“Cởi trói” sức mạnh quân sự Nhật

23/07/2013 11:00 GMT+7

Với nền tảng hiện tại, Nhật Bản được cho là sẽ trở thành lực lượng quân sự nhất nhì khu vực một khi được “cởi trói” về hiến pháp.

Tờ Asahi Shimbun ngày 22.7 dẫn lời giới quan sát cho rằng với chiến thắng áp đảo của liên minh cầm quyền LDP-NKP trong cuộc bầu cử Thượng viện, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có đủ động lực và điều kiện để xúc tiến các ý tưởng cải cách lớn, nhất là về quân sự và an ninh. Lâu nay, ông Abe nhiều lần bày tỏ ý định muốn sửa điều 9 trong hiến pháp, vốn từ bỏ quyền tiến hành chiến tranh để giải quyết tranh chấp quốc tế và chỉ cho phép duy trì Lực lượng phòng vệ (SDF) thay vì “quân đội thật sự”. Trước mắt, ông Abe có thể tìm kiếm một cách diễn giải khác về hiến pháp nhằm chấm dứt lệnh cấm thực hiện quyền phòng vệ tập thể hay hỗ trợ khi đồng minh bị tấn công. Ngoài ra, theo Reuters, vị thủ tướng này cũng muốn thay đổi chính sách quốc phòng theo hướng cho phép tấn công phủ đầu các căn cứ của kẻ thù một khi phát hiện nguy cơ. Một khi những điều này thành hiện thực, cán cân quân sự tại châu Á có thể sẽ thay đổi.

 
Tàu khu trục lớp Hyuga không thua kém tàu sân bay - Ảnh: Freewebs.com

Thực lực đáng gờm

Dù bị ràng buộc về hiến pháp, SDF vẫn duy trì sức chiến đấu cao và không thiếu khí tài quân sự hiện đại. Lực lượng phòng vệ trên biển có ít tàu chiến hơn so với hải quân Trung Quốc nhưng vượt trội về chất lượng và đang được tăng cường sức mạnh không ngừng trong bối cảnh căng thẳng do tranh chấp biển đảo đang dâng cao. Lực lượng này hiện 16 tàu ngầm, 24 tàu khu trục, 36 khinh hạm, 24 tàu đổ bộ, 31 tàu quét mìn, 280 máy bay, trực thăng... Trong đó có 2 tàu khu trục tối tân lớp Akizuki và 2 tàu khu trục lớp Hyuga được trang bị bãi đáp trực thăng, hệ thống radar, định vị sóng âm cực kỳ hiện đại, với khả năng phòng vệ và tấn công không hạn chế so với nhiều hàng không mẫu hạm cỡ lớn. Nhật cũng đang chế tạo tàu khu trục 22DDH có khả năng chở máy bay trực thăng và một số loại chiến đấu cơ. Tạp chí Foreign Policy dẫn lời giới chuyên gia nhận định các tàu trên sẽ phối hợp tạo thành hạm đội tàu khu trục tên lửa “mạnh nhất châu Á”, có khả năng chở máy bay cùng sức chiến đấu hơn cả tàu sân bay “thứ thiệt”.

Ngoài ra, sức mạnh trên bộ và phòng không của Nhật cũng được đánh giá thuộc hàng “chiếu trên” với sự thiện chiến của binh sĩ và rất nhiều loại vũ khí lợi hại như chiến đấu cơ F-35 mua của Mỹ. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu ý tưởng lập một đơn vị tấn công đổ bộ có hoạt động tương tự quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, theo tờ The Japan Times.

Căn bản vững chắc

Khác với một số nước được cho là cường quốc quân sự khác, “đồ chơi” của Nhật chủ yếu là tự phát triển hoặc sản xuất theo hợp đồng bản quyền đàng hoàng. Xe tăng tối tân Type 10 và chiến đấu cơ ADT-X, dự kiến bay thử nghiệm vào năm 2014 với các đặc tính không thua kém F-35, do Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi chế tạo. Mitsubishi còn phối hợp với Tập đoàn Kawasaki đóng một số tàu ngầm lớp Oyashio chủ lực của đội tàu ngầm Nhật hiện nay. Còn tàu khu trục 22DDH cũng do tập đoàn trong nước là IHI phát triển. Ngoài ra, báo The Japan Times hồi tháng 3.2013 đưa tin chính phủ Nhật thông báo các công ty nước này sẽ tham gia nhóm 10 quốc gia chia sẻ bản quyền sản xuất các bộ phận của F-35. Những nền tảng nói trên sẽ giúp Nhật “thỏa sức vùng vẫy” một khi các cải cách của Thủ tướng Abe được thực hiện và tác động mạnh đến cục diện an ninh khu vực.

Quốc tế có những phản ứng khác nhau về viễn cảnh này. Trung Quốc và Hàn Quốc, 2 nước từng bị phát xít Nhật chiếm đóng và đang có tranh chấp chủ quyền với Tokyo, tỏ ra rất cảnh giác. Ngược lại, Mỹ sẽ chào đón do từ lâu Washington đã yêu cầu Tokyo chia sẻ gánh nặng an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo nhận định của chuyên gia Michael Green thuộc Tổ chức CSIS ở Washington với Reuters thì Đông Nam Á cũng sẽ rất ủng hộ trong bối cảnh an ninh trên biển Đông đang diễn biến phức tạp.

Mỹ, Nhật bàn chuyện an ninh biển tại Singapore

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gặp nhau tại Singapore ngày 26.7 để bàn chuyện tranh chấp lãnh hải. Cuộc gặp dự kiến diễn ra không quá 45 phút khi cả hai ông cùng thăm chính thức tại Singapore, Đại sứ quán Mỹ tại đây cho Thanh Niên biết. “Phó tổng thống gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Singapore để khẳng định sức mạnh bền bỉ của liên minh Mỹ - Nhật, với vai trò “bàn thạch” vững vàng cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Trong khi đó, theo Kyodo News, trong cuộc gặp với ông Biden, “Thủ tướng Abe sẽ giải thích lập trường của Nhật Bản về các vấn đề tranh chấp” ở biển Đông giữa một số nước Đông Nam Á với Trung Quốc, và tranh chấp giữa Tokyo với Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Ông Biden và phu nhân đang có chuyến thăm 6 ngày đến Ấn Độ và Singapore, bắt đầu từ 22.7 còn ông Abe sẽ thăm 3 nước Malaysia, Singapore và Philippines trong 3 ngày 25 - 27.7. Tại Singapore, Thủ tướng Nhật sẽ có bài diễn thuyết quan trọng do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức thường niên với khách mời là nguyên thủ các nước. Một chuyên gia tại ISEAS cho Thanh Niên biết, ngoài nói về chính sách cải cách kinh tế Nhật Bản do ông chủ xướng, ông Abe cũng sẽ đề cập vấn đề an ninh, trong đó có việc sửa hiến pháp để nâng cấp quân đội.

Thục Minh
(VP Singapore)

Văn Khoa

>> UAV “khủng” lần đầu tiên đáp xuống tàu sân bay Mỹ
>> Nga sắp giao tàu sân bay Vikramaditya cho Ấn Độ
>> Trung Quốc “xây căn cứ tàu sân bay”
>> Trung Quốc khởi công căn cứ tàu sân bay ở Hải Nam
>> Tàu sân bay Trung Quốc ra khơi huấn luyện
>> Trung Quốc bí mật xây dựng căn cứ tàu sân bay thứ 2?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.