Hơn 43 năm viết tự truyện bằng chân

20/08/2013 03:05 GMT+7

Trong tháng 9 tới, cuốn tự truyện Tôi học đại học của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký sẽ ra mắt độc giả. Ông đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn xung quanh cuốn tự truyện.

Điều gì thôi thúc ông viết tự truyện này, và ông đã viết nó trong bao lâu? 

Tôi cảm thấy bản thân mình tồn tại được đến ngày hôm nay là mang nợ cuộc đời. Vì vậy, tôi viết để thể hiện lòng tri ân của mình với cuộc đời, bạn bè, thầy cô, mái trường đã giúp tôi thấy được niềm vui như hôm nay. Ngoài ra, tôi muốn gieo cảm xúc để mọi người có thêm động lực, niềm tin vào những gì tốt đẹp đang tồn tại xung quanh ta, tin vào chính mình để phấn đấu.

Hơn 43 năm viết tự truyện bằng chân 1
Dù bận việc và bệnh tật, thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn thường dành thời gian gặp gỡ, chia sẻ cùng những bạn trẻ - Ảnh: Như Lịch

Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (năm 1970), tôi bắt đầu viết cuốn tự truyện này. Cũng có một số điều mình đã viết trong thời gian học đại học. Tính ra hơn 43 năm.

Với khoảng thời gian dài như vậy, ắt hẳn ông đã phải vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành cuốn sách?

Tôi gặp hai khó khăn lớn khi viết tự truyện này. Thứ nhất là những công việc trước mắt cứ lôi cuốn, vùi lấp mình. Hồi đó mới ra trường, tôi lao vào dạy học bằng tất cả tâm huyết nên thời gian viết rất eo hẹp. Đã không có đôi tay, lại không có một chữ sư phạm nên việc dạy đối với tôi cực kỳ khó khăn. Thứ hai là bụi thời gian phủ mờ ký ức. Có những hôm tôi đứng bút hàng tiếng đồng hồ mới viết được một, hai dòng. Tôi viết đi sửa lại rất nhiều lần.

Hơn 43 năm viết tự truyện bằng chân 2
Thầy Ký viết tự truyện bằng chân

Đã thế, tôi còn phải luôn chiến đấu với bệnh tật. Nhiều lần chạy thận về vẫn còn đau lắm nhưng cứ 4 - 5 giờ sáng, tôi đã thức dậy viết. Như lời GS Hoàng Như Mai nhận xét: “Đã hơn hai năm nay, Nguyễn Ngọc Ký phải đi viện để chạy thận nhân tạo ba lần một tuần. Trong điều kiện sức khỏe rất không bình thường như vậy, anh đã quên đau, quên bệnh hoàn thành cuốn sách bằng tất cả sự miệt mài say sưa cùng sự cố gắng cao độ”.

 

Xung quanh ta vẫn ngập tràn lòng nhân ái, ngập tràn tính nhân văn chứ không phải chỉ tràn trề thất vọng đâu. Và tôi cũng muốn nói rằng, mỗi con người phải biết vượt lên chính mình trong những hoàn cảnh tồn tại cụ thể

Thầy Nguyễn Ngọc Ký

Có bao giờ ông định bỏ cuộc?

Hoàn thành cuốn tự truyện này đúng là nhọc nhằn vô độ mà cũng là sự sung sướng tột cùng. Trước đây, có những lúc đau quá tôi định dừng lại không viết nữa. Nhưng càng nằm không thì càng đau. Thế là lại bò dậy và ngồi vào máy. Chính lao động làm cho mình quên đau, lôi kéo mình vượt qua bệnh tật. Cho nên, tôi rất thích câu nói: “Thay vì ngồi than khóc bóng đêm, hãy thắp sáng thêm những ngọn nến”.

Việc chuyển từ dùng chân để viết sang dùng chân gõ máy vi tính có là thử thách đối với ông?

Tôi bắt đầu làm quen với máy vi tính từ năm 1998. Sự thay đổi này cũng khá dễ dàng, chỉ cần bấm phím. Nhưng nhiều khi mình không quen nên… bấm nhầm. Có dạo, tôi đã viết trên máy được 60 - 70 trang rồi. Chẳng biết do vi rút hay do mình bấm nhầm mà chừng ấy trang bị xóa sạch, thế là phải cặm cụi viết lại.

Ông gửi gắm điều gì tới độc giả, nhất là những người trẻ qua cuốn tự truyện?

Xã hội hiện nay đang tràn ngập những luồng gió buồn, thiếu tự tin, thậm chí là những luồng gió bức xúc do sự xuống cấp đạo đức. Vì thế, cuốn sách này như là một cơ hội để mình khẳng định lại rằng: Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao! Cuộc sống đáng tin, đáng say lắm. Xung quanh ta vẫn ngập tràn lòng nhân ái, ngập tràn tính nhân văn chứ không phải chỉ tràn trề thất vọng đâu. Và tôi cũng muốn nói rằng, mỗi con người phải biết vượt lên chính mình trong những hoàn cảnh tồn tại cụ thể.

Phải chăng cái nhìn hồn hậu, lạc quan như thế là nhờ ảnh hưởng từ môi trường học đường, môi trường xã hội ngày trước còn nhiều điều tốt đẹp?

Theo tôi, những giá trị truyền thống đó đến bây giờ vẫn tồn tại, không phải đi tìm đâu xa. Không lẽ những con người như vậy bây giờ đã mất hết? Cuộc sống ở đâu cũng có hai mặt tốt - xấu, chân lý - phi lý. Đơn giản là ta có nhìn cuộc đời theo con mắt hướng chân, hướng thiện, hướng tình hay không. Nếu ta đeo cặp kính màu đen vào thì nhìn cái gì cũng ra màu đen hết. Điều quan trọng là phải sống hết mình, yêu thương hết mình với hiện tại để sau này có cái mà nhớ trong tương lai.

Trong dịp Nick Vujicic đến Việt Nam giao lưu, ông từng tiếc rằng Nick chỉ nói về thành tựu mà không đề cập gì đến nỗ lực vượt nghịch cảnh bản thân. Với cuốn tự truyện này, ông sẽ làm theo cách khác với Nick?

Đúng vậy, tôi muốn thể hiện hành trình vượt khó. Bởi nhiều người cũng muốn biết Ký học đại học như thế nào khi không có đôi tay và lại thường xuyên bị bệnh. Những điều đó có khi chỉ lấp lánh thôi, nhưng nếu người đọc tinh ý thì sẽ nhận ra. Tôi đã cố gắng học bằng tất cả sự say sưa và cố gắng hết sức để tự lo cho mình. Người ta sẽ thấy chữ “nhẫn” của tôi trong đó.

“Chiến đấu” với cuốn tự truyện thứ ba

Mới hoàn tất cuốn tự truyện thứ hai Tôi học đại học (cuốn tự truyện đầu tiên mang tên Những năm tháng không quên, xuất bản năm 1970, sau này tái bản nhiều lần với cái tên Tôi đi học), thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã “bắt chân” viết cuốn tự truyện thứ ba là Tôi dạy học mà ông ấp ủ từ lâu. Căn bệnh suy thận mãn tính, đôi tay bại liệt vừa phải trải qua mấy cuộc đại phẫu...  vẫn không khiến người thầy 66 tuổi này chùn bước.

Như Lịch
(thực hiện)

>> Thầy Nguyễn Ngọc Ký
>> Nguyễn Ngọc Ký và 60 năm truyền lửa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.