Xã viêm gan

17/07/2013 11:00 GMT+7

Căn bệnh viêm gan đang lan nhanh tại 2 xã Ia Chim và Đăk Năng, TP.Kon Tum, khiến người dân địa phương hoang mang.

Ngày 16.7, ngành y tế tỉnh Kon Tum cho biết, một loại bệnh lần đầu tiên xuất hiện tại địa phương đang lan nhanh ở 2 xã Ia Chim và Đăk Năng. Ông Nguyễn Đình Quí, ở thôn Nghĩa An thuộc xã Ia Chim, cho hay 2 con trai của ông là Nguyễn Đình Đạt (17 tuổi) và Nguyễn Đình Đại (9 tuổi) đều mắc bệnh này. Theo lời kể của ông Quí, giữa tháng 6.2013, Đạt bỗng dưng lười ăn, mỏi mệt, bụng đầy hơi, nóng đầu và sau 3 ngày thì sốt, vàng mắt. Sợ quá, gia đình vội đưa Đạt đi khám ở Bệnh viện đa khoa Kon Tum, rồi đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Đạt mắc bệnh viêm gan siêu vi A cấp. Sau một tuần điều trị, bệnh của Đạt thuyên giảm, gia đình đưa về nhà. Thế nhưng đến ngày 5.7, đến lượt Đại mắc bệnh giống như Đạt. Ông Quí đưa con đi khám bệnh và bác sĩ cũng chẩn đoán là Đại bị viêm siêu vi A cấp. Tương tự, ông Lê Văn Chi ở thôn Tân An cũng có 3 con đều bị "bệnh lạ” vào đầu tháng 7.2013, gồm: Lê Thị Hậu, Lê Văn Hùng và Lê Đắc Huy. Tuy nhiên, nếu Hậu và Hùng điều trị viêm gan A thuyên giảm thì Huy lại tiếp tục bị viêm gan B.

Y sĩ Nguyễn Hữu Bình, Trưởng trạm y tế xã Ia Chim, cho hay loại bệnh này lâu nay chưa hề xuất hiện tại địa phương, hơn nữa lại xuất hiện dày đặc nên bà con rất lo lắng. Ca bệnh này phát hiện lần đầu tiên tại xã Ia Chim vào ngày 2.6, đến nay số người mắc bệnh ngày càng nhiều. Tất cả đều có dấu hiệu ban đầu là mỏi mệt, ăn uống khó tiêu. Sau đó từ 2 đến 6 ngày thì vàng da, vàng mắt và sau một tuần thì lên cơn sốt.

Xã viêm gan
Một bệnh nhân đang điều trị "bệnh lạ” tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum - Ảnh: Phạm Anh

Lan quá nhanh

Chiều 16.7, bác sĩ Võ Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, cho biết đây là bệnh viêm gan cấp các loại. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh, có điều lạ là người bệnh xuất hiện quá nhiều và lây lan nhanh trong thời gian ngắn trên địa bàn 2 xã Ia Chim (54 người), xã Đăk Năng (33 người). Cũng theo ông Thanh, tính đến ngày 16.7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận điều trị 40 trường hợp, hầu hết là các ca bệnh nặng còn các ca bệnh nhẹ thì cho về điều trị tại cộng đồng.

Ngoài ra, theo y sĩ Nguyễn Hữu Bình, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Kon Tum và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên ngày 13.7 đã lấy mẫu nước ở 4 thôn thuộc xã Ia Chim là Nghĩa An, Tân An, Plei Ruân và Lâm Tùng; đồng thời các ngành chức năng cũng lấy máu của 84 người dân xã Ia Chim, trong đó có người đang mắc bệnh, người được điều trị khỏi bệnh, để xét nghiệm. Kết quả sơ bộ cho thấy viêm gan A là do lây lan trong thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Còn xét nghiệm từ nước thì chưa phát hiện vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, ngành y tế tỉnh Kon Tum cũng đã về xã Ia Chim để tiến hành khử trùng nguồn nước, các chuồng trại gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh… “Cách làm này đã giảm phần nào hoang mang trong dân. Họ cho rằng, bệnh này xuất hiện là do người dân dùng thuốc quá liều để diệt cỏ, thuốc trừ sâu và diệt nấm trên cây cao su. Địa phương đã đề nghị ngành tài nguyên - môi trường về kiểm tra việc này”, ông Bình nói.

Lo ngại vi rút cúm H1N1 biến đổi

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết giám sát cúm quốc gia trong các tuần gần đây cho thấy số ca nhiễm vi rút cúm H1N1 chiếm 38% các ca viêm đường hô hấp do nhiễm cúm. Tỷ lệ này đã giảm so với các tháng đầu năm nay (60%). Viện đang có các nghiên cứu về biến đổi gien của vi rút này, do các chuyên gia lo ngại vi rút có thể biến đổi theo hướng có độc lực mạnh hơn hoặc mang gien kháng thuốc, nhưng vẫn chưa có bằng chứng khẳng định về sự biến đổi nguy hiểm này.

Vi rút H1N1 đang lưu hành trên diện rộng, đặc biệt có xu hướng mạnh hơn tại một số tỉnh miền núi, vùng xa, nơi chưa có miễn dịch cao với vi rút này trong cộng đồng.

Nam Sơn

Phạm Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.