Lãng phí lớn ở VNPT

20/07/2013 11:00 GMT+7

Ngày 19.7, Thanh tra Chính phủ đã họp báo công bố kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng quý 2/2013.

* Thủ tướng chưa có ý kiến khác về kết luận thanh tra đất đai ở Đà Nẵng
* Sắp công bố kết quả thanh tra Agribank, Tập đoàn điện lực VN...

Thông tin tại cuộc họp báo cho biết, trong quý 2/2013, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận 7 cuộc thanh tra, trong đó đáng chú ý là kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn bưu chính viễn thông VN (VNPT).

 Thanh tra Chính phủ cho rằng VNPT gây nhiều lãng phí, thiệt hại về vốn đầu tư
Thanh tra Chính phủ cho rằng VNPT gây nhiều lãng phí, thiệt hại về vốn đầu tư - Ảnh: Hoàng Trang

Dự án chậm tiến độ gần… 10 năm

Từ năm 2006 - 2011, VNPT triển khai thực hiện số lượng dự án đầu tư lớn nhưng nhiều dự án chậm tiến độ, trung bình thời gian chậm của mỗi dự án là 8,7 tháng, dẫn đến tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả sử dụng vốn; chậm quyết toán vốn đầu tư, nhất là các dự án mua sắm thiết bị lớn. Tại một số dự án quá trình thực hiện đầu tư chưa tuân thủ nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục... dẫn đến một số vật tư, thiết bị mua về không sử dụng hết, kinh doanh khai thác kém hiệu quả, phải dừng đầu tư, gây lãng phí, thiệt hại về vốn. 

 

Có ý kiến Thủ tướng mới công bố

Trả lời báo chí về việc một số kết luận thanh tra đã hoàn thành nhưng đóng dấu mật, trong đó có kết luận thanh tra về việc hoàn thuế trong hoạt động tạm nhập, tái xuất xăng dầu của Tổng cục Hải quan, ông Lê Tiến Hào cho biết: “Có những vấn đề phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nên mới đóng dấu mật. Khi nào có ý kiến Thủ tướng mới công bố”. Tương tự là kết luận thanh tra về dự án trường bắn quốc gia khu vực 1 đã phát hiện nhiều sai phạm và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Dự án cáp đồng hiện còn tồn kho vật tư cáp các loại trị giá 70,4 tỉ đồng; dự án Cityphone lỗ và tài sản không khấu hao hết tổng cộng 168,5 tỉ đồng. Đặc biệt có dự án đầu tư tuyến cáp quang biển trục bắc - nam với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay ODA chậm tiến độ gần… 10 năm. Nguyên nhân được xác định là do khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán, thẩm tra, phê duyệt thực hiện kéo dài từ năm 2004 - 2007; VNPT chưa tổ chức thực hiện đúng các yêu cầu quy định, sau nhiều lần đôn đốc của Chính phủ và Bộ Thông tin - Truyền thông, nhưng dự án vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn đấu thầu, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án và môi trường đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn ODA.

Đối với việc đầu tư dự án Vinasat I, II với tổng mức đầu tư 9.280 tỉ đồng, tuy đạt được mục tiêu về chính trị - xã hội nhưng đến thời điểm năm 2011 chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch trong dự án được phê duyệt, lỗ vượt dự kiến 329 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư tài chính dài hạn tại các doanh nghiệp (DN) ngoài VNPT (chủ yếu là các đơn vị hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông) cũng còn nhiều hạn chế. Đến thời điểm 31.12.2011, VNPT đã đầu tư góp vốn vào 86 DN với tổng giá trị 3.200 tỉ đồng, trong đó 38 DN thu được 322 tỉ đồng lợi nhuận với tỷ suất bình quân 15,64%; 28 DN được đầu tư 196 tỉ đồng nhưng lợi nhuận thu được thấp (tỷ suất bình quân chỉ đạt 3,16%); 20 DN khác và quỹ được đầu tư hơn 723 tỉ đồng trong thời gian dài (từ 3 đến 5 năm) không thu được lợi nhuận. VNPT chưa thực hiện nghiêm và đầy đủ trình tự, thủ tục theo Nghị định của Chính phủ và quy định của Bộ Tài chính về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính đối với 11 đơn vị.

TTCP kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tại công ty mẹ và đơn vị thành viên của VNPT liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản. Trong quá trình kiểm điểm đặc biệt chú ý đến các sai phạm trong đầu tư mua sắm và đầu tư tài chính, những sai phạm cụ thể tại Công ty tài chính bưu điện, Công ty viễn thông quốc tế (VTI). Kiến nghị xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản về thuế do VNPT và các đơn vị thành viên chưa thực hiện và thực hiện chưa đúng quy định trị giá hơn 105 tỉ đồng. Kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý trên 4.900 tỉ đồng, chủ yếu tập trung ở các khoản nợ phải thu khó đòi, các khoản trích lập quỹ dự phòng, phúc lợi, đầu tư... không đúng quy định.

Đà Nẵng phải “nghiêm túc kiểm điểm theo kết luận thanh tra”

Cũng trong quý 2, TTCP đã hoàn thiện 17 kết luận thanh tra khác. Đáng chú ý có cuộc thanh tra tại Tập đoàn điện lực VN (EVN), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank)…

Dù chưa công bố cụ thể nhưng theo Phó tổng TTCP Ngô Văn Khánh, tại Agribank đã phát hiện nhiều sai phạm trong cả 3 nội dung thanh tra gồm: tín dụng, đầu tư tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản. Trong quá trình thanh tra tại ngân hàng này, cơ quan thanh tra đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khởi tố hàng chục đối tượng, có vụ việc liên quan đến hàng ngàn tỉ đồng. Ông Khánh cũng cho biết TTCP đã thanh tra xong đối với EVN nhưng đang thống nhất giữa các bộ ngành và đơn vị bị thanh tra nên chưa ra kết luận chính thức.

Một trong những nội dung đáng chú ý là Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012. Ông Khánh cho biết đoàn thanh tra đã phát hiện một số sai phạm về đầu tư, định mức đầu tư. Dự kiến kết luận này sẽ được công bố vào tháng 8 tới.

Đối với kết luận thanh tra về quản lý sử dụng đất đai ở Đà Nẵng đã công bố trước đây, tại cuộc họp báo Phó tổng TTCP Lê Tiến Hào cho biết TTCP vẫn bảo lưu quan điểm và Thủ tướng Chính phủ cũng chưa có ý kiến khác. Do vậy Đà Nẵng vẫn phải nghiêm túc thực hiện kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND TP qua các thời kỳ theo như kết luận thanh tra.  

Thái Sơn

>> Nhiều dự án của VNPT gây lãng phí
>> Lãng phí, sai phạm tiền tỉ ở ngành y tế Lâm Đồng
>> Lãng phí nếu đầu tư dàn trải rạp quốc doanh
>> Đưa lãng phí vào luật Hình sự
>> Lãng phí không kém gì... tham nhũng
>> Lãng phí từ luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.