Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 4: Truyền thần thất truyền

20/06/2013 00:20 GMT+7

Rong ruổi tìm những người còn lại của nghề vẽ truyền thần, chúng tôi chỉ gặp những họa sĩ già tiếc nuối…

Nghiệp truân chuyên

Họa sĩ Phan Há (65 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) không giấu được sự áy náy với người tìm đến. Không phải vì trong căn nhà chật chội, bề bộn, nằm sâu trong con hẻm nhỏ mà chủ nhà phải loay hoay mãi mới có chỗ ngồi cho khách, mà là vì chúng tôi đem đến ông câu chuyện chừng như đã lâu rồi ít còn ai nhắc tới: chuyện về những bức họa truyền thần đã gắn liền với tên tuổi của ông một thời.

Họa sĩ Phan Há giờ vẽ chữ, vẽ cô dâu chú rễ để kiếm những đồng tiền còm cõi - d
Họa sĩ Phan Há giờ vẽ chữ, vẽ cô dâu chú rễ để kiếm những đồng tiền còm cõi - Ảnh: T.T 

Phan Há nói ông bước vào nghề vẽ từ những năm trước tiếp thu (1975). Sau đó là một quãng thời gian dài, vẽ truyền thần thịnh hành như là lựa chọn để lưu giữ những khoảnh khắc, chân dung, thần hồn của nhiều thế hệ người Việt. Nhiều họa sĩ, có người còn được gọi là “thợ vẽ”, “thầy họa”… từ nông thôn đến thị thành ít nhiều đã kiếm sống bằng nghề vẽ truyền thần. Nhưng với Phan Há, cái nghiệp truân chuyên đã bắt đầu từ khi ông biết cầm cọ. Mỗi bước ngoặt của đời nghề dường như bắt đầu và kết thúc bằng những chắp vá, buông xuôi, dù với nhiều đồng nghiệp, ông được đánh giá là “có tài”.

Khởi nghiệp bằng công việc vẽ các pa nô quảng cáo phim sắp chiếu cho các rạp xi nê, rồi vẽ màn cảnh cho gánh hát; lúc đói lại vẽ tranh thủy mặc, đồng quê để mang đi bán dạo... nghề vẽ của Phan Há gắn bó với truyền thần từ khi ông đến “kiếm cơn” bằng vẽ “ăn chia” tại nhà vẽ Bút Ngân, nhà vẽ Huỳnh Lạc ở đất Cần Thơ, rồi Xưởng mỹ thuật Cần Thơ… cho đến khi thất nghiệp về nhà làm lịch bỏ mối. Năm 1993, quyết tâm trở lại nghề, Phan Há mở một tiệm vẽ ở trung tâm TP.Cần Thơ để phát huy sở trường vẽ truyền thần. Những cảm xúc đam mê tuôn chảy đã truyền cái hồn lên những bức họa từ người phụ nữ của đời ông, những người mẫu, các nhân vật nổi tiếng cho đến phần lớn những người chưa từng biết mặt, biết tên. Những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố; những nhân hậu hay chua ngoa… qua nét cọ của Phan Há đã truyền tải được cái “chất”, cái thần thái của người được vẽ. Phan Há nói, trong nghệ thuật vẽ truyền thần, ánh mắt là điểm quyết định. Thành bại cũng đều ở đây. Bởi ánh mắt quyết định cái “thần” của con người. Đó là cả một nghệ thuật mà trong giới vẽ truyền thần gọi là “điểm nhãn”. Về điều này thì Phan Há được coi là một trong những người thành công. Thậm chí, Phan Há nhớ lại, không ít lần người ta từ chối lấy tranh vì… “nhìn sao tôi ác quá vậy”, mà thật sự nét mặt họ là như thế. Hoặc không ít lần chứng kiến người ta rưng rưng khi nhìn bức chân dung của mình hay người thân…, họ xem đó là hạnh phúc lớn nhất của nghề. Khi mưu sinh bằng nghề mà sự sáng tạo ẩn thân trong mỗi cảm nhận về nhân vật và truyền thụ cho thật giống bằng chất liệu khác. Chính sự vẽ như “khuôn phép” mà không ít người nghi ngờ tính nghệ thuật của vẽ truyền thần.

Cây cọ và con chuột

Thành công thì đắt khách. Những nét cọ tinh xảo ấy đã vẽ nên quãng thời gian ít truân chuyên trong đời nghề người họa sĩ này, nó kéo dài được 11 năm. Dù trải qua nhiều phen bôn ba sinh kế, nhưng cái “chất nghệ sĩ” của người vẽ truyền thần nổi tiếng này cũng không mất đi theo những toan tính áo cơm. Có những chân dung ông cảm thấy… thích vẽ thì vẽ ngay, vẽ ngày vẽ đêm; vẽ hai hay ba tiếng là xong. Nhưng cũng có những chân dung ông lại “ngâm”… cả tháng, thậm chí nhiều tháng. “Mình không phải là cái máy vẽ”, không chỉ riêng Phan Há nghĩ thế, mà nhiều họa sĩ vẽ truyền thần cũng không ít lần nghĩ thế.

Đó là khi vẽ truyền thần không phải cạnh tranh với các loại hình khác. Cho đến khi chiếc “máy vẽ” ra đời. Họa sĩ Minh Triết, người được biết đến như là người vẽ truyền thần đắt nhất Cần Thơ, cũng phải trải qua quãng thời gian vừa đi vẽ, vừa đi hát ban đêm để kiếm tiền. Đến giai đoạn chiếc máy tính ra đời cùng với sự phát triển của các phần mềm đồ họa, một sự đấu tranh giữa “trường phái cây cọ” và “trường phái con chuột” diễn ra. Các đồng nghiệp nói họa sĩ Minh Triết ban đầu cũng “chê” máy vi tính, thế nhưng khi khách đến nhờ vẽ truyền thần vắng dần, ông cũng bắt đầu làm quen với “công nghệ mới”… dần dần chuyển hẳn qua scan đồ họa thay vì cầm quệt từng nét cọ trên mực sót. Một người “mát tay” như họa sĩ Minh Triết cũng rời cây cọ thì nhiều họa sĩ “làng nhàng” khác cũng không cách nào khác. Nhất là khi khách nhờ vẽ ít dần, đến vắng đi hẳn thì nhiều họa sĩ vẽ truyền thần dù không muốn cũng phải chuyển qua vẽ quảng cáo. Người còn làm nghề chân dung thì cũng bắt đầu học vi tính để chuyển sang kiếm tiền bằng phục hồi ảnh cũ.

Họa sĩ Minh Triết nói thỉnh thoảng cũng có người tìm đến ông nài nỉ vẽ cho bức chân dung. Ban đầu ông cũng vui vì gần chục năm rồi, vẫn còn có người nhớ tới, nhưng rồi cũng lắc đầu từ chối. Là vì ông nghĩ “cây cọ và con chuột không thể sống chung”.

Còn về phần họa sĩ Phan Há, trải qua nhiều lần không may mắn phải thay đổi địa điểm, ông cũng đành lắc đầu dọn cọ, giá về ngôi nhà nhỏ trong con hẻm sâu. Hôm chúng tôi ghé nhà, ông nói mình cũng chưa rời cây cọ. Nhưng phần lớn công việc của ông là vẽ viền chữ, vẽ cô dâu chú rể… để kiếm những đồng thù lao còm cỏi. Ông là người cuối cùng ở Cần Thơ đã bỏ luôn nghề vẽ truyền thần.

Tiến Trình

>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 11): Bậc thầy truyền thần
>> Truyền thuyết và các truyện thần kỳ về các Pharaông
>> Họa sĩ nylon
>> Nghề cười nhớ họa sĩ Chóe
>> Người họa sĩ không ngừng sáng tạo
>> Ly kỳ giá tranh họa sĩ Việt từ 1,5 triệu đấu giá thành 8 tỉ đồng
>> Họa sĩ Nguyễn Quân: Tự học là bản chất của mọi sự học, sáng tác hay nghiên cứu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.