Trải nghiệm du lịch homestay

16/07/2013 10:30 GMT+7

Mạnh dạn liên kết các điểm du lịch nổi bật trên địa bàn, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phát triển tour du lịch nông nghiệp theo kiểu homestay, mang lại cảm giác mới lạ cho du khách.

Mạnh dạn liên kết các điểm du lịch nổi bật trên địa bàn, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phát triển tour du lịch nông nghiệp theo kiểu homestay, mang lại cảm giác mới lạ cho du khách.

Nông dân làm du lịch

Chỉ mất khoảng 15 phút qua phà, du khách đã đặt chân đến cù lao Ông Hổ, một địa danh lịch sử nổi tiếng thuộc xã Mỹ Hoà Hưng (TP.Long Xuyên, An Giang). Đây là điểm đến đầu tiên trong tour du lịch homestay do Hội Nông dân tỉnh An Giang tổ chức. Đến cù lao, du khách có thể tham quan Khu lưu niệm Bác Tôn, sau đó len lỏi vào những vườn cây ăn trái mát rượi của người dân địa phương,  thưởng thức món ăn “hương đồng gió nội”, như: cá lóc nướng trui, gà hấp lá chanh… Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia các hoạt động câu cá, tát mương, tắm bùn, giăng lưới, mò ốc...  mang đậm chất miệt vườn Nam bộ. Sau thời gian thả mình trên miệt cù lao, du khách tiếp tục theo tour khám phá 13 điểm du lịch tiếp theo.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Ban Kinh tế hội Nông dân tỉnh An Giang, cho biết: “Từ nhiều năm nay, nhu cầu du lịch homestay của du khách trong và ngoài nước đến An Giang tăng cao. Tuy nhiên, hầu như người dân ở các điểm du lịch chưa biết tận dụng lợi thế trên để quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương, góp phần nâng cao thu nhập. Do vậy, việc giúp nông dân cùng kinh doanh du lịch là hướng đến phát triển nông thôn bền vững”.

Trải nghiệm du lịch homestay
Du khách tham gia chài cá trên sông với dân địa phương - Ảnh: Quyết Thắng

Hưởng lợi từ dự án

Trên địa bàn tỉnh An Giang có tổng cộng 14 điểm du lịch nông nghiệp (DLNN), chủ yếu tập trung ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới có các hoạt động văn hóa đặc trưng và độc đáo. Hiện có 75 đến 100 hộ trực tiếp hưởng lợi, chưa kể số hộ được hưởng lợi gián tiếp từ việc tham gia các dịch vụ của dự án. Kinh doanh DLNN có thể nói là hình thức còn khá mới mẻ với nông dân từ trước đến nay. Tuy nhiên, khi bắt đầu triển khai tại An Giang, mô hình này đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Theo ông Tôn Thất Đính (ngụ ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng), kinh doanh DLNN có nhiều cái hay, trong đó cái hay lớn nhất là vừa gắn bó với nghề nông vừa quảng bá văn hóa, phong tục tập quán địa phương đến du khách, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. “Nhà nông tụi tôi từ trước tới giờ chỉ biết làm kinh tế bằng ruộng rẫy. Nhờ được Hội Nông dân tỉnh cho tham gia dự án, gia đình tôi đã học hỏi được nhiều thứ. Sắp tới, tôi sẽ trồng thêm cây ăn trái, tạo bóng mát trước nhà để khách du lịch hài lòng khi đặt chân đến cù lao này”, ông Đính chia sẻ. Một người dân làm du lịch ở cù lao Ông Hổ cho biết khách Tây thường thích nét đơn sơ, mộc mạc của làng quê. Họ mê nhất là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân địa phương. Những năm qua, số lượng khách nước ngoài sang cù lao Ông Hổ khám phá vẻ đẹp vùng sông nước tăng lên đáng kể.

Hiện nay, các hộ tham gia mô hình DLNN tại An Giang đều hưởng lợi vài chục triệu đồng mỗi năm trở lên từ dự án. Thêm vào đó, dự án còn giúp nhiều nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mai một khởi sắc trở lại. Ông Chau Khuôl, một hộ chuyên làm cốm dẹp ở phum Tabang Khleng (xã Ô Lâm, H.Tri Tôn), phấn khởi cho biết: “Từ ngày có mô hình DLNN đến giờ, ngày nào nhà tôi cũng quết cốm dẹp. Đoàn khách nào đi ngang cũng ghé lại xem quết cốm, rồi mỗi người mua vài trăm bánh về làm quà cho gia đình”.

Thêm 5 tỉ đồng mở rộng mô hình du lịch homestay

Theo Hội Nông dân tỉnh An Giang,  từ hiệu quả của mô hình du lịch homestay tại 2 địa điểm Văn Giáo (làng đệt thổ cẩm, rừng tràm Trà Sư) và Mỹ Hòa Hưng (du lịch sinh thái gắn với vùng sông nước), Tổ chức Hỗ trợ Nông dân Hà Lan (Agriterra) tiếp tục tài trợ kinh phí giai đoạn 2 khoảng 5 tỉ đồng để mở rộng mô hình này tại các địa phương: Vàm Nao, Ô Lâm, Ba Chúc, Đa Phước, Óc Eo, Núi Sập... Hầu hết các nơi này đều có những làng nghề truyền thống như: quết bánh phồng, đường thốt nốt; lễ hội đua bò; văn nghệ dù kê gắn với đời sống của cư dân Nam bộ. Đặc biệt, ở xã Đa Phước có đông đồng bào dân tộc Chăm, Hội Nông dân tỉnh An Giang chuẩn bị ra mắt mô hình đò chèo để phục vụ du khách trong mùa nước nổi. Thời gian qua, mô hình homestay ở An Giang hoạt động khá hiệu quả, thu hút khoảng 2.000 lượt khách/tháng, giải quyết việc làm cho đông đảo nông dân trong tỉnh.

Quyết Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.