Cử tri bức xúc về tham nhũng, khó mua nhà xã hội...

25/06/2013 15:30 GMT+7

(TNO) Sáng 25.6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 1 tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri TP.HCM sau kỳ họp thứ 5 QH khóa 13 tại Q.4. Tại đây, Chủ tịch nước đã lắng nghe nhiều tâm tư và bức xúc của người dân về: tham nhũng, hỗ trợ dân mua nhà thu nhập thấp...

Quá khó mua nhà xã hội

Tại buổi tiếp xúc này, nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm cùng những băn khoăn về chương trình nhà ở xã hội và gói tín dụng 30.000 tỉ đồng dành cho lĩnh vực bất động sản.

Hoan nghênh Chính phủ đã thực hiện các chính sách để người thu nhập có điều kiện mua nhà, có chỗ ở ổn định, tuy nhiên cử tri Vũ Tiến Dũng cho rằng mức vay thời hạn 10 - 20 năm với lãi suất 6% vẫn còn cao và cán bộ, công chức không với tới được, ít có điều kiện tiếp nhận nguồn vốn này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri TP.HCM
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri TP.HCM 

Theo phân tích của cử tri này, mức thu nhập phổ biến của cán bộ, công chức hiện nay khoảng từ 3 - 5 triệu; mức thu nhập từ 5 - 8 triệu không nhiều; mức thu nhập từ 8 - trên 10 triệu có nhưng càng ít hơn.

Nếu vay 1 tỉ đồng để mua nhà trả góp với thời hạn 20 năm, thì mỗi tháng bình quân phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 9 triệu đồng.

“Như vậy, đối tượng có thể tiếp cận được nguồn vốn vay trong điều kiện bình thường không nhiều”, cử tri Dũng nói và đề nghị cầm xem xét hạ mức lãi suất, đồng thời cần phải xây dựng những căn hộ diện tích vừa và nhỏ (từ 45 - 60 m2) thì người thu nhập mới mua được nhà.

Cử tri TP.HCM nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc
Cử tri TP.HCM nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc

“Cứu dân như cứu hỏa. Cứu nền kinh tế như cứu bữa cơm hằng ngày”, cử tri Hoàng Thị Hoa nói, và tiếp: “Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã được triển khai mà chỉ vì thiếu hướng dẫn nên số người vay được chỉ trên đầu ngón tay trong cả nước”.

Bức xúc tham nhũng

Cũng như những lần tiếp xúc trước, vấn đề tham nhũng, lãng phí cũng được nhiều cử tri bức xúc nêu lên.

Đề cập đến chuyện đầu tư hạ tầng giao thông, cử tri Phạm Trường Thịnh nói: “Chúng ta nghèo mà chi sang”.

Cho rằng “làm đường ở Việt Nam chi phí đắt đỏ quá”, cử tri Thịnh lại đặt vấn đề: “Việt Nam làm đường cao tốc không biết tốt hơn bao nhiêu lần so với Mỹ nhưng giá lại cao gấp 3 lần”, rồi bày tỏ thêm: “Mỗi công trình đều tốn kém hàng ngàn tỉ đồng. Giờ nghe nói đầu tư mở rộng đường thì vừa mừng vừa bức xúc”.

Nói về giải pháp ngăn chặn lãng phí, cử tri Thịnh đề nghị: “Đáng ra những cái chi nhiều nhất thì phải tiết kiệm nhất”.

Những bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, an toàn vệ sinh thực phẩm… cũng được cử tri đặc biệt quan tâm.

Cử tri Nguyễn Vinh Ngọc chất vấn: “Tình trạng được mùa mùa giá khiến nông dân chao đảo cứ kéo dài. Bao giờ thì mới có thể chấm dứt?”.

“Đồ chơi trẻ em, thực phẩm độc hại, ôi thối giờ tràn lan. Liệu có sự câu kết giữa tư thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát?”, cử tri Ngọc đặt câu hỏi.

Hai đối tượng được mua nhà

Thay mặt Tổ ĐBQH đơn vị số 1, đại biểu Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM giải trình và ghi nhận các ý kiến của bà con cử tri.

Là một người trực tiếp tham gia cùng Chính phủ trong việc ban hành Nghị quyết 02, đại biểu Lịch thừa nhận việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ còn chậm.

ĐBQH Trần Du Lịch
ĐBQH Trần Du Lịch 

Ông cho rằng, người lương có vài triệu thì không thể nào mua được nhà, đồng thời cho biết: Hiện có hai đối tượng nhà. Đó là nhà xã hội liên quan đến luật Nhà ở (Nhà nước xây, phân phối bán theo giá ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên chức trong hệ thống nhà nước, nhà cho người nghèo).

Loại thứ hai là nhà thương mại giá thấp và hiện người có thu nhập thấp có thể mua được, nên đây là loại nhà mà Nhà nước khuyến khích phát triển.

Về vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đại biểu Trần Du Lịch cho biết tại diễn đàn Quốc hội, ông đã chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải về những mặt còn tồn tại và đã đề nghị Bộ trưởng có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh.

“Hiện có 3 vấn nạn trong đầu tư hạ tầng, đó là chất lượng kém, giá thành cao, thời gian thi công kéo dài”, ông nói.

Riêng về nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm, đại biểu Lịch nói ngắn gọn: “Đau xót đến mức độ khoai tây Trung Quốc giả khoai tây Đà Lạt”.

Ngoài ra, đại biểu Trần Du Lịch cho biết sẽ chuyển tải tất cả những bức xúc, kiến nghị của bà con cử tri đến Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan. 

Muốn làm nhưng lại vướng luật

Có ý kiến cử tri cho rằng, thành phố có chủ trương cho phép xây nhà tạm trên đất nông nghiệp, trên các dự án treo… nhưng người dân mỏi mòn chờ đợi và không biết chờ đợi đến bao giờ mới đi vào thực tiễn.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online bên lề buổi tiếp xúc cử tri, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nói: “Để tháo gỡ vướng mắt về nhà đất vốn tồn lại lâu nay trên địa bàn, thành phố có đề ra một số chủ trương, kiến nghị Trung ương cho phép triển khai thực hiện. Song ý kiến của Trung ương cho rằng luật chưa cho phép. Hiện nay thành phố vẫn đang tiếp tục họp bàn và kiến nghị”.

Đình Phú
Ảnh: Diệp Đức Minh

>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Kiên trì chống nạn tham nhũng, lãng phí
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Hợp tác nhưng không phương hại đến chủ quyền
>> Hàng chục tấn khoai tây Trung Quốc vẫn đổ về Đà Lạt
>> Khoai tây Trung Quốc tiếp tục "đội lốt" khoai tây Đà Lạt
>> Tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc độc hại
>> Xử phạt đầu mối nhập khoai tây Trung Quốc về Đà Lạt
>> Tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc có chất độc hại
>> Kiểm tra khoai tây Trung Quốc nhập về Đà Lạt
>> Chiêu "hô biến" khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt
>> Tăng cường kiểm soát nho, khoai tây Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.