Tư vấn trực tuyến truyền hình online (lần 3): Chọn chương trình liên kết quốc tế

16/08/2013 14:00 GMT+7

(TNO) Vào lúc 14 giờ 30 ngày 16.8, Báo Thanh Niên tổ chức buổi tư vấn trực tuyến truyền hình online lần 3 về các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của các trường ĐH, CĐ.

>> Tư vấn trực tuyến truyền hình online: Chọn học chương trình liên kết quốc tế
>> Tư vấn trực tuyến truyền hình online (lần 2): Chọn học chương trình liên kết quốc tế

Chương trình lần này có sự tham dự của chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ:

- Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng (Trường ĐH Tài chính Marketing)

- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh (Trường ĐH Hoa Sen)

- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng (Trường ĐH Duy Tân)

- Ông Warren Eng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo quốc tế (Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định).

Các chuyên gia sẽ cung cấp những thông tin chi tiết giúp phụ huynh và học sinh nhận biết được các chương trình liên kết đào tạo quốc tế phù hợp. Các buổi tư vấn trực tuyến truyền hình online sẽ sinh động, gần gũi và thực sự hiệu quả.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi bằng cách điền theo hướng dẫn bên cạnh hoặc đến tham dự trực tiếp tại tòa soạn Báo Thanh Niên (248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM).

Các trường có chương trình liên kết quốc tế muốn tham gia chương trình, liên hệ với cô Hà Ánh theo số điện thoại: 0919 841 873.

 
Các vị khách mời tham gia truyền hình trực tuyến online - Ảnh: Đ.N.T

* Đúng 14 giờ 30 chiều nay (16.8), buổi tư vấn trực tuyến truyền hình online lần 3 với chủ đề Chọn chương trình liên kết đào tạo quốc tế bắt đầu diễn ra tại tòa soạn Báo Thanh Niên tại TP.HCM.

Tham gia buổi tư vấn lần này có: Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing; Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen; Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân và ông Warren Eng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định.

Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân, Phó ban Thanh niên - Giáo dục, Báo Thanh Niên, cho biết: Việc VN là một thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2015 tạo ra cơ hội nhưng đồng thời cũng có rất nhiều thách thức cho lao động trẻ VN. Bởi lẽ, công dân khu vực có thể đến làm việc bất cứ nước nào ở Đông Nam Á. Điều này một mặt các bạn sẽ có cơ hội làm việc ở nước ngoài, ít nhất là trong khu vực; mặt khác, bạn phải cạnh tranh với lao động các nước ngay chính trên quê nhà mình.

Vì vậy, để bước vào cuộc cạnh tranh này, các bạn trẻ phải chuẩn bị hành trang gồm cả kiến thức, tiếng Anh và hiểu/sống trong một môi trường đa quốc gia. Trong đó, du học hoặc theo học các chương trình quốc tế trong nước là một trong những lựa chọn của các bạn trẻ để chuẩn bị cho tương lai.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, học sinh - sinh viên không biết phải lựa chọn chương trình nào phù hợp trong hàng trăm chương trình liên kết quốc tế đang được các cơ quan chức năng cấp phép.

Với chương trình tư vấn hôm nay, các chuyên gia giáo dục sẽ tư vấn cho phụ huynh, học sinh chọn được chương trình liên kết đào tạo quốc tế hiệu quả.

Tiếp đó, ông Võ Ba, Trưởng Ban Thanh niên - Giáo dục Báo Thanh Niên, đã tặng hoa chúc mừng các chuyên gia tư vấn tham gia chương trình hôm nay. 

 
Toàn cảnh buổi trực tuyến - Ảnh: Đ.N.T

** Trước khi giới thiệu về chương trình của trường mình, tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing thay mặt lãnh đạo Trường ĐH Tài chính - Marketing cám ơn ban tổ chức đã tạo điều kiện cho nhà trường tiếp xúc với các phụ huynh học sinh và bạn xem truyền hình vào hôm nay.

Trường ĐH Tài chính - Marketing trường công lập trực thuộc Bộ Tài chính, có trên 36 năm thành lập và phát triển. Hiện trường có một số chương trình liên kết đào tạo cao học với Anh và Úc. Về cử nhân, chúng tôi đang thực hiện chương trình liên kết với ĐH Help ở Malaysia.

Các ngành đào tạo là Tài chính - Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế và Marketing. Chương trình được phép Bộ Giáo dục Đào tạo cho phép thực hiện trong năm nay.

Ưu điểm của chương trình là có ba mô hình: 4+0 tức học với giáo sư Malaysia sang giảng dạy tại Việt Nam; 3+1 là học ba năm ở Việt Nam và một năm ở Malaysa và 2+2 là học hai năm ơ Việt Nam, hai năm ở Malaysia.

Chương trình của Help là 3 năm, song chúng tôi đã thiết kế trong bốn năm. Trong đó, năm đầu tiên sinh viên được học tiếng Anh để đạt chuẩn IELTS 5.5 để đủ điều kiện tham gia chương trình.

Sinh viên học chương trình này cũng có thể được chuyển tiếp sang học các trường ở Anh và Úc.

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho biết trường đã xây dựng chương trình đào tạo với sự trao đổi, tham vấn với các trường ĐH trên thế giới. Đến thời điểm này, các chương trình của ĐH Hoa Sen được xây dựng theo chuẩn quốc tế.

 
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh (Trường ĐH Hoa Sen) - Ảnh: Đ.N.T

Trường ĐH Hoa Sen có 3 chương trình hợp tác quốc tế với 3 cấp độ.

Hệ ĐH có chương tình Cử nhân Quản lý Khách sạn-Nhà hàng quốc tế (hợp tác với Trường Du lịch & Khách sạn Quốc tế Vatel-Cộng hòa Pháp). Đầu vào là thí sinh tốt nghiệp THPT, có trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 trở lên, tham gia phỏng vấn xác định động cơ nghề nghiệp. Mức độ đầu vào trong quá trình phỏng vấn là rất quan trọng. Thí sinh cũng đỗ từ điểm sàn của Bộ GD-ĐT thì không cần thi tuyển đầu vào nhưng phải có trình độ trình độ tiếng Anh nhất định.

Chương trình thứ 2 là Cử nhân Kinh doanh Quốc tế (hợp tác với Trường ĐH Paris-Est Créteil - Pháp). Đầu vào là thí sinh tốt nghiệp ĐH hoặc năm 3 hệ ĐH, chương trình kinh doanh quốc tế. Chương trình này kéo dài 1 năm và được cấp bằng cử nhân kinh doanh quốc tế do Trường ĐH Paris-Est Créteil - Pháp cấp.

Chương trình thứ 3 là Cao đẳng Hợp tác quốc tế (Hợp tác với Trường CĐ Manchester và tổ chức Edexcel - Vương quốc Anh). Hội đồng Khảo thí quốc gia ở Anh (tổ chức Edexcel - Vương quốc Anh) sẽ thẩm định, huấn luyện và đào tạo đội ngũ sư phạm cho các ngành marketing, kế toán, tài chính, nhân sự.

Điểm đặc biệt ở các trường hợp tác quốc tế tại Trường ĐH Hoa Sen là sau khi học xong chương trình thứ 3 tại CĐ Manchester thì có thể học tiếp chương trình thứ 2 để hoàn chỉnh bậc đại học mà không phải đi tìm kiếm ở chương tình khác.

Các chương trình này được giáo sư đến từ nước ngoài để giám sát và giảng dạy.

Ngoài ra, trường có ngành toán ứng dụng, được sự hỗ trợ của Trường ĐH Lyon (Pháp); ngành thiết kế thời trang, được sự hỗ trợ của Viện Quốc tế Nghệ thuật và Thời trang Mod’Art International (một trường của Pháp đào tạo về Thời trang và Nghệ thuật tại Paris) về chương trình giảng dạy.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, giới thiệu: Hiện nay ĐH Duy Tân có 10 chương trình liên kết với 5 trường ĐH ở Mỹ. Trong đó, đáng chú ý là chương trình liên kết với ĐH Carnegie Mellon (Hoa Kỳ-CMU) đào tạo về công nghệ thông tin (Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin quản lý, Kỹ thuật mạng), liên kết với ĐH Seatle Pacific và Penn State (Hoa Kỳ- PSU) đào tạo về quản trị kinh doanh, kế toán và du lịch và hợp tác liên kết với ĐH California State (Hoa kỳ-CSU) đào tạo kiến trúc, xây dựng và môi trường...

 

 
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng (Trường ĐH Duy Tân) - Ảnh: Đ.N.T

Sinh viên khi tốt nghiệp chương trình liên kết được cấp bằng ĐH do các trường ở Mỹ cấp.

Đáng chú ý của chương trình liên kết của trường là người học phải đủ điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định.

Giới thiệu về chương trình liên kết đào tạo quốc tế của trường, ông Warren Eng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định (ERC International), cho biết: ERC International liên kết đào tạo với học viện ERC Singapore. Học ở đây, sinh viên có thể trải nghiệm điều kiện học tập quốc tế, với điều kiện vật chất hoàn hảo.

Toàn bộ giáo viên của trường đều là người nước ngoài, có học vị cao, có kinh nghiệm giảng dạy và kinh nghiệm làm việc, quản lý thực tế tại các doanh nghiệp lớn.
Đặc biệt, bằng cấp sinh viên nhận được khi tốt nghiệp chương trình liên kết quốc tế của ERC hoàn toàn giống như của một du học sinh.

“Thế mạnh của trường là mối quan hệ của ERC với các đối tác quốc tế. Qua đó, chúng tôi luôn tạo điều kiện thực tập cho sinh viên ở các doanh nghiệp nước ngoài và tạo điều kiện giới thiệu việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp”, ông Warren Eng nói.

 
Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng (Trường ĐH Tài chính Marketing) trả lời các thắc mắc của bạn đọc - Ảnh: Đ.N.T

Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng (Trường ĐH Tài chính - Marketing) cho biết: Điều kiện tuyển sinh của Trường ĐH Tài chính - Marketing là tốt nghiệp PTTH và có điểm bình quân học bạ trên 6.0 và có IELTS 5.5.

Nhà trường thiết kế chương trình học tiếng Anh trong năm đầu tiên, với thời lượng 720 giờ, sinh viên hoàn tất năm nhất có IELTS tương đương 5.5 hoặc 6.0.

Đối với chuẩn đầu vào thì trong thời gian gần đây có nhiều chương trình liên kết quốc tế tai tiếng, hợp tác liên kết chưa được phép của Bộ GD-ĐT, giảng dạy một vài năm rồi biến mất để lại hậu quả cho học sinh sinh viên gánh chịu.

Nghị định 73 của Chính phủ mới đây siết chặt việc hợp tác quốc tế. Theo đó, Bộ GD-ĐT cấp phép, kiểm định kỹ lưỡng những đối tác nước ngoài. Chương trình Help của chúng tôi được cấp phép trong tuần rồi.

Đề án được làm 2 năm trời, được Vụ tổ chức cán bộ của Bộ Tài chính kiểm định, phê duyệt trình lãnh đạo bộ đồng ý rồi mới gửi sang Bộ Giáo dục Đào tạo cấp phép. Quy trình cấp phép rất nghiêm ngặt. Khi được cấp phép nghĩa là chương trình được kiểm định về nội dung và các điều kiện khác.

Như đã trình bày, chương trình của chúng tôi có ba mô hình. Các học sinh đăng ký xét tuyển học một năm tiếng Anh, đạt chuân mới được học chương trình cử nhân của Help.

Hiện tại có khuynh hướng không thích các chương trình liên kết vì đầu vào quá dễ song đầu ra chất luợng không cao. Tuy nhiên, có ai dám khẳng định đầu vào cao thì đầu ra cao? Cũng như chưa ai dám khẳng định đầu vào thấp thì đầu ra thấp. Theo tôi, đầu vào không hẳn là quan trọng. Đầu vào thấp song nếu có công nghệ đào tạo tốt thì đầu ra sẽ cao.

Ngoài ra, kiến thức cứng là một phần song kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng. Với vốn tiếng Anh của mình, các em có thể dễ dàng xin được việc khi tìm việc làm. 

* Thế nào là chương trình liên kết quốc tế hiệu quả, phù hợp? (Bạn đọc đặt câu hỏi)

- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh, Trường ĐH Hoa Sen: Ở trường có đội ngũ sư phạm tốt, chương trình tốt, cơ sở vật chất tổt ở nước ngoài thì không bao giờ rẻ. Vì thế phải so sánh giữa việc đầu tư số tiền lớn để đi nước ngoài học hoặc học ở một trường có chất lượng tốt ở Việt Nam nhưng số tiền bỏ ra vừa phải, thì cũng có nghĩa là bạn đã chọn một chương trình chất lượng, có thể nói là cao hơn khi ra nước ngoài học.

Hay lựa chọn học một số năm nhất định ở Việt Nam và ở nước ngoài để có thể cân bằng thay vì đầu tư 100% đi nước ngoài.

Chất lượng đối tác trong hầu hết các chương trình liên kết rất quan trọng. Trong khi trường ở Việt Nam thì học sinh, phụ huynh biết rõ, trong khi đối tác liên kết thường phụ huynh, học sinh lại không biết tới. Cái đó liên quan đến chiến lược, nỗ lực các trường ở Việt Nam để làm việc với đối tác nào, hợp tác làm sao cho đảm bảo. Các trường đối tác phải được kiểm định, phải nằm trong hệ thống nhóm cao của các nước để liên kết.

Tại ĐH Hoa Sen, việc lựa chọn đối tác ở Pháp, những trường chỉ cần nói là người Việt Nam biết. Ở mức độ liên kết với trường CĐ thì đối tác có bề dày đào tạo.

Phía Việt Nam phải tổ chức các chương trình và đưa chương trình về Việt Nam để giảng dạy như thế nào, làm sao để cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy, đội ngũ,.... hoàn toàn đủ và tương xứng với yêu cầu đặt ra từ phía đối tác.

- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân: Thế nào là một chương trình liên kết hiệu quả thì mỗi người có cách hiểu riêng. Riêng tôi, chương trình hiệu quả nghĩa là chương trình đó phải được thừa nhận ở tầm quốc tế, được Bộ GD-ĐT thừa nhận, được doanh nghiệp đánh giá cao, vì hiện nay việc làm là vấn đề sống còn của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đến nay, sau 6 năm đào tạo liên kết, có 2 khóa sinh viên của Duy Tân ra trường, có tới 100% sinh viên có được việc làm. Ngoài ra, một năm tập đoàn Boeing dành ra 10 suất học bổng trị gí 1.000 USD/phần cho sinh của trường.

Chương trình hiệu quả cũng nên xét đến vấn đề tài chính. Hiện nay chương trình liên kết của ĐH Duy Tân, 2 năm đầu sinh viên học ở Việt Nam với chi phí rất rẻ, 2 năm sau mới học ở Mỹ. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp sinh viên lại được cấp bằng của một trường khá chuẩn ở Mỹ. Đó là một hiệu quả rất lớn mà không phải chương trình nào cũng làm được.

 
Ông Warren Eng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo quốc tế (Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định) trả lời các câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Đ.N.T

Bên cạnh đó, ông Warren Eng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định (ERC International), cho rằng: để chọn một chương trình liên kết quốc tế hiệu quả thì cần chú ý những điều kiện sau: 

Thứ nhất là sinh viên chọn đúng chuyên ngành theo sự đam mê, năng lực của mình.

Thứ hai là nhà trường tạo điều kiện, môi trường giáo dục quốc tế thế nào tốt nhất cho sinh viên (giảng viên, giáo trình nước ngoài, sử dụng hoàn toàn tiếng Anh, tiếp xúc với những suy nghĩ, ý tưởng quốc tế).

Thứ ba là nhà trường tạo nhiều điều kiện để sinh viên gặp gỡ, tìm hiều các doanh nghiệp, công ty nước ngoài. Riêng ERC luôn tạo điều kiện, tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ cho sinh viên với các CEO của các công ty, tập đoàn đa quốc gia, cũng như tổ chức các chuyến tham quan các công ty quốc tế, đa quốc gia tại Singapore.

1. Thưa ông Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng (Trường ĐH Tài chính Marketing), xin ông cho biết các ngành nào của trường có chương trình đào tạo liên kết quốc tế? (Hải Dương - Vũng Tàu)/ Giáo trình của chương trình liên kết là giáo trình của trường quốc tế hay giáo trình của trường Marketing? Chuyển tiếp giai đoạn sang trường quốc tế có phải thi đầu vào? (Ngọc Duyên -Vũng Tàu)

2. Xin tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái cho tôi hỏi là hình thức đào tạo của chương trình liên kết quốc tế là như thế nào, thời gian đào tạo phân chia như thế nào. Bằng cấp khi ra trường được công nhận ra sao? (An An -Sóc Trăng)

Có thể hiểu chương trình liên kết đào tạo quốc tế của trường mình cũng chính là chương trình đào tạo chất lượng cao đã được triển khai tại trường Marketing? (Hồng Hà - Đà Nẵng)

- Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing: Cử nhân kinh doanh có bốn chuyên ngành: Tài chính - Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế và Marketing.

Cấu trúc chương trình gồm 131 tín chỉ và có 31 module. Giảng viên của trường Help giảng dạy 20 giờ, 40 giờ còn lại là các giáo viên của ĐH Tài chính - Marketing, trong đó có nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài. Có một số giảng viên của các trường nước ngoài cũng được mời đến giảng dạy.

Về chương trình chất lượng cao, chương trình này được triển khai năm 2012 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Nhà trường đã triển khai trong năm 2012 và năm nay tiếp tục thực hiện khóa 2. Chương trình này hoàn toàn khác với chương trình liên kết. Thết kế dựa trên chương trình khung kết hợp với các môn chuyên ngành của các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Điều kiện đầu vào là các thí sinh phải thi đậu vào trường. Điểm chuẩn năm nay là từ 17 đến 20,5. Ngành Kinh doanh Quốc tế phải từ 20,5 điểm và ngành Quản trị khách sạn nhà hàng điểm phải từ 20 đến 20,5.

Chương trình này được liên thông với các trường ở nước ngoài, như đại học Newcastle. Kết thúc năm thứ hai sẽ được tham gia học chương trình ở nước ngoài, được nước ngoài cấp bằng.

Đây là sự khác biệt giữa chương trình chất lượng cao và chương trình liên kết. 

 
Các bạn học sinh tham gia buổi tư vấn tại toà soạn Báo Thanh Niên - Ảnh: Đ.N.T

* Trường ĐH Hoa Sen có đào tạo chương trình Cao đẳng Marketing hợp tác với Manchester và tổ chức Edexcel với thời gian là 3 năm. Vậy em muốn học lên bậc ĐH thì trường có chương trình liên thông không ạ?

- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh, Trường ĐH Hoa Sen: Sau khi tốt nghiệp chương trình này chỉ cần học thêm 1 năm là có bằng của Trường ĐH Paris-Est Créteil (Pháp). Hiện ĐH Hoa Sen đang làm việc với một số đối tác nữa để ký hợp tác dạy liên thông 1-2 năm để thí sinh có thể nhận bằng ĐH quốc tế sau khi tốt nghiệp CĐ hoặc đang học năm cuối hệ CĐ.

* Em đọc trên website thấy trường có thông tin như sau: Học sinh trường THPT quốc tế có lợi thế về tiếng Anh rất thuận lợi khi theo học chương trình CĐ Kinh doanh. Tiếng Anh của em không khá lắm và đang luyện thêm. Vì vậy, em dự tính chọn một chương trình hợp tác quốc tế để có điều kiện cọ xát và nâng cao tiếng Anh. Tuy nhiên không biết nhà trường có tạo điều kiện nào cho những bạn không khá tiếng Anh nhưng muốn học chương trình này? (Ví dụ mở lớp luyện thêm tiếng Anh....)/ Nếu như học chương trình hợp tác quốc tế mà chưa biết ngoại ngữ thì có thể theo học được không?

- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh, Trường ĐH Hoa Sen: ĐH Hoa Sen hỗ trợ các cấp độ học tiếng Anh từ lớp chuẩn bị. Điều kiện học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 thì có kiểm tra đầu vào và xếp lớp để đến khi nào thí sinh bổ trợ đủ tiếng Anh thì sẽ học chương trình của Trường CĐ Manchester. Chương trình chính khóa không kéo dài mà tùy thuộc trình độ tiếng Anh từng em.

* Chương trình Quản lý Khách sạn-Nhà hàng hợp tác với Vatel của trường học phí một năm bao nhiêu? Nếu cháu học chương trình này cơ hội thực tập và tốt nghiệp bằng câp thế nào? Nếu cháu học chương trình này, sau này muốn học cao học ở trường nước ngoài thì bằng cấp mà trường cấp có được công nhận không? /Em muốn học ngành quản lý nhà hàng khách sạn của trường Vatel thì các diều kiện dự thi như thế nào, trình độ anh văn của em thấp thì có thể học ngành này được không, địa điểm học ở đâu, trong thời gian học có thể đi làm thêm được không?

- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh, Trường ĐH Hoa Sen: Học phí chương trình này là 78 triệu đồng/năm và không thay đổi trong 3 năm. Chương trình này có hình thức đào tạo khá đặc biệt là thí sinh gần như học một nửa học tại giảng đường, 1 nửa thực hành tại nhà hàng, khách sạn. Các em khi tham gia quá trình học tập phải cam kết rõ ràng là không thể chỉ học tại TP.HCM mà có thể phải đi nhiều nơi để thực hành trong chuỗi nhà hàng khác sạn đã kí kết với ĐH Hoa Sen.

Trong quá trình học 3 năm thì có tới 1 năm rưỡi làm tại nhà hàng khách sạn có thầy cô hướng dẫn. Trường sẵn sàng loại bỏ những em không tuân theo kỷ luật để có đầu ra chất lượng, nhưng đến nay chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.

* Em đang học lớp 12, em có thể học chương trình liên kết hay phải tốt nghiệp mới được học? (Học sinh tại hội trường đặt câu hỏi)

Nhà báo Thùy Ngân thay mặt các khách mời trả lời rằng mỗi trường có điều kiện về đầu vào khác nhau song đều có điều kiện phải tốt nghiệp 12.

* Trình độ tiếng Anh của em không được tốt lắm, em có thể theo học các chương trình liên kết quốc tế của Trường ĐH Duy Tân không? Nhà trường có chương trình gì nhằm giúp sinh viên có thể nâng cao trình độ ngoại ngữ không?

* Chào thầy Hải, em đọc thông tin tuyển sinh trên trang web của trường ĐH Duy Tân thì thấy trường có các chương trình tiên tiến CMU, PSU, CSU nhưng em không hiểu những chương trình này là gì? Giống nhau và khác nhau thế nào? Xin thầy giải thích giúp em, em cảm ơn thầy!

- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân: Sinh viên học ở trường Duy Tân buộc phải đạt điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Còn sinh viên học các chương trình liên kết buộc phải đạt chuẩn về trình độ tiếng Anh. Nếu các em chưa đạt chuẩn, trường sẽ có các kỳ đào tạo theo bốn cấp độ khác nhau để giúp các em trong quá trình học liên kết.

Chương trình CMU là liên kết với ĐH Carnegie Mellon đào tạo về công nghệ thông tin (công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin quản lý, kỹ thuật mạng), PSU là chương trình liên kết với ĐH Penn State đào tạo về quản trị kinh doanh, kế toán và du lịch và CSU là chương trình hợp tác liên kết với ĐH California State đào tạo kiến trúc, xây dựng và môi trường...

Các em nên vào trang web của trường để biết rõ về xếp hạng và thông tin cụ thể về trường. Đáng chú ý, trong năm đầu tiên, khi có một giáo sư nước ngoài sang giảng dạy, trường thường cử thêm 2 trợ giảng giúp các em giải đáp thắc mắc và tiếp cận với phương pháp học tập quốc tế ngay trên đất nước mình.

- Theo ông Warren Eng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định (ERC International), lợi thế khi sinh viên chọn học chương trình quốc tế so với chương trình VN gồm: đầu tiên là chương trình học quốc tế với giáo trình, giáo viên nước ngoài; thứ hai là bằng cấp quốc tế được công nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia hơn; thứ ba là cơ hội làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau.

 
Quang cảnh buổi truyền hình trực tuyến online - Ảnh: Đ.N.T

* Một bạn đọc cũng gửi đến chương trình câu hỏi: Em đang là sinh viên ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Gia Định. Nay muốn chuyển qua học chương trình liên kết quốc tế của ERC có được không?

- Ông Warren Eng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định (ERC International), trả lời: Nếu sinh viên đã đậu vào ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Gia định mà muốn chuyển qua chương trình quốc tế ERC thì chắc chắc là được. Nhưng trước tiên sinh viên phải qua kiểm tra Anh văn (điều kiện học chương trình quốc tế là IELTS 6.0) và sẽ được học chương trình đại cương trước khi vào chuyên ngành.

* Nếu em tốt nghiệp ngành quản lý khách sạn, nhà hàng của chương trình liên kết của Trường ĐH Hoa Sen, trường có thể giới thiệu em sang làm trong ngành này ở Anh được không?

- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen: Chương trình liên kết là với Trường Du lịch & khách sạn quốc tế Vatel (Pháp) là một trường chuyên nghiệp đào tạo về nhà hàng, khách sạn. Ở Việt Nam, Vatel cũng đang liên kết với các khách sạn lớn.

Quá trình đào tạo của Vatel giúp người học đủ năng lực làm việc ở tất cả các khách sạn ở thế giới. Ngoài ra, hiện nay các khách sạn lớn ở VN đang thiếu đội ngũ nhân viên về nhà hàng, khách sạn. Do đó khi tốt nghiệp Vatel, các em sẽ có đủ năng lực làm ở các khách sạn lớn ở trong nước, thậm chí các em có thể làm việc ở bất cứ khách sạn lớn nào ở Anh, Pháp...

* Một học sinh tại học trường đặt câu hỏi cho đại diện Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định: “Nếu trình độ tiếng Anh của em không đủ IELTS 6.0 thì em phải theo học thêm tiếng Anh của trường bao lâu? Mức học phí là bao nhiêu?”.

- Ông Warren Eng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định (ERC International), cho biết: Với học sinh chưa đạt trình độ tiếng Anh IELTS 6.0, trước khi được nhận vào học chương trình liên kết quốc tế thì phải qua một kỳ kiểm tra trình độ tiếng Anh. Tùy kết quả đánh giá trình độ mà học sinh sẽ có thời gian học bổ sung tiếng Anh dài ngắn khác nhau. ERC có 5 cấp độ tiếng Anh. Mỗi cấp độ học 3 tháng, với học phí là 20 triệu đồng.

* Tôi từng gặp trường hợp có người sau một thời gian học chuyển tiếp ở nước ngoài, phía trường liên kết không giữ đúng cam kết, ngưng giảng dạy, trả sinh viên về lại Việt Nam nhưng không được phía trường Việt Nam giải quyết. Làm sao đảm bảo cho sinh viên khi theo học chương trình quốc tế?

- Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing: Khi làm việc với các trường đối tác thì phải tuân thủ các quy định, đáp ứng các tiêu chí ở trường đó. Khi học ở nước ngoài như ở Malaysia, nếu vì lí do gì đó quay về trường thì chúng tôi sẽ không gởi gắm các bạn vào chương trình hiện nay (như chương trình đại trà hoặc chất lượng cao) vì đầu vào khác nhau.

Đối với chương trình liên kết không thi ĐH, chỉ xét tuyển hồ sơ thì khi quay về, chúng tôi cho học chương trình của trường sẽ vi phạm quy chế đào tạo nhưng chúng tôi vẫn tạo điều kiện tối đa cho các bạn. Do trường có nhiều mô hình liên kết quốc tế nên chúng tôi vẫn thực hiện đúng trách nhiệm là cho các bạn vào học chương trình liên kết.

* Tôi từng gặp trường hợp có người sau một thời gian học chuyển tiếp ở nước ngoài, phía trường liên kết không giữ đúng cam kết, ngưng giảng dạy, trả sinh viên về lại Việt Nam nhưng không được phía trường Việt Nam giải quyết. Chương trình của trường ĐH Duy Tân có thể đảm bảo được gì nếu tôi theo học? Em thấy học phí để học theo chuẩn các trường quốc tế giá chưa tới 10 triệu/học kì. Vậy là học hoàn toàn tại Việt Nam phải không? Nếu vậy thì làm sao đảm bảo chương trình, giảng viên như ở trường chính? Bằng cấp có như những học sinh khác học tại trường chính ở nước ngoài không?

- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân: Trường Duy Tân có lợi thế so với các trường trong điều kiện xét tuyển là phải đạt điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Do vậy, nếu các em không đủ sức, hoặc có biến cố về kinh tế, các em hoàn toàn có thể quay về chương trình truyền thống để học và nhận bằng do ĐH Duy Tân cấp.

Trong hai năm học ở trường và hai năm ở đối tác, các em vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ của Duy Tân. Trường thường xuyên cử cán bộ quản lý theo dõi các em.

Những hỗ trợ của trường là các em được học theo hướng tích lũy tín chí. Các em có thể tốt nghiệp sớm hơn nếu học tốt hoặc có thể kéo dài thời gian học tại trường bạn để đảm bảo yêu cầu. Dĩ nhiên các em phải nỗ lực hết sức.

Về học phí, học phí của trường so với TP.HCM thì rất thấp song so với miền Trung thì rất cao.

Về chương trình, hai năm đầu tiên sinh viên học với ĐH Duy Tân. Kết quả của Duy Tân được phép chuyển sang đối tác. Các em sẽ được miễn hai năm đầu để chuyển sang trường bạn. Những môn học được ghi vào bảng điểm do trường đối tác Mỹ cấp bằng. Để đạt được điều này, trường phải đàm phán bốn năm với các trường đối tác của Mỹ trước khi xin Bộ GD-ĐT cấp phép.

* Trường có những cam kết  gì với sinh viên để đảm bảo nếu nỗ lực hết sức, người học sẽ nhận được bằng cấp có giá trị?

* Em đang có dự tính sẽ làm giám đốc sáng tạo, vậy học ngành nào ở ĐH Hoa Sen là phù hợp nhất?

- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen: Trường Hoa Sen không có gửi học sinh ra nước ngoài học mà chỉ học trong nước với đội ngũ giáo sư nước ngoài nên không có rủi ro xảy ra trong quá trình học.

Cá nhân tôi nhận thấy với những nỗ lực của trường hiện nay, nếu các em không vượt qua được thì không thể vượt qua được của bất cứ chương trình nào. Trường luôn có độ ngũ tư vấn, giáo viên luôn theo sát các em trong quá trình học. Đó là cam kết tốt nhất của trường để các em đi hết chặng đường của mình. Điều quan trọng là các cần phải có nỗ lực vượt qua.

Giám đốc sáng tạo là nghề khá đặc biệt và thường liên quan đến công ty quảng cáo. ĐH Hoa Sen có nhiều cấp độ để đào tạo ngành này. Cấp độ cao nhất là học đại học makerting, sau khi tốt nghiệp đủ sức làm giám đốc sáng tạo ở công ty quảng cáo.

Cấp độ thứ hai là học thiết kế đồ họa, viết PR. Bất cứ người nào cũng có thể học được chương trình này. Sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ để chuẩn bị hành trang trong công việc.

Về phía mình, ông Warren Eng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định (ERC International), khẳng định: “Không chỉ với sinh viên nỗ lực, cố gắng hết sức trong học tập mà với mọi sinh viên, chúng tôi đều có 3 cam kết: một là giáo trình và giáo viên của chúng tôi được kiểm định bởi các tổ chức giáo dục, trường ĐH quốc tế có uy tín; hai là bằng cấp hoàn toàn do ĐH nước ngoài cấp, có giá trị quốc tế; ba là giới thiệu việc làm cho sinh viên ra trường”.

Bên cạnh đó, ông Warren Eng nói thêm, với sinh viên khá giỏi (đạt điểm các môn từ 70% trở lên) thì đều có thể ở lại làm việc một năm tại Singapore.

“ERC cũng có rất nhiều doanh nghiệp, công ty. Vì vậy, những sinh viên giỏi, xuất sắc hầu như đều được chúng tôi mời ở lại làm việc cho chính các công ty, doanh nghiệp của mình”, ông Warren Eng nói.

 
Các bạn học sinh đặt câu hỏi cho các vị khách mời tại hội trường Báo Thanh Niên - Ảnh: Đ.N.T

* Vấn đề việc làm sau khi ra trường luôn được phụ huynh và thí sinh đặc biệt  quan tâm. Xin các thầy cô cung cấp cho các phụ huynh, sinh viên những thông tin về vấn đề này.

- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen: Trường Hoa Sen có thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm ngay khi sinh viên nhận bằng tốt nghiệp. Tỉ lệ chung của trường rất cao, đặc biệt sinh viên tham gia chương trình quốc tế có tỉ lệ làm vệc cao hơn và mức lương ấn tượng.

Các thông tin này được công khai trên website nhà trường. Các em học chương trình quốc có lợi thế rất rõ là tiếng Anh. Điều này giúp các em có thể tham gia vào công ty có yếu tố nước ngoài hoặc những công ty trong nước nhưng làm ăn với nước ngoài.

Về vấn đề này thì không thể đảm bảo 100%. Dù tốt nghiệp chương trình nào, trong hay thậm chí học ở nước ngoài thì điều quan trọng nhất là năng lực của chính con người đó. Mảnh bằng không bảo đảm thành công chắc chắn. Thành công phụ thuộc và năng lực mà các em chuẩn bị trong quá trình học tập.

- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân: Trong 6 năm qua, chương trình liên kết với ĐH Carnegie Mellon (CMU) đã có 2 khóa đã tốt nghiệp, và khoảng 150 em ra trường của 2 khóa này đều có việc làm.

Khi thành lập Trường ĐH Duy Tân thì trường đã cho thành lập Trung tâm Xúc tiến việc làm, kí kết với các doanhnghiệp để đảm bảo việc thực hành, chỗ làm việc,... cho sinh viên. Khi hợp tác với các doanh nghiệp, trường sẽ gởi hồ sơ, chương trình,... của ĐH Carnegie Mellon cho các doanh nghiệp và đến năm thứ 3 thì các doanh nghiệp mời sinh viên đi thực tập ở đơn vị đó. Sau 1 năm thực tập thì hầu hết sinh viên được giữ lại ở các doanh nghiệp.

Do đặc thù chương trình đào tạo dưới dạng dự án. Hầu hết sinh viên đều làm các dự án xuất phát từ nhu cầu thực tế. Điều này chỉ thực hiện được khi các doanh nghiệp đặt hàng. Hội đồng đánh giá các dự án hầu hết do các giám đốc doanh nghiệp thực hiện. Ngoài ra, trường còn tổ chức các hội chợ việc làm cho sinh viên và cho doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên tại chỗ.

Dù vậy, có được việc làm hay không phải do chính bản thân sinh viên quyết định. Bằng tiếng Anh chỉ là một phương tiện để làm việc, mà chính sinh viên phải nỗ lực mới thể hiện được mình.

* Được biết trường mới có kế hoạch liên kết hợp tác, vậy trường chuẩn như thế nào để khi sinh viên ra trường có được việc làm hay chưa?

- Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing: Mỗi trường có mỗi cách làm khác nhau. Đối với trường chúng tôi phải đảm bảo sinh viên làm tốt kỹ năng cứng, kỹ năng mềm để phục vụ công việc sau này.

Đơn cử như ngành ngân hàng, chúng tôi xây dựng với hệ thống ngân hàng, thiết kế phòng thực tập, thuê phần mềm ở ngân hàng để đưa vào giảng dạy. Ai sẽ giảng dạy? Đó là chuyên gia ngân hàng vào giảng dạy phần thực hành. Trường đảm bảo tất cả các phần học liên quan đến thực hành, sinh viên đều được thực hành tốt để khỏi bỡ ngỡ khi ra trường. Tất nhiên để có được việc làm hay không còn phụ thuộc vào ý chí, năng lực của các em chứ không có trường nào dám cam đoan 100% sinh viên ra trường có việc làm được.

Tiếp theo loạt chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình online với chủ đề Chọn chương trình liên kết đào tạo quốc tế, vào các ngày 20, 22 và 23.8, lúc 14 giờ 30, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục thực hiện loạt chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề Cơ hội trúng tuyển nguyện vọng bổ sung. Buổi đầu tiên sẽ là phần tư vấn của các trường khối kỹ thuật - công nghệ. Mời bạn đọc theo dõi.

Xem video clip buổi trực tuyến:


Phần 1 


Phần 2


Phần 3


Phần 4 


Phần 5


Phần 6


Phần 7 


Phần 8 

THANH NIÊN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.