Đứng dậy sau khi ngã gục vì ma túy

26/07/2013 10:17 GMT+7

Sau thời gian điều trị tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh Ninh Thuận, anh viết đơn xin tình nguyện ở lại trung tâm để dạy tin học cho các học viên.

Đó là anh Trần Huy Cường (36 tuổi) ở Q.Tân Bình, TP.HCM, người có 2 bằng cử nhân trong và ngoài nước. Thất bại trong kinh doanh, anh đã sa chân vào con đường nghiện ngập ma túy và được gia đình động viên đi cai nghiện. Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Trung tâm này cho biết: “Sau khi hoàn thành hợp đồng cai nghiện, Cường đã tình nguyện ở lại trung tâm để dạy vi tính cho các học viên cùng hoàn cảnh”.

Gặp anh tại lớp dạy học vi tính, gương mặt của người đàn ông trung niên trải qua sóng gió cuộc đời đã trở nên già dặn so với tuổi của mình. Anh kể hết cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình sau khi lâm vào nghiện ngập. Anh sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ đều là bác sĩ công tác tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM, nên có điều kiện cho con học hành. Sau khi tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh của Trường Đại học dân lập Hùng Vương, Cường tiếp tục học thêm văn bằng 2 ngành Công nghệ thông tin ở Singapore.

Đứng dậy sau khi ngã gục vì ma túy
Anh Cường (phải) hướng dẫn cho học viên thực hành trên máy tính - Ảnh: Chí Cang

Ra trường, anh về nước làm cho một công ty kinh doanh và tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán. Những tưởng cuộc sống của anh đã đổi thay khi anh nắm giữ hàng ngàn cổ phiếu với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng cuộc khủng hoảng trên sàn giao dịch chứng khoán vào cuối năm 2008 đã làm anh trắng tay. Thất bại và buồn chán, anh đã tìm đến ma túy. Gần một năm sa vào con đường nghiện ngập và bị gia đình phát hiện, anh đã quyết tâm tìm đến trung tâm cai nghiện để chữa trị. Cường chia sẻ: “Lúc đầu gia đình tính gửi tôi đến cai nghiện tại một trung tâm ở thành phố, nhưng ở gần thì lại lo tôi sẽ tái nghiện và khó từ bỏ. Qua một người quen, tôi đã được giới thiệu đến Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh Ninh Thuận để chữa trị vào năm 2012”.

Thời gian đầu anh phải uống thuốc để cắt cơn nghiện khá vất vả, kết hợp với giáo dục thể chất và được học tập các kiến thức về giáo dục pháp luật, giáo dục đời sống, sau đó anh được phân vào tổ đời sống phụ trách ăn uống hằng ngày ở trung tâm. Cuộc sống của anh đã hoàn toàn thay đổi. Đầu năm 2013, khi đã cai nghiện thành công, anh Cường băn khoăn muốn làm điều gì đó để đền đáp công ơn cho những người đã giúp từ bỏ ma túy. Với ý định đó, anh viết đơn xin ở lại trung tâm tổ chức dạy học vi tính cho các học viên. Biết được ý định cua con, bố mẹ anh đã mua tặng cho trung tâm 10 bộ máy vi tính trị giá 80 triệu đồng để thực hành giảng dạy. Anh Cường rất vui khi được trung tâm đồng ý và anh đã nhanh chóng bắt tay vào công việc của mình. Trung tâm đã tổ chức được 2 lớp với 70 học viên gồm lớp học cơ bản (dành cho học viên mới biết vi tính) và lớp học nâng cao. Hằng ngày, Cường tổ chức giảng dạy tại phòng máy tính cho 10 học viên từ 8h đến 11h, ngoài ra còn phụ đạo thêm buổi tối vào các ngày thứ ba và thứ năm cho những học viên tiếp thu chậm”. Học viên Trần Thanh Phong, quê ở Đồng Nai cho biết, sẽ cố gắng cai nghiện thành công và học thêm vi tính để sau khi trở về sẽ giúp ích được phần nào cho cuộc sống.

“Bài học mà tôi rút ra được hôm nay đó là phải biết chấp nhận thất bại để làm lại từ đầu”, Cường tâm sự.

Thiện Nhân - Chí Cang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.