Theo dấu văn thơ - Kỳ 7: Nàng Chăng Cà Mum của Nguyễn Chánh Sắt

12/08/2013 03:20 GMT+7

Mỗi khi nhắc đến nàng Chăng Cà Mum, người ta lại nhớ về xứ lụa Tân Châu (An Giang). Nàng Chăng Cà Mum kết có hậu, nhưng “ông” Chăng Cà Mum lại đoạn trường.

>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 6: Mẫn của chúng ta
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 5: Lư Khê nhạt dấu
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 4: Trái tim đá núi

'Monsieur' Chăng Cà Mum

Nguyễn Chánh Sắt viết tiểu thuyết Nghĩa hiệp kỳ duyên gồm 16 chương được dư luận đánh giá là “Kim thời tiểu thuyết” in trên Báo Nông Cổ Mín Đàm trong năm 1920, tới năm 2002 NXB Văn nghệ TP.HCM đã tái bản tiểu thuyết này. Bối cảnh trong truyện là cảnh vật Tân Châu, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn (nay thuộc tỉnh An Giang). Truyện kể Trịnh Thế Xương là phú hộ ở Tân Châu có con gái tên Trịnh Phương Lan, 6 tuổi bị mất tích. Vài chục năm sau Thế Xương đăng trên nhật trình tìm con và mắc kế ả Đào Phi Đáng giả làm Phương Lan.

Bia mộ cụ Sắt và hiền thê - d
Bia mộ cụ Sắt và hiền thê - Ảnh: T.D 

Còn Phương Lan thật bị bắt cóc bán cho một gia đình người dân tộc ở vùng núi Cô Tô và nàng bị đổi tên là Chăng Cà Mum. Vì bị ép duyên, cư xử tệ lậu, Chăng Cà Mum tìm đường bỏ trốn và được hiền sĩ Trần Trọng Nghĩa ra tay tương cứu đã nảy sinh tình duyên. Số phận đẩy đưa cho Phương Lan gặp lại cha ruột và ông lại nhận con ruột làm con nuôi. Phi Đáng biết sự tình, tìm cách hại làm nàng Cà Mum mắc nạn nhưng cuối cùng cốt nhục vẫn nhận ra nhau. Kết thúc truyện, Cà Mum lấy lại tên Phương Lan, ở với Trọng Nghĩa và có 4 mặt con.

Tuần báo Nhân Loại giới thiệu tác phẩm này như sau: Trong rừng tiểu thuyết Việt Nam, trừ loại tiểu thuyết đánh nhau chí tử thì xem đi xem lại, chỉ có truyện Nghĩa hiệp kỳ duyên, tục danh là Chăng Cà Mum của nhà văn quá cố Nguyễn Chánh Sắt là hay số một về cốt truyện thôi. Tác giả đã gom góp những tài liệu thật, nào tả anh chàng áp phe lưu manh, nào là những chuyện bắt cóc người ở biên giới Miên - Việt để xây dựng một cốt truyện hấp dẫn vô song. Tiểu thuyết nói trên quý ở chỗ không bịa chuyện phi lý, phổ biến rộng đến nỗi dân chúng đặt cho nó một cái tên khác là Chăng Cà Mum và Chăng Cà Mum biến thành nhân vật điển hình ở miền Nam. Thế nên, sau ba mươi năm được in lần đầu, trong quyển sách thuốc Nhị Thiên Đường, tiểu thuyết này vẫn còn được nhắc nhở đến luôn.

Mất tên chốn quê nhà

Dựa theo các tài liệu xưa, cụ Nguyễn Chánh Sắt, sinh năm 1869, tại xã Long Phú, Tân Châu trong một gia đình bần nông. Do thông minh đĩnh ngộ nên cụ được một gia đình giàu có nhận làm dưỡng tử và cho theo học chữ Hán, quốc ngữ. Lúc trung niên do sinh kế, Nguyễn Chánh Sắt bôn ba các nơi nhưng về già ông lại quay về ẩn dật đất quê và mất năm 1947.

Nguyễn Chánh Sắt được ông Nguyễn Văn Kiềm nhắc đến trong quyển biên khảo Tân Châu xưa là nhà văn tiên phong miền Nam. Trong Biên niên sử An Giang ghi chú năm 1901 Nguyễn Chánh Sắt lên Sài Gòn cộng tác với tờ Nông Cổ Mín Đàm và được xem là nhà báo đầu tiên của tỉnh. Về xứ lụa, hỏi mộ chí Nguyễn Chánh Sắt và tên tuổi “Chăng Cà Mum” thì người dân tỏ ra xa lạ, dù nhà họ chỉ cách phần mộ ông vài bước chân. Mộ của ông bên mộ hiền thê Văng Thị Yên, nằm trong đất thấp giữa cỏ dại nên mưa gió nước đọng vũng hôi tanh. Trước kia tại Tân Châu có trường học và con đường mang tên Nguyễn Chánh Sắt cặp bờ sông Tiền, nhưng sau này tên trường và tên đường bị thay mất. Lúc sinh thời ông viết báo, viết văn lấy bút danh là Du Nhiên Tử - nghĩa là người số rày đây mai đó - lẽ nào là điềm ứng cho mai sau?

Lẽ dĩ nhiên, bị mất tên nên theo thời gian tên tuổi của ông cũng chìm vào quên lãng. Bây giờ nói tên Nguyễn Chánh Sắt, lứa tuổi hàng 40 trở xuống tỏ ra mơ hồ.

Nghĩa hiệp... chờ duyên

Mới đây (ngày 26.7), Hội Khoa học lịch sử An Giang phối hợp cùng Thị ủy Tân Châu tổ chức hội thảo khoa học Nhà văn, nhà báo Nguyễn Chánh Sắt để ghi nhận, làm rõ các đóng góp của ông. Hầu hết tham luận có điểm chung như Nguyễn Chánh Sắt có ra Côn Đảo làm việc cho thiếu tá De Colbert do người này trọng tài ông, sau đó ông làm cho tờ Nông Cổ Mín Đàm và làm chủ bút, làm cho Báo Lục tỉnh tân văn, đi dạy chữ Hán ở Trường trung học Taberd và một số trường khác. Đặc biệt bản dịch truyện Tàu Tây Hớn của ông được nhà in J.Viết mua bản quyền bán rất chạy vì thời điểm đó chưa có cuốn truyện nào dịch ra chữ quốc ngữ...

Còn ở lĩnh vực nông nghiệp, ông viết báo kêu gọi mở rộng khai phá đất hoang, xây dựng nhà máy xay xát, hãng lúa; về công thương kêu gọi khai mở những nghề kim hoàn, nghề mộc, nghề in; người dân hùn hạp đoàn kết lập hội và mạnh dạn cạnh tranh với tư bản nước ngoài, với người Hoa. Ông cũng kêu gọi vấn đề nữ quyền cho nữ giới, phê phán bỏ lối học tầm thường nên hướng vào lối học thực nghiệm để nâng cao dân trí, mở mang nghề nghiệp trong vấn đề học thuật... Các tham luận cũng chỉ rõ ông làm cho Pháp nhưng không gây tội ác, không dính tới chính trị, chỉ chuyên tâm truyền bá chữ quốc ngữ, viết báo, truyện...

Thị ủy Tân Châu, Hội Khoa học lịch sử đã ghi nhận, xem xét các đề nghị, đề xuất của đại biểu như in lại các tuyển tập của cụ Sắt, thành lập giải thưởng văn học mang tên cụ; đặt lại tên trường, tên đường mang tên cụ...

Nàng Chăng Cà Mum 12 năm đoạn trường mới đoàn tụ gia đình. Hy vọng với bao dâu bể, cái tên Du Nhiên Tử sẽ không còn phiêu lãng trên quê xứ lụa.

Vì sao là 'MonsiEUr' Chăng Cà Mum ?

Nguyễn Chánh Sắt là dịch giả các truyện Tàu thành chữ quốc ngữ rất ăn khách thời đó, như: Tây Hớn, Vạn huê lầu, Chung Vô Diệm, Ngũ hổ bình tây, Tam quốc chí... Sau này ông bỏ dịch truyện Tàu tham gia viết tiểu thuyết trong nước như truyện trinh thám, xã hội. Lối hành văn của ông mang phong cách nửa Tàu nửa Nam bộ rất hấp dẫn độc giả. Truyện Nghĩa hiệp kỳ duyên là cốt cách người hiệp nghĩa, dung tha cho kẻ ác với suy ngẫm “làm ác ắt đời gặp báo”, qua đó người đọc biết đến vùng biên thùy Tân Châu, Châu Đốc hơn. Do mến mộ Chăng Cà Mum quá, người đời xưa đã gọi ông là Monsieur (Quý ông) Chăng Cà Mum.

Thanh Dũng

>> Đình chỉ phát hành tiểu thuyết 'Đại gia
>> Giới xuất bản Hàn Quốc “sốt” vì tiểu thuyết mới của Murakami
>> Tiểu thuyết gia Chinua Achebe từ trần
>> Tiểu thuyết gia Patricia Cornwell thắng kiện gần 51 triệu USD
>> Chinh phục văn học Mỹ bằng tiểu thuyết thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.