Phát triển bền vững khâu sau ngành dầu khí

09/08/2013 10:44 GMT+7

Hội Dầu khí VN (VPA) phối hợp với Tập đoàn dầu khí VN (PVN) vừa tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề Định hướng và giải pháp tạo sự phát triển bền vững khâu sau của ngành dầu khí VN.

Theo PVN, mặc dù ngành công nghiệp lọc - hóa dầu VN có bước phát triển vượt bậc nhưng việc liên kết các dự án còn manh mún, quản lý sản xuất kinh doanh chỉ mới ở giai đoạn an toàn kỹ thuật vận hành, chưa tối ưu công tác quản lý kinh doanh, nhân lực. Do vậy, PVN đã đề ra chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2025 là vận hành ổn định, nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất lên công suất 200.000 thùng/ngày; xây dựng, mở rộng NMLD Nghi Sơn, công suất 400.000 thùng/ngày; xây dựng và đưa vào vận hành NMLD Long Sơn; đảm bảo Nhà máy đạm Phú Mỹ vận hành an toàn, hiệu quả; hoàn thành xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau, Nhà máy sợi Đình Vũ, hoàn thành xây dựng Tổ hợp hóa dầu Miền Nam… Tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn này khoảng 20-25 tỉ USD. PVN cũng xác định chuỗi giá trị gia tăng: Tìm kiếm thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển dầu khí là khâu quan trọng giúp ngành dầu khí VN phát triển tổng thể.

Phát triển bền vững khâu sau ngành dầu khí
Nhà máy hạt nhựa Polypropylen Dung Quất - nhà máy hóa dầu đầu tiên của VN - Ảnh: Hiển Cừ


 
Bà Trần Thị Bình, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, cho rằng khó khăn, thách thức trong phát triển lọc - hóa dầu ở VN hiện nay là cơ sở hạ tầng kém, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nguồn nguyên liệu dầu thô, khí… hạn chế về khối lượng, chất lượng, phụ thuộc về công nghệ, nhà thầu quốc tế, nguồn nhân lực cao còn hạn chế. Bà Bình đề xuất 4 giải pháp cơ bản phát triển ổn định ngành dầu khí VN, gồm giải pháp về quản lý, nhân lực, khoa học - công nghệ và tài chính.
 
Theo ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Vận chuyển và Chế biến dầu khí (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công thương), phần lớn các dự án lọc hóa dầu ở nước ta đều đang chậm tiến độ, thậm chí như dự án NMLD Cần Thơ, công suất 2 triệu tấn/năm do chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng nên tính khả thi không cao, có thể bị thu hồi giấy phép đầu tư.
 
“Với 2 NMLD Dung Quất và Nghi Sơn đã đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước nên các dự án NMLD khác không nhất thiết phải đầu tư bằng mọi giá. Nhà đầu tư nào nếu tính toán thấy rằng dự án có hiệu quả, hài hòa được lợi ích thì Chính phủ Việt Nam hoàn toàn khuyến khích”, ông Sơn nhấn mạnh và đề xuất cần phải điều chỉnh quy hoạch ngành dầu khí đến năm 2020, rà soát tổng thể để loại bỏ những dự án lọc hóa dầu không khả thi, tiếp tục hoàn thiện cơ chế giá xăng dầu, khí… theo thị trường, ưu tiên một phần nguyên liệu khí cho phát triển công nghiệp hóa dầu, gắn kết các dự án hóa dầu với lọc dầu thành chuỗi tạo hiệu quả đầu tư tổng thể.

Tại cuộc hội thảo, ông Nguyễn Anh Đức, Phó viện trưởng Viện Dầu khí VN, đã nêu lên vấn đề tích hợp lọc - hóa dầu và định hướng áp dụng tại VN. Theo ông Đức, lợi ích của tích hợp lọc - hóa dầu là chủ động về nguyên liệu hóa dầu, tối ưu chuỗi cung ứng, tăng hiệu quả kinh tế; tiết kiệm đáng kể đầu tư cơ sở hạ tầng, kho cảng, bảo trì bảo dưỡng, chi phí năng lượng… “Tích hợp lọc dầu với hóa dầu là xu thế tất yếu trên thế giới để giảm chi phí, tăng quy mô công suất các phân xưởng trung gian, tăng hiệu quả”, ông Đức nói.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.