Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 2: Tiếng Chapei ngắc ngoải

18/06/2013 00:15 GMT+7

Người nghệ nhân nổi tiếng với lời ca, tiếng đờn Cham rieng Chapei không mỏi mệt. Giờ lại quay quắt một nỗi buồn vắng bóng truyền nhân.

Người du ca núi đồi

“Này những cụ già, những thanh niên, con gái ơi... Tôi có lời ca với tiếng đờn Chapei đây để đưa về những câu chuyện thế gian...”, văng vẳng điệu ca ngẫu hứng Cham rieng và tiếng đờn Chapei réo rắt, chìm nổi theo từng cơn gió hè oi ả. Bài hát vang ra ruộng rẫy, vọng qua núi đồi, chào đứa trẻ ra đời, theo người đàn ông say xuống mộ... Lời ca khan họa tiếng Chapei đã đi vào tiềm thức của nhiều người dân vùng Bảy Núi.

“Huyền thoại” Chau Nưng bên cây đàn Chapei cũ sờn - d
“Huyền thoại” Chau Nưng bên cây đàn Chapei cũ sờn - Ảnh: Tiến Trình 

 

Khi Chau Nưng hát, tốp khán giả này nghe mệt nghỉ thì tới tốp khán giả khác đến; nếu bận vào rừng, ra rẫy cũng chẳng lỡ vì khi họ trở lại phum, sóc thì Chau Nưng cũng ngồi đó, những bài hát cứ trôi đi

Người ta gọi Chau Nưng (76 tuổi, ngụ ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm, H.Tri Tôn, An Giang) là “người du ca núi đồi”. Gần nửa thế kỷ, bước chân trần đã băng rừng, vượt núi với cây đàn Chapei trên lưng đến với từng xóm làng, phum sóc từ Cô Tô, An Tức đến núi Cấm, núi Sam... Chau Nưng để lại nhiều giai thoại, những lời truyền miệng về một “nghệ sĩ thứ thiệt”. Nguồn cảm hứng bất tận của ông với điệu hát Cham rieng và ngón đàn không mỏi đã đưa ông ở một đẳng cấp đỉnh cao của môn nghệ thuật Khmer độc đáo này. Người dân xã Ô Lâm truyền với nhau rằng, có cây Chapei trên tay, Chau Nưng có thể hát hết ngày này qua ngày nọ mà không cần nghỉ ngơi. Thậm chí, khi Chau Nưng hát, tốp khán giả này nghe mệt nghỉ thì tới tốp khán giả khác đến; nếu bận vào rừng, ra rẫy cũng chẳng lỡ vì khi họ trở lại phum, sóc thì Chau Nưng cũng ngồi đó, những bài hát cứ trôi đi. Tiếng hát lúc trầm ấm đọng mãi trong tâm khảm người nghe; lúc giòn tan theo cái nắng, cái mưa; lúc ray rứt buồn vui thế sự... Những bài Cham rieng phần lớn là do ông ngẫu hứng trong lúc hát. Và có lẽ cũng chỉ có cây đàn Chapei mới đủ “kiên nhẫn” họa theo những bài hát như không bao giờ dứt ấy.

Cũng cần nói, Cham riêng Chapei là nghệ thuật có từ lâu đời của người Khmer Nam bộ. Cham riêng là hát theo lối “ca kể”, được người hát ứng tác dựa theo một chủ đề, một cốt truyện. Cham riêng là loại hình độc xướng được họa bởi tiếng đàn Chapei (một loại đàn cổ có cần dài với 12 phím âm). Do vậy, người biểu diễn Cham riêng Chapei ngoài biết hát và ứng tác được thì còn phải biết đàn Chapei. Vì là ngẫu hứng nên đàn lúc nào cũng phải theo hát. Bổng, trầm, khoan, nhặt... tuyệt nhiên không thể một người hát, một người đàn. Tuy Cham rieng đi chung với đàn Chapei, nhưng đàn không hòa điệu cho hát mà chỉ cất lên xướng họa sau mỗi đoạn hát. Sự phóng khoáng của Cham riêng đi với âm trầm ấm, sâu lắng của Chapei đưa người thưởng thức như bước vào một quyển sách mà mỗi trang là những âm bậc khác. Do hát Cham rieng chủ yếu dựa vào ứng tác, ít bài bản được soạn sẵn nên tuy mang tính đại chúng nhưng loại hát này tính lưu truyền không cao. Lại thêm những đòi hỏi của ngón đàn Chapei phải đạt đến mức điêu luyện mới chơi được Cham rieng Chapei nên loại hình này rất kén người học. Người vừa sáng tạo, vừa điêu luyện và... đủ sức để biểu diễn Cham rieng Chapei thì cả vùng châu thổ Cửu Long hiện đếm chưa đầy ngón tay, phần lớn họ ở tuổi “gần đất xa trời” và chẳng có truyền nhân.

Huyền thoại lẻ loi

Một thời nổi tiếng khắp vùng Thất Sơn rộng lớn, Chau Nưng có mặt ở khắp nơi từ chùa chiền, phum sóc... hễ có chuyện vui buồn, người ta thường đến tận nhà “mượn” ông đi biểu diễn. Chau Nưng gầy còm với chiếc đàn Chapei trên lưng, chân trần vượt bao quãng đường xa để mang Cham rieng Chapei đến cho mọi người. Nghe Chau Nưng tới, già trẻ bé lớn đều phải tranh thủ việc của mình để có thời gian ngồi quây quần nghe ngón đàn, lời hát đắm lòng.

Chau Nưng nói rằng, lúc sức khỏe còn tốt, ông thường xuyên ngồi đàn hát thâu đêm suốt sáng. Người nghe cũng ngồi hàng, ngồi lớp để Cham rieng Chapei dẫn vào thế giới những câu chuyện huyền hoặc, những bài học thế sự, cả những tuyên truyền lối sống... Nuôi dưỡng tâm hồn để hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Quen biểu diễn trong không khí đó, nên nhiều lần được mời đi biểu diễn ở tỉnh, hay ra tận Hà Nội để đờn hát Cham rieng Chapei, trên sân khấu lớn, ông lại cũng... chẳng màng tới thời gian, không gian. Phải đợi khi được nhắc... quá giờ thì ông mới giật mình mang đờn bước ra khỏi sân khấu.

Một thời gian dài, lãnh đạo xã Ô Lâm tổ chức cho thu âm các bài hát “đặt hàng” Chau Nưng để hướng dẫn người dân mùa màng, đưa con tới lớp, sống tốt với mọi người... Thế nhưng, sự ngưỡng mộ của người dân đối với Cham rieng Chapei, với Chau Nưng đã không cho người nghệ nhân già một điều mà ông đã quá khát khao. Chau Nưng nói, ông chỉ lo sợ một điều là “hết là hết Cham riêng Chapei”. Hiện cả vùng Thất Sơn rộng lớn chỉ duy nhất mình ông còn biết đờn hát môn nghệ thuật này. Dạo trước, ông có nhận được 3 đệ tử tới nhà học Cham rieng Chapei. Thế nhưng, 2 trong số đó đã chết sớm vì rượu. Còn lại người cuối cùng là anh Chau Hôn thì không biết chữ, học mãi nhưng không lãnh hội được nên đâm nản.

Di sản Quốc Gia

Hôm chúng tôi tới nhà, Chau Nưng vui mừng cho biết Cham rieng Chapei đã được công nhận là di sản quốc gia. Chính quyền địa phương cũng hứa là sẽ tổ chức cho ông dạy một lớp Cham rieng Chapei cho đám nhỏ. Vui được đoạn, ông lại man mác: “Mà chắc tụi nhỏ bây giờ hổng thương nghề này đâu”.

Tiến Trình

>> Những truyền nhân cuối cùng - Chằn tinh bên bờ... tuyệt chủng
>> “Truyền nhân” tranh thủy mặc
>> Truyền nhân võ Tây Sơn lên phim
>> Truyền nhân ca trù
>> Truyền nhân Hùng Kê quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.