Tàu đến G

04/08/2013 03:00 GMT+7

Bữa đó, mãi đến khuya, khi đứa trẻ đã ngủ yên, ông mới tìm bức thư. Ông đinh ninh đã để bức thư giữa cuốn sách đang đọc nhưng nó đã không cánh mà bay.

Như kẻ mất trí, ông cứ lật đi lật lại cuốn sách, mở từng trang một rồi lại mở tất cả các cuốn sách trên bàn, trên giá sách, lục tung tủ quần áo, soi tìm dưới gầm giường, góc tủ nhưng không sao tìm thấy. Nhiều ngày sau ông vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm, đầu óc quay cuồng, lúc thì nhớ mình để chỗ này, khi lại tin mình để chỗ khác. Nhiều lần ông nằm mơ thấy đã tìm ra bức thư, ông vật lộn với những trang giấy dày đặc chữ, không sao đọc nổi cho đến khi bật trở dậy, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Ông chỉ thôi tìm kiếm khi hiểu ra rằng, với vợ ông, việc níu kéo là vô nghĩa.

Thế mà, cách nào đó, ông vẫn chờ đợi. Một tiếng chuông điện thoại, một tiếng gọi cửa, một bức thư, một tên người trùng với tên vợ… đều khiến ông nghẹn thở vì hồi hộp. Những căng thẳng, lo âu khiến ông mắc chứng huyết áp cao khi còn khá trẻ. Viên bác sĩ trẻ ở khoa nội thần kinh, một tay điển trai, để ria mép rất điệu nghệ, khi đo huyết áp cho ông, bỗng nhăn mặt, lầm bầm, huyết áp thì cao, mạch lại chậm, mạch gì chỉ có 45-50 nhịp/phút. Thấy ông không hiểu, hắn giải thích, thông thường, người huyết áp cao thì nhịp tim nhanh, anh là một ca đặc biệt đây. Cần hết sức lưu ý để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc. Ông ậm ừ gật đầu, cám ơn bác sĩ, trong lòng đã có một quyết định để thay đổi hoàn cảnh sống của mình. Ông bán căn hộ trong phố để dọn ra ngoại thành. Khi chuyển nhà, ông không mang theo đồ đạc cũ. Thứ duy nhất còn lại là số điện thoại của người vợ ông vẫn lưu trong máy. Ông không muốn hay không nỡ xóa đi. Ông cũng không muốn hiểu cho rõ ràng. Căn nhà nhỏ có một khoảnh sân, đủ để ông trồng mấy chậu hồng, mấy chậu thu hải đường.

Mẹ ông bằng lòng với ngôi nhà mới. Bà trồng thêm vài chậu cúc, vài cây ớt, vài cây húng chanh, một khóm gừng và một bụi sả. Bà đặc biệt chăm chút cho mấy chậu cúc. Bà bảo, các cụ nhà nho yêu kính hoa cúc vì phẩm hạnh của nó. Thấy con ngạc nhiên, bà bảo, hoa cũng có phẩm hạnh. Hoa cúc bền lâu, khiêm  nhường, chỉ tàn khô trên chính thân cành của mình, không úa nát, không rơi rụng như những loài hoa lộng lẫy khác. Đứa trẻ lớn lên trong sự đùm bọc của bà nội và bố. Nó trải qua các giai đoạn tình cảm bằng việc đặt các câu hỏi: khi nào mẹ về, mẹ có về không, mẹ đang ở đâu rồi thôi, không nhắc đến nữa. Nó giấu kín tâm sự của mình dưới vẻ trầm tĩnh, đĩnh đạc trước tuổi. Điều ông lo ngại nhất chính là sự cẩn trọng thái quá của nó trước mỗi quyết định.

Nó bảo, người ta có thể biết trước ít nhiều về thành công, về niềm vui nhưng gần như không thể biết trước những vấp ngã, những khốn khó đang rình rập mình. Cả nhà đâu có ngờ chỉ vì cái gai nhỏ đâm vào chân mà con phải nhập viện, phải bỏ lỡ một kỳ thi. Nghệ sĩ dương cầm nọ đâu có biết ngón tay trỏ của mình bỗng bị tê buốt ngay trước cuộc thi quốc tế mà cô hằng chờ đợi. Nó mất rất nhiều thời gian cho việc chọn một ngành học. Cuối cùng, nó chọn ngành địa chất. Nó bảo, con thích cuộc sống rày đây mai đó, luôn phải đối mặt với thách thức, với hiểm nguy của nghề này. Ngày con trai vào đại học, ông đã toan đi bước nữa. Người phụ nữ này là một đồng nghiệp, đã ly dị và đang nuôi đứa con gái nhỏ. Ông thân thiết với hai mẹ con họ, nhiều lần đến chơi nhà, đi đây đi đó cùng nhau. Vậy mà đến khi bàn soạn chuyện cưới xin, ông đột ngột dừng lại, chẳng có lý do nào rõ rệt để giải thích cho người phụ nữ và cho cả chính ông. Mẹ ông nghe chuyện, chỉ bảo “kinh cung chi điểu”.

Ông không cãi lời mẹ nhưng biết rằng mọi việc không hẳn như bà nghĩ. Không phải ông sợ sự đổ vỡ mà sự đổ vỡ đang nằm trong cơ thể ông, trong tâm hồn ông, một cơn đau dai dẳng, lúc tỏ lúc mờ, khi nặng khi nhẹ nhưng không dứt, không hết. Ông không hình dung được mình đã sống ra sao trong những ngày tháng đó, nếu không có đứa con. Ông nuốt nỗi cay đắng vào lòng để có thể nói với con những lời dịu dàng nhất, có thể chăm nom con bằng những cử chỉ đằm thắm nhất. Nhưng chính điều đó lại làm tổn thương đứa trẻ. Nó dễ cáu bẳn, dễ nổi khùng, đôi lần hỗn hào với bố. Ông mày mò tìm đọc các sách về tâm lý giáo dục trẻ nhỏ rồi loay hoay thay đổi cách dạy con, cứng rắn hơn, nguyên tắc hơn. Vậy mà vào năm mười lăm tuổi nó khiến ông lo lắng đến phát điên.

Nó bỏ nhà, bỏ trường đi ba ngày vì bất bình với thầy giáo dạy toán. Vậy rồi, ơn trời phật, nó tự trở về, xin lỗi bà, xin lỗi bố rồi trở lại trường. Ba năm cấp ba của nó là ba năm ông mất rất nhiều công sức, gần như ông không rời mắt khỏi đứa trẻ đang dần bước sang tuổi thành niên. Cứ như thế, ngày tháng trôi qua, cho đến khi ông buông bỏ mọi thứ, cảm thấy thư thả trong lòng thì ông biết tin vợ ông đã về nước và kết hôn với một người thầy cũ ở trường đại học. Họ gặp nhau trong một hội thảo ở Mỹ. Bà đem theo về đứa con riêng với người chồng Pháp. Bà đánh tiếng xin được đến thăm bố con ông. Dù không còn hờn trách, oán giận bà, ông vẫn không chấp nhận một cuộc gặp. Vì sao, bạn ông, người đưa lời nhắn, hỏi ông. Ông im lặng. Ông không thể trả lời cho rạch ròi. Ông chỉ có cảm giác ngại ngần, xấu hổ như chính ông đã gây ra mọi việc vậy. Có lần, đến siêu thị lớn, thoáng thấy bóng bà, tim ông đập thình thịch, ông vội vã lao ra đường, va phải một bà đầm cao lớn đội chiếc nón lá nhỏ xíu đang ngắm nghía các hàng quán bên đường. Ông đỏ mặt xin lỗi rồi bật cười cho sự lẩn thẩn của mình.

Dạo sau này ông hay quên. Có khi vừa nói chuyện điện thoại với một người, chỉ lát sau đã tự hỏi không biết mình vừa nói với ai, nói chuyện gì. Ông để sẵn trên bàn một cuốn sổ, một cây bút để ghi lại những điều cần nhớ, những điều thú vị trong sách kỹ thuật hoặc văn học, trong đó có một đoạn văn được ông đánh dấu chéo bằng bút đỏ bên cạnh. Đoạn văn nói đến việc người ta tiễn đưa nhau ở nhà ga. Những cảm xúc mãnh liệt nhất đã được bộc lộ khi tàu chuyển bánh. Tiếng còi tàu vang lên, người ta òa khóc nhìn con tàu rời xa, nghĩ đến cuộc chia lìa vĩnh viễn. Đúng lúc đó, không rõ vì cớ gì, con tàu chợt dừng lại. Hai bên nhìn nhau, cảm thấy ngượng ngùng khôn tả vì không còn gì để tỏ bày thêm nữa. Đọc đoạn văn này, ông vừa nhận ra sự tinh tế của tác giả vừa cảm thấy nó khá gần gũi với tâm trạng của mình. Ông cũng không còn hay đúng ra, không biết phải tỏ bày điều gì, tỏ bày như thế nào với người vợ cũ.

Ông thở dài, xoay mình, quay mặt vào vách, cố giữ cho các cử động thật nhẹ nhàng. Ông không hiểu vì sao bà ở trong khoang tàu này vào chính đêm nay. Ý nghĩ có thể bà cũng đến G để nghỉ dưỡng khiến ông cảm thấy bồn chồn, bất an. Nhưng có đúng là bà không nhỉ. Tự nhiên ông thấy ngờ vực cảm giác của chính mình. Ông không còn tin chắc đó chính là giọng nói của bà. Hơn nữa, ngoài giọng nói ra, ông có nhìn thấy mặt mũi, vóc dáng của người phụ nữ đang ngồi bất động kia đâu. Giọng nói của một người nói lên tâm tính, khí chất của họ thật chăng. Mẹ ông đã đúng chăng. Mẹ ông qua đời đã lâu, ngay khi cháu nội vừa tốt nghiệp đại học.

Là một người phụ nữ nông thôn, quanh năm làm ruộng làm vườn, học hành chẳng được bao nhiêu nhưng mẹ ông đã tích góp cho mình một kho kinh nghiệm sống vô giá. Bà bảo, trong cuộc đời mình, dù con gặp ai, ở bất cứ hoàn cảnh nào thì đó cũng chính là sự sắp đặt của trời phật. Dù dở dù hay, ta cũng không nên tránh né, mà có muốn thì cũng chẳng tránh né được. Ông còn nhớ, bà nói câu đó trong bữa cơm chiều, đúng vào hôm ông nhìn thấy vợ cũ trong siêu thị nọ. Mẹ, ông kêu thầm. Có thể, trời phật sắp đặt đây. Có thể, ta chưa dứt nợ, có thể, ta còn cần một lời nói sau cùng. Có thể, có thể… ông lặp đi lặp lại mấy từ đó như đang đọc một bản kinh rồi bật dậy, nhìn quanh. Thế nhưng trong phòng chẳng có ai. Trên chiếc giường bên kia, chăn gối vẫn được xếp ngay ngắn.

Ông thần người, nhìn như bị thôi miên chiếc chăn màu xanh biển và chiếc gối vải hoa nhiều màu bên giường đối diện, rồi bất thần đập tay lên trán, nhớ lại cái cách bà thu dọn giường chiếu ngăn nắp mỗi khi trở dậy. Những vật dụng trong nhà đã nhờ bà mà như có một vị thế, một linh hồn. Ông đã sống những năm tháng không có bà như thể người ta bóc một cuốn lịch bloc, bóc từng ngày một bỏ đi, cho đến khi chỉ còn tờ cuối cùng của một năm rồi lại bắt đầu bóc những tờ lịch khác. Có thể bà vừa rời khỏi đây để xuống một ga lẻ nào đó chăng. Có thể, bà đã nhận ra ông chăng. Ông rùng mình, lòng dạ trống lạnh như vừa bước hụt vào một khoảng không. Cách đây vài năm, trong một buổi chiều muộn, ông cũng có cảm giác như vậy khi nghe phát thanh viên trên đài thành phố nhắc đến tên vợ ông trong mục tìm người nhà. Phải một lúc sau ông mới tĩnh trí và biết rằng đó chỉ là sự trùng hợp tên họ.

Ông nhìn đồng hồ. Đã một giờ ba mươi phút. Ông thu dọn đồ đạc, đặt các vật dụng gần cửa ra vào rồi quay lại ngồi chỗ chiếc bàn nhỏ bên cửa sổ. Ngồi thu mình trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn trần, khuỷu tay tì lên mặt bàn, hai bàn tay thu lại để tựa cằm, ông nhìn ra đêm tối. Có một lúc, ông cảm thấy nhột nhạt sau gáy nhưng vẫn cố ngồi im, rồi bất thần quay ngoắt lại, tưởng sẽ nhìn thấy một khuôn mặt nhưng sau lưng ông cánh cửa màu đỏ sẫm vẫn đóng kín, gian phòng với sáu chiếc giường vẫn trống không. Ông đứng dậy mở cửa, bước dọc theo lối đi chật hẹp của khoảng hành lang vắng ngắt, lạnh lẽo. Mọi người đang say sưa trong giấc ngủ nửa đêm về sáng. Khi ông quay lại phòng, vừa lúc tàu vào ga. Ánh đèn nhà ga vàng vọt phủ trùm lên đám người tay xách nách mang, nhốn nháo trên sân. Ông vội vã rời tàu. Lúc ra cửa, ông có ý tìm cậu thanh niên gác tàu để chào một câu nhưng cậu ta đã biến đi đâu mất. Có khi đang ngủ vùi ở một góc nào đó. Ông mỉm cười, nhớ tới dáng đi hàng hai tất bật của cậu chàng.

 Có ai đó nói, ga gì mà bé tí hin như cái chuồng vịt. Có ai đó trả lời, càng ngày càng ít người lên xuống ở đây. Mai kia có khi họ bỏ luôn, chỉ dừng lại ở G thôi. Ông giật mình quay lại, thấy hai người nông dân vác trên vai hai chiếc bao tải lớn, đầu hơi chúi về phía trước, xin lỗi, thế đây không phải là G ư. Người cao lớn đáp, còn một ga nữa cơ. Người thấp bé góp chuyện, ôi dào, vậy là bác phải đợi đến đêm mai.

Mệt mỏi. Ông xách đồ đạc vào trong ga, tìm một chỗ ngồi. Gian phòng nhỏ trống hoang với hai dãy ghế xiêu vẹo. Mình là một tay vô duyên, hậu đậu, ông nghĩ, chán nản thở dài, đưa mắt nhìn ra chiếc cổng bên hông nhà, nơi đám khách ít ỏi đang chen nhau ra cửa. Cảnh chen chúc làm ông nhớ tới mấy lần đi làm sổ hưu trí, đi công chứng giấy tờ. Mặc cho các nhân viên luôn miệng nhắc mọi người ngồi tại chỗ, đến lượt sẽ xướng tên, các vị khách vẫn nhấp nha nhấp nhổm, xán đến bên ô cửa nhỏ, nhìn nhìn liếc liếc, thì thà thì thầm. Lúc đầu, ông ngồi yên, vừa đọc báo vừa đợi nghe gọi tên mình. Thế nhưng chỉ một lát là cũng lây cái nhấp nhổm của mọi người, lại xán đến bên cửa, liếc nhìn chồng sổ đang xếp ngay ngắn trước mặt cô nhân viên, cố tìm cuốn sổ của mình.

Bị nhắc nhở, ông ngượng ngùng về chỗ nhưng không sao đọc báo được nữa, cứ chăm chắm nhìn lên, sợ có ai đó chen ngang, sợ họ gọi mà mình không nghe thấy. Sợ, là một căn bệnh lưu cữu từ nhiều năm tháng, xuất phát từ nỗi lo âu triền miên của con người trước cuộc sống bấp bênh, lúc nào cũng sợ bị bỏ sót, bị quên lãng, bị người khác chiếm chỗ. Có khi phải đến thế hệ con ông, không, phải đến thế hệ cháu ông căn bệnh này may ra mới khỏi… mà thằng con đẹp trai, giỏi giang của ông sao chẳng thấy nhắc nhở chi đến chuyện yêu đương nhỉ, tội nghiệp thằng bé, hẳn nó vẫn bị ám ảnh vì sự chia lìa của bố mẹ. Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, ông  giật mình, lại có cảm giác ai đó đang chăm chắm nhìn mình. Nhưng trước mặt ông chỉ là mảng tường màu mực đã nhàu cũ, im phắc.

Đám người lao xao chỗ cửa ra cũng đã vợi hẳn, chỉ còn lại cô nhân viên nhà ga và vài ba hành khách. Trời đất, ông bật kêu lên, tất tả chạy tới cửa, vừa khi một người phụ nữ mặc áo đen, tóc búi gọn sau gáy, vai đeo túi xách nhỏ bước qua khung cửa sơn màu xanh biển rồi khuất dạng. Ông thẫn thờ quay lại chỗ để hành lý, đổ người xuống chiếc ghế gỗ, đầu óc quay cuồng, choáng váng. Cơn huyết áp đây, ông nghĩ. Ông quen với căn bệnh của mình đến nỗi có thể tự đoán định các mức độ của nó. Có lẽ huyết áp khoảng 160/90, nhịp tim 50/phút, ông vừa nghĩ vừa lục trong ngăn túi nhỏ tìm viên Amlodipin và chai nước. Ông tựa đầu vào thành ghế, nhắm mắt, giữ cho nhịp thở đều đặn, nghe văng vẳng giọng nói chậm rãi, mỏi mệt của tay bác sĩ điều trị: Ông bị rối loạn hệ thần kinh thực vật, thể cường đối cảm. Hệ thần kinh thực vật còn gọi là hệ thần kinh tự động, hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí của con người. Hệ thần kinh thực vật điều khiển và bảo đảm sự cân bằng giữa giao cảm và đối giao cảm của con người. Giao cảm là những tác động thuận và nghịch, vui buồn, sướng khổ, thành bại, hội nhập hoặc cô đơn, hạnh phúc hoặc bất hạnh… mà những biến đổi của môi trường thiên nhiên, cuộc sống xã hội, hoàn cảnh gia đình, tâm trạng cá nhân mang đến cho con người. Đối giao cảm là sự ứng đáp của con người với các giao cảm.

Trong rối loạn vận hành thần kinh thực vật thể cường giao cảm (giao cảm mạnh hơn đối giao cảm thì tim đập nhanh, ngược lại khi ở thể cường đối cảm thì tim đập chậm. Ông ở trường hợp thứ hai). Ông nhớ, có lần, ông đã gục ngủ trên chiếc bàn phủ khăn trắng trong phòng mạch khi nghe những lời giải thích lặp đi lặp lại không biết đến lần thứ bao nhiêu của tay bác sĩ. Cuối cùng, lời giải thích dài dòng, rối rắm đó đã lậm vào ông, như một triệu chứng, xuất hiện cùng lúc với huyết áp, với nhịp tim bất thường. Ông lắc lắc đầu, cố thoát khỏi giọng nói kia, vừa co duỗi các ngón tay vừa giữ cho nhịp thở được đều đặn. Hít vào, thở ra, hít vào, thở ra, ông nhâm nhẩm đếm rồi thiếp đi trên chiếc ghế gỗ cũ kỹ.

Khi ông tỉnh dậy, ông nhìn thấy gương mặt đứa con trai đang cúi xuống bên ông, qua một làn sương mỏng. Ông cười, giọng yếu ớt, bố ngủ quên sao. Nó lắc đầu nhè nhẹ, bố ốm. Ông nhìn quanh, nhận ra mình đang nằm trong một phòng bệnh, có lẽ là một trạm xá của phường, xã nào đó. Ông thở dài, bố tệ thật. Con trai ông ngồi xuống bên giường, ông nghe thấy hơi hướng thân thiết của nó nhưng giọng nói thì vẫn còn xa xăm, không có gì nghiêm trọng đâu bố. Huyết áp ổn rồi, nhịp tim cũng đã khá hơn. Dừng lại một chút, nó nói thêm, hôm đi, bố quên cái phích con pha sẵn trà Giảo cổ lam. Ba chữ Giảo cổ lam không hiểu sao lại khiến ông tỉnh trí, nhớ lại câu chuyện đêm qua, trong khoang tàu nhỏ. Ông nhỏm dậy nhưng người con trai vội đỡ ông nằm xuống, bố đừng vội, chỉ một quãng ngắn nữa là đến G Con sẽ đi cùng bố. Ông  huơ huơ tay, giọng vẫn còn yếu ớt, đứt quãng, không, bố muốn trở lại nhà mình… Bố không cần đến một đợt nghỉ 3 tháng… không cần những ngày bất thường để quên những ngày bình thường. Sợ con phật ý, ông vội vã nói thêm, vả chăng, làm sao quên được những gì đã xảy ra trong đời mình hả con. Người con trai chống hai tay hai bên người ông, cúi xuống, nhìn sâu vào mắt cha, giọng nhẹ nhàng như nói với một đứa trẻ, không sao, mình sẽ về nhà. Im lặng một chút, lại nói thêm một câu gì, nghe như, Roth bảo, luôn có hơn một lời giải thích cho mỗi hành vi của con người.

Bất ngờ vì sự chấp nhận dễ dàng của con trai, ông ứa nước mắt, tự nhiên thấy mình yếu đuối kỳ lạ.

Sài Gòn 6.2013

Truyện ngắn của Ý Nhi
(Tiếp theo Thanh Niên Chủ Nhật số ra ngày 28.7.2013)

>> Tàu đến G - Truyện ngắn của Ý Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.