'Cấp phép thế này thì chết rồi'

21/08/2013 03:20 GMT+7

Kết luận phần chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường xung quanh trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản tại phiên họp Ủy ban TVQH hôm qua, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã phải thốt lên như vậy.

Dù Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nghiêm túc nhận trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng vi phạm cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan, nhưng Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng vẫn thẳng thắn phê bình và đề nghị thời gian tới phải tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm địa phương vi phạm.

“Không tiện nêu tên ở đây”

Đại biểu Danh Út (Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc) dẫn một loạt vi phạm trong cấp phép khoáng sản từ chính báo cáo của Bộ TN-MT và đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp để chấn chỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang “điểm” lại trong số 957 giấy phép mà các địa phương đã cấp từ tháng 7.2011 đến nay có 103 giấy không đúng thẩm quyền, 37 giấy cấp khi chưa có quy hoạch được duyệt, 52 giấy cấp cho doanh nghiệp (DN) không có ngành nghề kinh doanh khai thác khoáng sản

 Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang - Ảnh: TTXVN

 

Môi trường, khoáng sản đi liền với nhau.
Cấp phép thế này thì chết rồi, hàng ngàn giấy phép mà trên 50% vi phạm pháp luật. Tham nhũng, tiêu cực ở đây, phá rối phá hoại môi trường cũng ở đây. Bộ Công an, Bộ TN-MT phải vào cuộc, các đoàn đại biểu QH tại địa phương tăng cường giám sát

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trả lời rõ hơn việc để xảy ra cấp phép sai thì trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương nào. Ông Quang đáp: “Chủ yếu các địa phương cấp sai, có địa phương cố tình làm trái, còn các bộ ngành có cấp nhưng không nhiều và không có vi phạm nhưng tôi không tiện nêu tên ở đây”. Bà Ngân đề nghị Bộ trưởng cung cấp danh sách các địa phương này để ĐB Danh Út giám sát, và nhắc nhở trách nhiệm của Bộ TN-MT ở đây là trực tiếp quản lý nhà nước nhưng không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những sai phạm.

ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La) nhấn mạnh thêm trách nhiệm của Bộ TN-MT do buông lỏng quản lý, khi phát hiện vi phạm xử lý chưa được kịp thời. Bộ trưởng Quang thừa nhận: “Để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của chúng tôi, tôi xin nhận một phần khuyết điểm. Nhưng tôi cũng đề nghị Thủ tướng nhắc nhở các đồng chí chủ tịch tỉnh tăng cường công tác kiểm soát hơn nữa”, ông Quang nói.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị nêu rõ hướng tham mưu Chính phủ xử lý các địa phương vi phạm, nêu rõ danh tính. Bộ trưởng Quang cho biết, việc xử lý sẽ được công khai, bản thân ông sẵn sàng chấp nhận việc bị Thủ tướng phê bình, còn các địa phương cũng phải sòng phẳng chịu trách nhiệm, cụ thể như thế nào thì sẽ có báo cáo vào cuối năm 2013.

Cho rằng thời gian như vậy quá chậm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngay sau phiên họp này phải làm ngay, tham mưu cho Chính phủ tỉnh nào thiếu trách nhiệm, báo cáo Thủ tướng trước để phê bình, sau kiểm điểm, nếu sai phạm nhiều phải kỷ luật. 

 

Kiến nghị Thủ tướng xử lý 14 tỉnh vi phạm

Báo cáo của Bộ TN-MT cho biết qua kiểm tra 957 giấy phép khai thác, thăm dò khoáng sản cấp từ 1.7.2011 đến ngày 31.12.2012 đã phát hiện nhiều sai phạm. Bộ đã báo cáo Thủ tướng, kiến nghị phê bình 14 tỉnh: Vĩnh Long, Bình Định, Sóc Trăng, Kon Tum, Hòa Bình, Thừa Thiên-Huế, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tây Ninh, Khánh Hòa.

Báo cáo về xử lý vi phạm đất đai, đến 30.6.2013, có 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích hơn 128.000 ha. 

Trên 50% vi phạm pháp luật

Các ĐB cũng chất vấn để xảy ra tình trạng như vậy liệu có hay không hành vi tiêu cực, tham nhũng. Nhưng Bộ trưởng Quang nói việc này thuộc thẩm quyền của từng tỉnh, thành và đề nghị ĐB hỏi thêm ở địa phương mình giám sát.

Tuy nhiên, khi kết luận phần chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Tài nguyên, khoáng sản để vi phạm nhiều như thế mà chưa thấy xử lý được ai. Bên trong có tiêu cực tham nhũng không? Tôi tin là có. Anh Quang nói hỏi các địa phương, như thế cũng là xác nhận có đấy. Nói thế là có vấn đề rồi. Vai trò quản lý nhà nước đâu, sao cứ để thế này mãi? Tài nguyên khoáng sản trời cho, tạo hóa cho, cha ông để lại, bản thân nó không sinh sôi nảy nở, rồi chúng ta làm cho môi trường bị phá hoại”.

Chủ tịch cũng đề nghị phải tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện ra các địa chỉ còn tồn tại, làm sao chỉ rõ trách nhiệm, từ đó yêu cầu khắc phục. “Môi trường, khoáng sản đi liền với nhau. Cấp phép thế này thì chết rồi, hàng ngàn giấy phép mà trên 50% vi phạm pháp luật. Tham nhũng, tiêu cực ở đây, phá rối phá hoại môi trường cũng ở đây. Bộ Công an, Bộ TN-MT phải vào cuộc, các đoàn đại biểu QH tại địa phương tăng cường giám sát”, Chủ tịch chỉ đạo. 

“Tôi thì mới hứa một lần”

Liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại kỳ họp thứ 5, QH khóa 13, Bộ trưởng Quang hứa đến hết năm 2013 sẽ cấp được khoảng 85% giấy chứng nhận lần đầu cho người sử dụng. Tuy nhiên, báo cáo trước các ĐB ông cũng tỏ ra lo lắng: “Nếu cuối năm không đạt rất gay go, người tiền nhiệm của tôi đã hứa một vài lần, tôi thì mới hứa một lần. Nhưng phải phấn đấu quyết tâm hoàn thành”. Theo ông Quang, hiện nay chậm cấp giấy xảy ra chủ yếu ở 18 tỉnh miền núi phía bắc, miền Trung do diện tích rộng, nghèo, ngân sách không có. Ông cũng kiến nghị T.Ư hỗ trợ 1.000 tỉ đồng cho các địa phương cho công tác đo đạc, vẽ bản đồ nhằm sớm giải quyết dứt điểm.

ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) phản ánh tình trạng định giá đất đền bù còn nhiều bất cập, giá chỉ bằng 30-60% giá thị trường dẫn tới khiếu kiện, bức xúc trong dân. Bộ trưởng Quang thừa nhận đây là vấn đề nan giải. “Xin thưa với ĐB, đó là định giá trong điều kiện bình thường. Còn vừa rồi DN tay không bắt giặc, một số DN dựa vào vốn nhà nước, vay mua đất, ghim đất, xây nhà rồi không bán được. Giá này là giá đầu cơ không bình thường”, ông Quang nói.

Anh Vũ

>> Bức xúc vì nạn khai thác khoáng sản trái phép
>> Khai thác khoáng sản trái phép
>> Điều tra vụ khai thác khoáng sản quy mô lớn
>> Hỗn loạn trước công ty khai thác khoáng sản
>> Doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép
>> Khai thác khoáng sản trái phép ngày càng phức tạp
>> Tổng kiểm tra việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.