Doanh nghiệp nước ngoài đến rồi đi

19/08/2013 08:05 GMT+7

Lợi thế nhiều nhưng ít thu hút được đầu tư nước ngoài là một nghịch lý của kinh tế ĐBSCL.

Doanh nghiệp nước ngoài đến rồi đi

Khu công nghiệp Trà Nóc (TP.Cần Thơ) ít thu hút FDI do giao thông không thuận lợi - Ảnh: Đình Tuyển

Hạ tầng giao thông yếu kém

“Vì sao thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL còn hạn chế” là chủ đề  hội thảo do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức tại TP.Cần Thơ vừa qua. Tại hội thảo, khá nhiều hạn chế được các nhà đầu tư nước ngoài thẳng thắn nêu ra, trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn là cơ sở hạ tầng, lao động và môi trường đầu tư.

Thống kê của VCCI Cần Thơ cho thấy, trong 2 năm 2011 - 2012, nguồn vốn FDI của khu vực chỉ đạt 1,6 tỉ USD (chiếm 7,5% cả nước). Tỷ lệ này là quá thấp so với cả nước và đây chính là một nghịch lý khi ĐBSCL được đánh giá là vùng giàu tiềm năng bậc nhất nước ta.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho vốn FDI đầu tư vào ĐBSCL thấp là do hạ tầng giao thông quá yếu kém, khiến nhà đầu tư (NĐT) e ngại. Các tuyến đường bộ như: QL 91B, QL 80, QL 91 khó đi lại do nhiều cầu yếu, xuống cấp. Về đường thủy, tuyến Định An - Cần Thơ là tuyến vận chuyển hàng hóa quan trọng của khu vực nhưng bao năm nay bị “mắc cạn” bởi cửa Định An bồi lắng, tàu lớn không vào được. Hệ quả là trên 50% hàng hóa (khoảng 30 triệu tấn/ năm) của ĐBSCL phải trung chuyển đến các cảng TP.HCM, Vũng Tàu để xuất khẩu; còn hàng nhập khẩu lại phải vận chuyển ngược về bằng sà lan. Điều này làm tăng chi phí vận chuyển, một trong những yếu tố khiến NĐT nước ngoài chùn bước. Ngoài ra, một hạn chế cố hữu nhưng rất phổ biến khác là các địa phương trong khu vực luôn kêu gọi đầu tư dựa trên những cái mình đang có như nông nghiệp, thủy sản mà ít quan tâm đến việc NĐT cần gì.

Cần có chính sách rõ ràng

Ông Motoyuki Nakamura, Tổng giám đốc Công ty TNHH quốc tế Tri - Việt, chuyên sản xuất bao tay bóng chày xuất khẩu của Nhật Bản đóng tại TP.Cần Thơ, nói: “Có khá nhiều doanh nghiệp (DN) của Nhật Bản cùng ngành hàng với chúng tôi đã đến ĐBSCL tìm hiểu, nhưng rồi lại chọn các nước lân cận để đầu tư”. NĐT này phân tích, ngoài lý do trở ngại về hạ tầng, giao thông, phần lớn DN đều phàn nàn về môi trường đầu tư, nhất là chính sách ưu đãi không rõ ràng và không có đơn vị nào đứng ra giải thích cho NĐT về các chính sách, pháp lý… Trong khi đó, những thế mạnh của vùng như nguồn nhân lực lại không được giới thiệu. “Công ty chúng tôi sử dụng rất nhiều nhân viên tốt nghiệp từ Trường ĐH Cần Thơ, họ làm việc rất tốt. Theo tôi, đó là thế mạnh nhưng NĐT đến đây không được giới thiệu”, ông Nakamura nói.

Còn ông Kim Do Kyong, đại diện Cơ quan Xúc tiến quốc gia công nghiệp và công nghệ thông tin (Hàn Quốc), cho biết hiện có nhiều NĐT của Hàn Quốc đến Việt Nam nhưng chưa mặn mà với ĐBSCL, chỉ  tập trung đầu tư vào các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Lý do khiến NĐT lo ngại là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động đến vùng ĐBSCL, nhưng họ lại chưa được cung cấp thông tin cụ thể để an tâm đầu tư.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Jetro (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM), chia sẻ: “Để thu hút được NĐT thì các địa phương vùng ĐBSCL phải nắm bắt được nhu cầu của các NĐT, phải cho họ biết được những thuận lợi khi đầu tư vào khu vực này”.

Đại diện này của Nhật Bản cũng nhấn mạnh, ngoài nhân lực thì môi trường đầu tư là yếu tố đóng vai trò quyết định. Các địa phương phải có thủ tục hành chính gọn nhẹ, đơn giản, cơ chế một cửa, tư vấn mở giấy phép đầu tư nhanh chóng, chính xác về thủ tục, pháp lý, chính sách ưu đãi rõ ràng… Tuy nhiên, trên thực tế, những nhân tố trên vẫn đang là  “lỗ hổng” khó lấp của các tỉnh, thành ĐBSCL.

Đình Tuyển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.