Món ngon khó xơi của truyền hình thực tế

30/06/2013 03:39 GMT+7

“Việt Nam đang và sẽ tiếp tục là thị trường vô cùng sôi động, hấp dẫn cho những đơn vị sản xuất chương trình truyền hình thực tế” - bà Fotini Paraskakis (Giám đốc điều hành Công ty Endemol Asia) nhận định.

 

Thời gian sắp tới các chương trình truyền hình thực tế về thời trang, tình yêu... rất dễ tạo ra những cơn sốt mới

Fotini Paraskakis

Endemol Asia là công ty sản xuất các format chương trình truyền hình thực tế. Khoảng 3.000 format chương trình đã được công ty bán cho các đài truyền hình khắp thế giới. Trong vòng 3 năm qua, Endermol đã thu được lợi nhuận khủng khi bán được tới 50 chương trình tại châu Á, trong đó có 35 chương trình tại Việt Nam.

Việc các nhãn hiệu sản phẩm chi vài trăm triệu cho một shot quảng cáo có độ dài chỉ… vài giây trong chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam đã không còn là chuyện hiếm. Nguyên nhân đơn giản: Lượng khán giả xem truyền hình thực tế cao gấp nhiều lần so với phim truyền hình hay các chương trình giải trí khác.

Sau gameshow là làn sóng truyền hình thực tế, nhưng hai thể loại chương trình đang bị xóa nhòa ranh giới. Các chương trình được tạo dựng vô cùng sống động và đa dạng. Đây là xu hướng của thế giới mà Việt Nam đã khá nhanh nhạy bắt kịp với các chương trình được “nhập khẩu”. Bà Fortini Paraskakis nhận định, những năm gần đây các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, thời trang mang tính cạnh tranh, thi đấu là những chương trình ăn khách nhất tại Việt Nam... Bà dự đoán, thời gian sắp tới các chương trình truyền hình thực tế về thời trang, tình yêu… rất dễ tạo ra những cơn sốt mới.

 Không thể phủ nhận sức hút của các chương trình truyền hình thực tế khi chiếm hầu hết giờ vàng trên các kênh truyền hình lớn. Nhưng thực tế cho thấy sau vài mùa gây bão, nhiều chương trình nhạt dần, kém hấp dẫn khán giả. Vì sao?

Món ngon khó xơi của truyền hình thực tế
Giọng hát Việt mùa thứ hai vẫn thu hút lượng khán giả nhất định nhưng chưa thể so sánh với thời điểm “sốt” của mùa thứ nhất - Ảnh: G.H.V

Cần biết khán giả muốn gì

Bài học đã được đúc kết: Để thành công trong nhiều mùa, các chương trình thực tế mua bản quyền cần phải được “địa phương hóa” - một chuyên gia về truyền hình thực tế nhận định. Chẳng hạn một số gameshow về kiến thức như Đường lên đỉnh Olympia, Chiếc nón kỳ diệu, hay Ai là triệu phú được “Việt hóa” hoàn hảo. Vì vậy đã qua rất nhiều mùa, nhưng các chương trình này vẫn hút được một lượng khán giả nhất định. Thế nhưng không ít chương trình truyền hình thực tế nhập khẩu chưa được Việt hóa tốt, khiến cho sau một - hai mùa đầu sức hút đã giảm hẳn. Những người sản xuất chương trình cần đáp ứng thị hiếu của khán giả địa phương, biết họ cần và muốn gì, bên cạnh đó phải hiểu biết về văn hóa địa phương để tránh gây phản ứng tiêu cực. Nhưng công việc “địa phương hóa” các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do… nhà sản xuất nước ngoài thực hiện.

 “Khi mua chương trình không phải là các bạn chỉ mua cái tên, format, mà phải biết cách học công nghệ làm chương trình đó” - bà Fortini Paraskakis nhìn nhận - “Đã đến lúc các bạn nghĩ tới việc đào tạo người sản xuất chương trình truyền hình thực tế bài bản, có chuyên môn”.   

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.