Vụ thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài Loan: Lao động nói 'bị ngược đãi', chủ tàu nói 'không'

14/08/2013 20:40 GMT+7

(TNO) Chiều 14.8, Thanh Niên Online đã gặp được anh Lê Đình Anh (quê Nghệ An) cư trú tại xã Vạn Hưng, H.Vạn Ninh (Khánh Hòa), một trong 4 thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài Loan để trốn thoát.

Bị đánh đập nhiều lần

Mặc dù vô cùng mệt mỏi sau hành trình dài trở về quê nhà, nhưng khi kể về 8 tháng đau buồn trên tàu cá Hsieh Ta, anh Lê Đình Anh (29 tuổi) không khỏi bức xúc: “Chúng tôi xuống tàu ngày 21.12.2012, trên tàu ngoài 10 thuyền viên Việt Nam còn có 7 người Indonesia, 3 người Philippines và 2 người Myanmar. Do bất đồng ngôn ngữ và chưa thạo việc đánh bắt cá bằng công nghệ cao nên một số anh em thao tác không chuẩn. Không riêng gì thuyền viên Việt Nam, tất cả đều bị thuyền trưởng người Đài Loan và 2 cai tàu đấm vào mặt, tát tai nhiều lần. Anh em chúng tôi đều cam chịu, cố gắng làm việc”.

Thuyền viên Lê Đình Anh kể về 8 tháng bị đánh đập trên tàu d
Thuyền viên Lê Đình Anh (trái) kể về 8 tháng bị đánh đập trên tàu cá Đài Loan - Ảnh Nguyễn Chung

Theo lời anh Đình Anh, suốt 8 tháng ròng rã trên biển, các lao động làm việc nặng nhọc, quần quật 18 tiếng/ngày. “Thậm chí anh Thành (Quảng Bình) làm thợ máy phụ bị đánh hộc máu mồm phải xin lên boong làm thợ câu. Người thay thế là anh Hoàng Văn Hậu (Nghệ An) cũng không thể chịu nổi những trận đòn, đành xin lên boong”, anh Đình Anh kể.

Cho đến ngày 2.8, một tàu cá cùng công ty với tàu Hsieh Ta bị hỏng máy, phải kéo vào bờ. Quá khổ cực, 10 anh em người Việt trên tàu bàn nhau bỏ trốn.

Anh Đình Anh nhớ lại: “Ngày 8.8, khi chỉ còn cách bờ biển Tahiti 800 m, chúng tôi quyết định nhảy tàu bơi vào bờ. Tuy nhiên, chỉ có 4 người chúng tôi trốn thoát, 6 người còn lại do đang lắp cáp, sơn tàu không kịp nhảy. Chúng tôi bơi khoảng 2 tiếng trên biển thì được cảnh sát địa phương cứu và đưa vào bờ”.

Do gia đình hộ cận nghèo, nên gia đình phải vay tiền đi xuất khẩu lao động, nguyện vọng của anh Đình Anh chỉ là muốn chủ tàu trả 4 tháng lương còn thiếu và được tạo điều kiện đổi việc.

Chủ tàu phủ nhận chuyện ngược đãi thuyền viên

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Hữu Phong, Phó tổng giám đốc Công ty TTLC (một trong ba đơn vị đưa các thuyền viên kể trên sang Đài Loan - PV) khẳng định "không có chuyện các thuyền viên bị hành hạ hay đánh đập".

Ông Phong nói: “Nếu bị đánh đập hành hạ, tại sao những thuyền viên còn lại không bỏ trốn. Chúng tôi đã có xác nhận từ phía chủ tàu, các em đều muốn tiếp tục ở lại làm việc. Không ai muốn về nước và tuyệt đối không có việc đánh đập như các thuyền viên mô tả”.

Theo lời ông Phong, cán bộ của công ty đã làm việc với 2 lao động thuộc trách nhiệm của công ty. Bước đầu các lao động hé lộ thông tin "muốn lên bờ tìm cơ hội mới vì công việc vất vả".

“Chúng tôi mong muốn thông tin khách quan hai chiều. Nếu đúng như các lao động nêu, chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ. Còn khi phía chủ sử dụng có bằng chứng đầy đủ, họ sẽ quy trách nhiệm về phía công ty và phạt hợp đồng. Lúc đó, người lao động cũng phải chịu phạt vì phá vỡ hợp đồng”, ông Phong cho biết.

Về tiền lương của lao động, ông Phong cũng cho hay đã thanh toán đầy đủ 4 tháng lương cho gia đình thuyền viên.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Công ty Sevico Hà Nội, cũng phản ứng việc các thuyền viên cho rằng bị nợ lương.

“Lương của lao động là 350 USD/tháng (gần 7,5 triệu đồng). Đến nay đã nhận lương hết tháng 6. Giấy tờ chứng từ chúng tôi còn lưu, nên việc lao động tố làm 2 năm không có lương là hoàn toàn thiếu chính xác”.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết cơ quan này vẫn đang xác minh vụ việc và sẽ có thông báo trong vài ngày tới.

Hai lao động người Nghệ An vẫn chưa về nhà

Chiều tối 14.8, gia đình các thuyền viên Trần Văn Dũng (24 tuổi, ở xóm 5, xã Sơn Hải, H.Quỳnh Lưu) và Hoàng Văn Hậu (26 tuổi, ở xã Châu Hạnh, H.Quỳ Châu), 2 trong 4 người được cứu tại vùng biển Tahiti, cho biết các thuyền viên này vẫn chưa về nhà. 

Ông Trần Vắn Chắt, bố của thuyền viên Dũng lo lắng khi thuyền viên này vẫn chưa về nhà
Ông Trần Vắn Chắt, bố của thuyền viên Dũng lo lắng khi thuyền viên này vẫn chưa về nhà - Ảnh K.Hoan

Ông Trần Văn Chắt, bố của thuyền viên Dũng, cho biết từ khi sang Đài Loan để đánh cá đến nay, Dũng chỉ gọi điện về nhà một lần trước khi chuẩn bị lên tàu vào cuối tháng 12.2012.

Ông Chắt chỉ biết tin Dũng nhảy xuống biển để đào thoát khỏi con tàu nói trên vì bị ngược đãi qua người môi giới lao động là ông Lê Viết Đồng, người cùng xã. Từ khi được tin Dũng đã về Việt Nam, gia đình cũng không thấy Dũng gọi điện về nhà.

Còn bà Lê Thị Nghinh, mẹ thuyền viên Hậu, cho biết sáng 13.8, anh Hậu đã gọi điện về nhà báo tin đang chuẩn bị đón xe từ TP.HCM để về quê. “Gia đình mới nhận được 3 tháng lương, mỗi tháng 6,3 triệu đồng”, bà Nghinh nói.

K.Hoan

Thu Hằng - Nguyễn Chung

>> 4 thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài Loan đã về đến quê nhà
>> Bốn thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài Loan đã về Việt Nam
>> Chưa rõ danh tính 4 thuyền viên trốn khỏi tàu cá Đài Loan
>> Chưa xác định được danh tính 4 thuyền viên VN trốn khỏi tàu cá Đài Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.