Bốn thủ khoa tiết lộ cách làm bài thi khối C

08/07/2013 13:20 GMT+7

(TNO) Bốn thủ khoa khối C năm 2012, học cùng lớp chuyên văn tại Vĩnh Phúc, sẽ tiết lộ bí quyết về cách học, làm bài, thư giãn... trước khi bước vào đợt 2 tuyển sinh ĐH-CĐ 2013.

(TNO) Bốn thủ khoa khối C năm 2012, học cùng lớp chuyên văn tại Vĩnh Phúc, sẽ tiết lộ bí quyết về cách học, làm bài, thư giãn... trước khi bước vào đợt 2 tuyển sinh ĐH-CĐ 2013.

>> Các thủ khoa bật mí bí quyết làm bài trước “giờ G”
>> Thủ khoa tốt nghiệp ước mơ trở thành cô giáo
>> Ngôi trường có đến 4 thủ khoa
>> Gặp cô gái thủ khoa 59/60 điểm
>> Cô bé trường dân lập đỗ thủ khoa
>> Tuyên dương thủ khoa và học sinh xuất sắc
>> Bộ GD-ĐT "mừng vì điểm thi các môn khối C tăng
>> Thủ khoa ĐH Mở TP.HCM là thí sinh khối C

Đó là bốn cô gái Trần Thị Huyền, Nguyễn Thị Châu Loan (cùng đạt 25,5 điểm, thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội); Phạm Thị Huyền Quyên và Nguyễn Hiền Anh (thủ khoa Trường ĐH Luật Hà Nội, cùng 26 điểm). Cả bốn bạn cùng học tại lớp chuyên văn, Trường chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Không phải chỉ có chơi

Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Châu Loan với các thí sinh (TS) năm nay.

Theo Loan, bình thường các TS có thể học nhiều bao nhiêu cũng được. Nhưng tuần cuối cùng trước khi thi, TS nên chơi là chính, chơi là chính chứ không phải toàn bộ là chơi. Thỉnh thoảng, các bạn nên xem lại sách, tự nhẩm lại kiến thức trong đầu hoặc khi nhớ đến một vấn đề nào đó mà cảm thấy kiến thức mình chưa chắc thì có thể mở sách ra xem lại.

Loan còn cho rằng nhiều bạn đến hôm trước ngày thi vẫn còn học ngày, học đêm như thế thì không vào đầu được chút gì mà còn tạo cho mình cảm giác lo lắng hơn.

Loan có một lời khuyên nho nhỏ đối với các TS năm nay là trong những ngày gần thi thì phải chú ý đến sức khỏe, ăn uống đầy đủ, và đặc biệt là ngủ đủ giấc để giữ sự sáng suốt khi vào phòng thi.

“Vào phòng thi, TS nên cởi mở nói chuyện với các bạn xung quanh, tạo tâm lý thoải mái nhất cho bản thân rồi mới đặt bút làm bài”, kinh nghiệm của cá nhân Loan.

Đừng hoảng khi các bạn cùng phòng viết dài

Bật mí này là của Trần Thị Huyền, đang học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội.

Huyền cho biết những ngày này năm ngoái, khác với những bạn học sinh vẫn còn cố đến các lớp học thêm, lò luyện thi để “nhồi nhét” kiến thức, Huyền lại ở nhà và tự hệ thống lại toàn bộ chương trình học. Thời gian thích hợp nhất để Huyền học là buổi sáng.

Đặc thù của các môn thi khối C là các TS trả lời rất dài, có TS viết 4, 5 tờ giấy thi một môn.

“Khi làm bài, nhiều TS bị phân tán tâm lý bởi các TS khác cùng phòng làm sang tờ thứ 2 trước mình hay viết được dài hơn mình. Như thế hoàn toàn không nên. Hãy chỉ tập trung vào những gì mình đang viết, đang tư duy trong bài thi”, Huyền mách các TS.

thủ khoa
Từ trái qua phải, Trần Thị Huyền, Nguyễn Thảo Ngọc (thủ khoa Học viện Ngoại giao 2012), Nguyễn Thị Hiền Anh, Phạm Thị Huyền Quyên, Nguyễn Thị Châu Loan - Ảnh: Các nhân vật cung cấp

Sau mỗi môn thi, theo Huyền không so đáp án ngay vì sẽ bị ảnh hưởng tâm lý đến các môn thi tiếp theo nếu làm bài không tốt.

“Các TS nên để thi trọn vẹn 3 môn rồi mới so đáp án chấm điểm”, Huyền nói.

Ôn tập kiểu “chất vấn” nhau

Những ngày gần thi, Phạm Thị Huyền Quyên cùng người bạn thân của mình học nhóm, người này hỏi, người kia trả lời. Cách học này theo Quyên rất hiệu quả, lại tạo cảm giác thoải mái, giúp chúng ta nhắc lại kiến thức một cách nhẹ nhàng mà không căng thẳng, áp lực.

Quyên cũng giống như các bạn trong lớp, thư giãn nhiều hơn, không học ngày học đêm như thời gian trong năm học.

Quyên chia sẻ khi làm bài thi văn, các TS nên chọn ra một câu mình thích nhất để làm đầu tiên. Đề thi rất rõ ràng 3 câu, vì thế cần phân chia thời gian phù hợp với dung lượng và điểm số của câu ấy.

“Khi nhận đề thi, nếu gặp câu lạ, TS không nên lo lắng mà hãy bình tĩnh giải quyết vấn đề, nếu suy nghĩ quá lâu không ra nên bỏ qua câu ấy và làm câu khác”, Quyên chia sẻ.

Viết sử như một bài văn

Kinh nghiệm này góp phần giúp Hiền Anh giành được 26 điểm, trở thành thủ khoa ĐH Luật Hà Nội.

Hiền Anh cho hay khối C cần cả hai kỹ năng là học thuộc và tư duy, làm tốt hai điều đó TS sẽ thành công. Các TS nên sử dụng sơ đồ tư duy để nắm chắc các kiến thức.

Trình bày lịch sử không nên gạch đầu dòng, viết từng ý vụn vặt mà nên viết thành từng đoạn logic với nhau, có đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết thúc vấn đề, đó là cách dễ dàng ăn điểm của người chấm.

Duyên Đình - Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.