Quy định trách nhiệm cứu hộ, cứu nạn đường thủy

13/08/2013 03:14 GMT+7

Thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giao thông đường thủy nội địa chiều qua (12.8), đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải bổ sung quy định trách nhiệm các cơ quan liên quan trong cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn dẫn chứng ngay từ vụ chìm ca nô ở Cần Giờ (TP.HCM) vừa qua có hai phương tiện phát hiện tai nạn nhưng không quay lại cứu, dẫn đến thảm họa chết người, và đề nghị: “Phải quy định rõ trách nhiệm cứu người trên sông nước thế nào trong luật này chứ nếu không, người gặp tai nạn không được cứu nhưng người không chịu cứu cũng không chịu trách nhiệm gì thì không ổn”. Ủng hộ ý kiến này, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng phải bổ sung quy định cứu nạn đường sông, đường thủy vì hiện chưa rõ cơ chế pháp lý về trách nhiệm các bên liên quan trong công tác cứu hộ, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa.

Sau khi phát biểu tiếp thu, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng  khẳng định sẽ xử lý trách nhiệm hai chủ phương tiện liên quan đến việc không cứu nạn trong vụ chìm ca nô Cần Giờ.

Quy định trách nhiệm cứu hộ, cứu nạn đường thủy
Trục vớt ca nô bị chìm ở Cần Giờ - Ảnh: N.Long

Đề xuất trang bị máy bay, tàu thủy cho cảnh sát cơ động

Sáng qua, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) sửa đổi.

Trình báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa, cho biết một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị cần quy định rõ hơn về “quyền xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để trấn áp các hành vi khủng bố” của CSCĐ như dự thảo sửa đổi. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cho rằng, đối với quy định được nổ súng, ngoài trường hợp được quy định tại pháp lệnh Quản lý, sử dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, còn lại chỉ giao Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Thứ trưởng thường trực Bộ Công an được quyền ra lệnh nổ súng, còn tư lệnh CSCĐ, giám đốc công an tỉnh không có quyền hạn này.

Riêng về quy định CSCĐ được trang bị, quản lý, sử dụng máy bay, tàu thủy, một số Ủy viên TVQH đồng ý với đề xuất của cơ quan soạn thảo. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, một số nước điều kiện kinh tế không hơn Việt Nam nhưng CSCĐ vẫn có trực thăng, vấn đề là quản lý, sử dụng thế nào.

Phát biểu tại phiên họp sáng qua, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết ngày 21.8 tới, Ủy ban TVQH sẽ chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang sẽ trả lời chất vấn về việc thực thi pháp luật liên quan đến đất đai, giải quyết các vụ khiếu tố tồn đọng kéo dài liên quan đến lĩnh vực này; giải trình thêm xoay quanh việc hoàn thiện luật Đất đai (sửa đổi). Bộ trưởng Hà Hùng Cường sẽ phải giải trình tập trung vào tình hình thực thi các văn bản pháp luật từ 2010 đến nay.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.