thứ gọi là đẳng cấp, dĩ nhiên, người ta sẽ làm quen với việc đánh giá nó dựa trên cái đẳng cấp ấy.

Vậy mà, Lửa Phật lại đi mắc những lỗi: Kể chuyện lê thê, lời thoại sáo rỗng… (tạm bỏ qua giọng ru con “ví dầu cầu ván đóng đinh…” khô khan của nhân vật nữ chính). Thế nên, hoàn toàn hợp lý nếu sau khi xem phim xong, có ai đó đâm ra cáu bẳn nổi giận.


Dustin Nguyễn trong phim Lửa Phật

Dustin Nguyễn có thể là một diễn viên giỏi, và điển trai. Nhưng ở vai trò đạo diễn, Dustin Nguyễn thiếu sự duyên dáng, hóm hỉnh cùng độ sâu cần thiết. Nói cách khác cho hợp với màn mở đầu rất “kiếm hiệp Trung Hoa” của phim thì, xem Lửa Phật, người ta nhìn ra vô số chiêu thức (hài hước, khêu gợi, hành động…) nhưng chưa thấy được nội công thâm hậu.

Những ai từng đọc tiểu thuyết Kim Dung rồi chắn chắn đã nắm rõ, nội công yếu, chân khí yếu mà nóng vội luyện võ thì ắt sẽ dẫn đến tẩu hỏa nhập ma. Lửa Phật cho người xem cảm giác tẩu hỏa nhập ma ấy. Kỹ xảo, võ thuật, người đẹp… phim có hầu hết những yếu tố ăn khách, nhưng thứ quan trọng nhất cần phải chăm chút lại lạc lõng giữa mớ hỗn độn kia, đó chính là câu chuyện.

Lửa Phật đặt ra vấn đề to tát, song lại dành thời gian cho những tiểu tiết mua vui nhỏ nhặt, và như đã nói ở trên, rất kém duyên. Một vài tình tiết chọc cười hết sức khiên cưỡng, không tự nhiên như Tây mà cũng chẳng thâm trầm như Ta. Chữ Đạo (đồng thời là tên nhân vật chính do Dustin Nguyễn thủ vai) tựa cơn gió nhẹ thoáng qua, để nhắc nhở khán giả và nhân vật chứ không phải đưa họ vào hành trình đi tìm nó.

Cách xây dựng tính cách nhân vật Đạo trong Lửa Phật đôi chỗ bị gãy. Nội tâm và hành xử không nhất quán của Đạo khiến người xem dần dần đánh mất lòng tin. Phim ít tập trung khai thác tính cách riêng của mỗi nhân vật mà cứ mãi luẩn quẩn trong câu chuyện “ngày xửa ngày xưa…” rườm rà.


Một cảnh "động thủ động cước" trong Lửa Phật


Thái Hòa và Ngô Thanh Vân trong Lửa Phật

Với một kịch bản trên phim nông như thế, dàn diễn viên của Lửa Phật dù cố gắng hết sức cũng chỉ có thể gọi là tròn vai. Nếu khán giả đến rạp để xem diễn viên thì Lửa Phật đã làm quá tốt, cả một dàn sao: Dustin Nguyễn, Roger Yuan, Thái Hòa, Ngô Thanh Vân, Đinh Ngọc Diệp… Quả thật, dàn diễn viên mơ ước này là một điểm cộng lớn cho phim.

Song, nếu đến rạp để xem một tác phẩm được ví von là cột mốc của điện ảnh nước nhà thì cần chuẩn bị tâm lý đón nhận vị chát. Lửa Phật có vẻ giống một bộ phim quảng cáo hơn là một tác phẩm điện ảnh fantasy - đầu - tiên - ở - Việt - Nam (cụm mỹ từ mà mọi người vẫn dùng để nhắc về nó một cách hào hứng).

Mà nếu là clip quảng cáo thì hẳn đó cũng là clip quảng cáo dài dòng và phí phạm. Người viết cứ thắc mắc mãi, làm thế nào Lửa Phật lành lặn lọt qua được lưỡi kéo kiểm duyệt với các màn quảng cáo rượu lộ liễu không kém gì MV ca nhạc của ca sĩ Hồ Ngọc Hà nhỉ? Đành phải tự lẩm nhẩm một mình rằng: “Sắc sắc không không…”, mà trong trường hợp này dường như “không” có phần áp đảo “sắc”…

Ngân Vi
Ảnh: BHD cung cấp

>> Dustin Nguyễn hạnh phúc trong ngày ra mắt ‘Lửa Phật’
>> Công chiếu 'Lửa Phật
>> “Lửa Phật” được nhiều nhà làm phim thế giới chú ý
>> “Lửa Phật” ra mắt dàn diễn viên tên tuổi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.