Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? - Kỳ 6: Đã đến lúc thay đổi

20/07/2013 03:20 GMT+7

Không định kiến, không hẹp hòi, phải chấp nhận thay đổi những điều không còn phù hợp với cuộc sống. Các chính sách ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khi thực tế đổi thay thì cũng phải điều chỉnh sao cho phù hợp.

Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng?

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay là một trường hợp như vậy.

Bộc lộ nhiều bất hợp lý

Loạt bài Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? đăng trên Thanh Niên trong suốt tuần qua đã chứng minh nhiều bất hợp lý của chính sách ưu tiên tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành. 

Thứ nhất, xét về khái niệm và số liệu, việc ưu tiên tuyển sinh như hiện nay là không đúng với bản chất. Ưu tiên, nếu có, là phải cho số ít hoặc thành phần tinh hoa. Thế nhưng thực tế khắp 63 tỉnh thành địa phương nào cũng có ưu tiên theo khu vực ít hoặc nhiều. Theo số liệu thống kê kỳ tuyển sinh năm 2012, tính riêng bậc ĐH, chỉ có 13% lượt thí sinh dự thi không thuộc đối tượng ưu tiên. Một chính sách ưu tiên mà trên 80% người có thể thụ hưởng thì còn ý nghĩa và giá trị gì không?

Thứ hai, chế độ ưu tiên tuyển sinh chưa đạt được mục đích là tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội của địa phương, ngược lại còn gây lãng phí. Thông tin từ các bài báo và tình hình thực tế cho thấy, sinh viên vùng sâu, vùng xa sau khi được đào tạo thường không quay về địa phương phục vụ mà đi tìm việc làm ở các thành phố lớn. Những sinh viên hệ cử tuyển do bị ràng buộc nên có thể trở về quê nhà sau khi tốt nghiệp nhưng số liệu từ các địa phương cho thấy không phải lúc nào các sinh viên này cũng có việc làm. Đến tháng 7.2013 tỉnh Đắk Lắk chỉ tiếp nhận, bố trí 44/552 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp, có địa phương của tỉnh Thanh Hóa chỉ bố trí được việc làm cho hơn 10% sinh viên diện này…

Thứ ba, những quy định ưu tiên theo quy chế tuyển sinh hiện hành không còn phù hợp với sự thay đổi của cuộc sống. Ngày nay, ai cũng thấy bất hợp lý khi TP.Đà Lạt được xếp vào khu vực ưu tiên số 1 như các huyện xã xa xôi khác của tỉnh Lâm Đồng. Cũng tương tự như vậy khi xếp TP.Nha Trang và TP.Huế vào khu vực 2 như TP.Trà Vinh và TP.Sóc Trăng… Theo các chuyên gia tuyển sinh, những năm gần đây khoảng cách điểm thi ĐH, CĐ của các thí sinh đã nhích lại gần nhau hơn. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, còn khẳng định: “Thậm chí hiện nay số thí sinh đạt điểm thi cao nhưng thuộc các khu vực ưu tiên chiếm tỷ lệ khá lớn, có nghĩa là những thí sinh này không cần hưởng chính sách ưu tiên cũng có thể trúng tuyển bằng chính năng lực của mình”.

Như vậy, có thể khẳng định chế độ cộng điểm trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cho các đối tượng thuộc diện chính sách có thể phù hợp trong một giai đoạn lịch sử nào đó của đất nước thì nay đã bộc lộ nhiều bất hợp lý cần phải điều chỉnh, thay đổi. Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng phải có một chính sách ưu đãi cho người sống ở những địa phương xa xôi, hẻo lánh, điều kiện kinh tế khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi (so với các thành phố lớn); người thiểu số; thân nhân (người có công) với đất nước… Đòi hỏi này là công bằng và chúng ta có nhiều cách thực hiện sự công bằng đó mà không cần quy đổi ra điểm số trong các kỳ thi tuyển mang tính cạnh tranh cao nhằm lựa chọn người có năng lực học tập.

Thay vì cộng điểm, nhà nước có thể đề ra các chính sách khác, chẳng hạn: tạo điều kiện cải thiện giáo dục ở các vùng khó khăn; đào tạo kéo dài thời gian, học bổng hỗ trợ (miễn phí) kinh phí học tập cho các đối tượng cần ưu tiên… Hoặc nếu cần, chỉ có thể ưu tiên vào những ngành, trường không đòi hỏi đầu vào nghiêm ngặt nhưng phải kèm một số điều kiện về học lực bậc phổ thông và với một tỷ lệ nhất định nằm ngoài chỉ tiêu tuyển sinh rộng rãi. Thật ra, đảm bảo công bằng trong giáo dục không dễ và đây cũng là vấn đề của nhiều nước. Ngay cả những nước có nền giáo dục tiên tiến, kinh tế mạnh như Mỹ, Úc… cũng còn tranh cãi về chế độ ưu tiên cho những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi dù chính sách của họ còn mang tính khoa học, hợp lý hơn ta.

Từ việc bỏ chế độ lý lịch trong tuyển sinh

Năm 1987, Báo Thanh Niên (lúc bấy giờ còn là tuần tin Thanh Niên) nhân trường hợp của sinh viên Nguyễn Mạnh Huy (2 lần trúng tuyển ĐH với  số điểm cao nhưng không được học vì lý lịch xấu - cha là quân nhân chế độ cũ chết trận) đã có loạt bài dẫn đến sự thay đổi căn bản chế độ tuyển sinh lúc bấy giờ, xóa bỏ chế độ phân biệt lý lịch trong tuyển sinh. Nay, khi chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho thấy nhiều bất hợp lý thì lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nên mạnh dạn đề xuất điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

26 năm trước vấn đề của Nguyễn Mạnh Huy đã được đưa ra tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11.1987. Theo tài liệu của Báo Thanh Niên, lúc bấy giờ các đại biểu trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ ĐH và THCN Trần Hồng Quân. Đại hội còn thảo luận và đưa ra nhiều kiến nghị về thay đổi chế độ tuyển sinh. Ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc bấy giờ là Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, phát biểu: “Phải công bằng trong đào tạo. Làm thế nào để người học sinh thấy rằng học tập ngày nay chính là tương lai ngày mai, của đất nước và của chính mình. Nên thực hiện chính sách giai cấp bằng cách tạo điều kiện để diện ưu tiên học tốt hơn, đủ sức vào ĐH chứ không ưu tiên bằng cách hạ điểm chuẩn. Ký túc xá của con em liệt sĩ phải đàng hoàng hơn, sách vở đầy đủ hơn, giỏi hơn... Nhưng khi đi thi không bớt điểm một cách khó chấp nhận được như hiện nay”. Tại đại hội, Bộ trưởng Trần Hồng Quân lúc ấy tuyên bố trường hợp Nguyễn Mạnh Huy đã được Bộ và UBND tỉnh Nghĩa Bình (nay là Quảng Ngãi và  Bình Định) xem xét và quyết định cho đi học.

Sự kiện của 26 năm trước vẫn còn thời sự cho đến ngày nay. Đáng trân trọng là lãnh đạo Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ đã mạnh dạn quyết định từ bỏ những gì bất hợp lý, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Từ đó đã mở ra cơ hội cho hàng vạn thanh niên có năng lực thực hiện ước mơ vào ĐH để góp phần phát triển đất nước như hôm nay.

Vậy thì, ngày nay, trước một vấn đề đơn giản hơn nhiều - điều chỉnh chế độ ưu tiên trong tuyển sinh sao cho hợp lý và đảm bảo công bằng - thì không có lý do gì để lãnh đạo Bộ GD-ĐT chần chừ không thay đổi.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.