Bảo tàng Vương Hồng Sển - 10 năm chưa thành: Những hệ lụy từ cổ vật

09/07/2013 03:15 GMT+7

Khi đồng ý tiếp nhận kho cổ vật của cụ Vương, có lẽ UBND TP.HCM cũng không lường được hết những hệ lụy rối rắm rất khó giải quyết đến tận bây giờ.

Vì sao cụ Vương hiến tặng cổ vật ?

Cụ Vương Hồng Sển sinh năm 1902 tại Sóc Trăng, từng giữ chức Quyền quản thủ Bảo tàng Quốc gia Việt Nam (VNCH) năm 1948-1964 nên rất am hiểu về cổ vật.

 Đồ cổ của cụ Vương Hồng Sển - d
Đồ cổ của cụ Vương Hồng Sển - Ảnh: H.Đ.N

Từ lúc về hưu (1964) cho đến cuối đời cụ chuyên tâm sưu tầm đồ cổ và viết sách. Cụ Vương có 3 đời vợ nhưng chỉ có một con trai duy nhất là Vương Hồng Bảo với người vợ sau cùng là bà Nguyễn Kim Chung (tức nghệ sĩ Bà Năm Sa Đéc). Vương Hồng Bảo từng kết hôn với một phụ nữ Ấn Độ nhưng năm 1978 bà này đã đưa con gái rời khỏi Việt Nam. Năm 1979, Bảo lấy bà Võ Thị Bê (thường gọi là Liên, bà này cũng đã có một đời chồng là bác sĩ người Pháp, có 1 con thì chồng mất). Vương Hồng Bảo sống chung với bà Liên, sinh 3 người con: Vương Hồng Liên Hương (nữ), Vương Bảo Thành (nam) và Vương Hồng Bảo Minh (nữ), được cụ Vương nhìn nhận là cháu nội và có hộ khẩu chính thức trong hộ của cụ (nhưng bà Liên, mẹ của 3 cháu nội cụ Vương lại không có hộ khẩu trong gia đình này).

Mười năm sau (1989), Vương Hồng Bảo lại chung sống với Phạm Thị Hồng. Hai người bị kiện ra tòa và tòa tuyên tổng số tiền mà ông Bảo phải trả nợ trên 5 tỉ đồng, hơn 1.000 lượng vàng và 46.700 USD (thời điểm 1998, cùng năm này Vương Hồng Bảo chết trong tù).

Giai đoạn trước khi con trai mất, cụ Vương cũng đã “gần đất xa trời”, rất giận đứa con này vì nếu có bán hết gia sản cũng chưa chắc đã trả hết nợ cho con. Nghĩ tới nghĩ lui, cụ Vương quyết định viết di chúc truất quyền thừa kế của Vương Hồng Bảo đồng thời hiến tài sản cho nhà nước.

Di dời và phân tán

Sau khi đồng ý tiếp nhận những hạng mục (nhà, sách vở, đồ cổ) do cụ Vương Hồng Sển hiến tặng và dù trong di chúc cụ đã “căn dặn” như thế nhưng UBND TP.HCM vẫn phải di dời các hiện vật trong ngôi nhà cổ với một lý do khá tế nhị là không thể bảo quản hiện vật tại chỗ cũ bởi nơi đây có quá nhiều người đang cư ngụ (15 người là con cháu và cả gia đình em rể một chủ nợ của Vương Hồng Bảo. Trong số đó chỉ có 3 người cháu nội của cụ Vương là có hộ khẩu chính thức). Thế là 849 món đồ cổ, những bàn ghế, tủ giường, câu đối hoành phi được đưa về Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

 Bình gốm cổ tráng men - 2
Bình gốm cổ tráng men - Ảnh: H.Đ.N

Riêng số sách (đựng trong khoảng 10 tủ). Trong đó ngoài hơn 20 đầu sách do cụ viết (hoặc biên soạn) từ năm 1960 đến 1995 gồm: Thú chơi sách, Sài Gòn năm xưa, Hồi ký 50 năm mê hát, Phong lưu cũ mới, Thú chơi cổ ngoạn, Chuyện cười cổ nhân, Hơn nửa đời hư, Khảo về đồ sứ từ hậu Lê đến sơ Nguyễn, Tự vị tiếng Việt miền Nam, Khảo về hát bội... và một số bản thảo, còn lại là hơn 900 đầu sách quý, trong đó có những bộ rất quý như Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí, An Nam tạp chí... rồi những sách quốc văn, Pháp văn, Hán văn mà sinh thời cụ mua được, rất nâng niu, đánh số thứ tự từng cuốn và ghi chú dày đặc ngoài lề từng trang... Vậy mà số sách này bây giờ lại bị phân tán ở 3 nơi: một phần đưa về Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, một phần đưa về Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và phần còn lại vẫn nằm trên các kệ sách phủ bụi trong căn nhà cổ của cụ...

Những hệ lụy

 Miệng bình cẩn vàng ròng 3
Miệng bình cẩn vàng ròng

Sau khi di dời hiện vật, các bước tiếp theo sẽ là trùng tu ngôi nhà trống và sẽ trả hiện vật về chỗ cũ, tiến hành thành lập Bảo tàng Vương Hồng Sển. Tuy nhiên vì trong nhà hiện vẫn còn 3 người cháu nội của cụ Vương đang sinh sống nên UBND TP phải tìm nơi ở khác cho họ mới có thể tiến hành các bước kể trên. Sở Xây dựng và UBND Q. Bình Thạnh đã giới thiệu căn hộ tại chung cư Minh Phụng (Q.6) nhưng họ từ chối vì “xa quá, trở ngại việc học hành hoặc đi làm”. Lại điều đình về ở nhà số 91 Vạn Kiếp (Bình Thạnh) có giá đến gần 8 tỉ đồng, nhưng bà Liên Hương đề nghị được nhận 3 căn nhà có giá trị tương đương như thế vì: “Chúng tôi đã lớn, cần phải có cuộc sống riêng tư, như vậy mới tạm tương xứng với một phần căn nhà di sản của ông bà nội chúng tôi để lại. Còn về cổ vật, chúng tôi đề nghị được nhận 10 tỉ đồng để làm vốn sinh sống và thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho cha chúng tôi là Vương Hồng Bảo”.

Đại diện gia đình và họ tộc cụ Vương - chị Vương Thị Việt Hoa (giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết: “Theo tôi biết thì bác Vương chỉ hiến nhà, sách vở và cổ vật chứ không hiến đất”. Tuy nhiên trong di chúc thì cụ Vương căn dặn: “Không được di dời hoặc lấy đi cho mượn trưng bày nơi khác, nếu không chúng chỉ là cái xác mục không hồn (... ) phải giữ gìn kỹ lưỡng và giữ y chỗ cũ, cho thấy mọi thứ tôi đã nhiều công chọn lựa và mua chác có gốc gác đàng hoàng...”.

Hà Đình Nguyên

>> Phát hiện nhiều hiện vật, cổ vật quý ở Hà Tĩnh
>> Giới thiệu hơn 4.000 cổ vật trên tàu cổ đắm
>> Cổ vật vàng ròng thành kim loại màu vàng
>> Hoàn tất trục vớt cổ vật trong tàu cổ đắm
>> Lấy cổ vật, để nguyên xác tàu
>> Trưng bày hơn 1.000 cổ vật quý
>> Khai quật cổ vật dưới biển như trên cạn
>> Trục vớt kho cổ vật dưới biển
>> Cận cảnh khai quật gần 40.000 cổ vật trong con tàu đắm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.