Điểm sàn thấp vẫn lo

09/08/2013 03:20 GMT+7

Mức điểm sàn ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT công bố trong sáng qua đã khiến khá nhiều người bất ngờ. Bất ngờ là bởi với đề thi đánh giá dễ hơn mọi năm, điểm thi của TS cao hơn các năm trước (giám thị và lãnh đạo các trường nhiều lần khẳng định thông tin này với báo chí), mọi người tin rằng điểm sàn năm nay phải cao, chí ít TS phải đạt điểm trung bình ở mỗi môn.

Mức điểm sàn ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT công bố trong sáng qua đã khiến khá nhiều người bất ngờ. Bất ngờ là bởi với đề thi đánh giá dễ hơn mọi năm, điểm thi của TS cao hơn các năm trước (giám thị và lãnh đạo các trường nhiều lần khẳng định thông tin này với báo chí), mọi người tin rằng điểm sàn năm nay phải cao, chí ít TS phải đạt điểm trung bình ở mỗi môn.

>> Gần 240.000 thí sinh đạt điểm sàn vẫn có khả năng rớt đại học
>> Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn ĐH-CĐ 2013
>> Hôm nay sẽ có kết luận về điểm sàn

Thế nhưng thực tế không như vậy. Trả lời báo chí trong ngày hôm qua, lãnh đạo Bộ cho rằng: “Đề thi dễ hay khó hơn năm ngoái là một khái niệm rất tương đối. Kết quả cao hơn một phần do đề thi tương đối phù hợp hơn với năng lực làm bài của TS…, một phần thể hiện quyết tâm làm bài của TS, chất lượng dạy và học của giáo dục phổ thông những năm gần đây đã được nâng lên…”.

Thế nhưng trong suốt giai đoạn chấm thi, qua báo chí, về định lượng, các trường đều đưa ra những con số cụ thể cho thấy điểm của TS cao hơn mọi năm, rất nhiều TS đạt điểm 4-5-6. Về định tính, các giám khảo, trong đó có nhiều người trải qua hàng chục năm chấm thi ĐH, đều khẳng định đề thi dễ và TS đạt điểm từ trung bình trở lên khá nhiều. Một bằng chứng nữa là điểm chuẩn chính thức của các trường ĐH công lập năm nay đều cao hơn so với mọi năm. Kể cả các trường công thuộc tốp 2 các năm trước rất nhiều ngành lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì năm nay, thậm chí có trường ngành thấp nhất là 15 điểm. Vì thế, nhìn vào mức điểm sàn mà Bộ công bố, không khó để nhận ra Bộ đã vì ai. Những trường tốp trên hoàn toàn không ảnh hưởng gì vì điểm chuẩn khá cao, trường tốp giữa cũng không quan tâm lắm vì phần lớn điểm chuẩn trên sàn, chỉ các trường tốp dưới vui vì có nhiều khả năng lấy đủ chỉ tiêu, không lo thiếu người học.

Nhưng điểm sàn như thế là không đánh giá đúng thực chất của một kỳ tuyển sinh, gây nên những hệ lụy về sau như chất lượng đầu ra; các đơn vị lao động từ chối tiếp nhận những kỹ sư, cử nhân ở các trường này; xa dần mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ĐH của VN.

Còn nhớ, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên vào thời điểm này năm 2012, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, mong muốn: “Mục tiêu của Bộ là nâng dần mức điểm sàn của TS để các em đạt ngưỡng tối thiểu là 15 điểm/3 môn. Trên thực tế, mức điểm sàn 13 và 14 là để tạo điều kiện cho các trường có nhiều nguồn tuyển. Vì thế, điểm sàn chắc chắn không thể hạ thấp hơn và sẽ tăng dần qua từng năm”. Nhưng, năm nay Bộ vẫn lấy điểm sàn tương đương hoặc thấp hơn (điểm khối C) so năm trước nên số dư dôi trên sàn tăng hơn 100.000 so với năm 2012. Có lẽ, Bộ hy vọng số dôi dư này càng cao thì càng có nhiều cơ hội để các trường tốp dưới hay ngoài công lập nhận đủ chỉ tiêu. Thế nhưng thực tế nhiều năm qua đã chứng minh điều này không có ý nghĩa nhiều trong quá trình xét tuyển của các trường. Vì số dư dôi này rất ảo, số TS đạt điểm cao thường cũng dự thi nhiều đợt nên trên thực tế các trường cũng sẽ thiếu nguồn tuyển. Như thế, dù điểm sàn thấp thì năm nay nguy cơ không tuyển được TS vẫn treo lơ lửng với các trường.

Tạm gác những băn khoăn này, sau khi Bộ công bố điểm sàn là thời điểm các TS bắt đầu một “cuộc đua” mới. Theo thống kê của Bộ, với mức điểm sàn này, so với tổng chỉ tiêu, còn 238.768 TS sẽ bước vào một kỳ “tuyển sinh” khác. Đây được xem là một trong những cơ hội cuối cùng cho TS trong kỳ thi tuyển sinh năm nay nên TS phải cân nhắc thật kỹ. Với điểm chuẩn khá cao, năm nay không nhiều trường công lập xét tuyển nguyện vọng bổ sung vì vậy, muốn vào các trường này, TS phải có điểm thi thật cao mới có nhiều cơ hội. Với số điểm hơn sàn một chút, cơ hội sẽ nhiều hơn cho TS nếu xét tuyển vào ĐH địa phương hay ngoài công lập. Ngoài ra, còn hướng đi ở các trường CĐ, TC, sau này có thể thi liên thông nếu vẫn muốn học lên cao…

Cơ hội học tập cũng còn nhiều nhưng có một điều TS cần lưu ý, hãy chọn ngành đúng sở trường, sở thích. Đừng vì mọi giá phải vào ĐH dễ dẫn đến tình trạng vào xong rồi chán nản, bỏ học rồi bắt đầu lại. Có nhiều lối vào đời, không nhất thiết lúc nào cũng phải khởi đầu từ ĐH.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.