Lỗ hổng pháp lý về tiền điện tử

31/05/2013 19:45 GMT+7

(TNO) Liên quan đến vụ "rửa tiền quy mô toàn cầu" của Liberty Reserve, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết cơ quan này đã yêu cầu các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, ACB và Đông Á báo cáo cụ thể bằng văn bản.

(TNO) Liên quan đến vụ "rửa tiền quy mô toàn cầu" của Liberty Reserve, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết cơ quan này đã yêu cầu các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, ACB và Đông Á báo cáo cụ thể bằng văn bản.

>> Mỹ điều tra đường dây rửa tiền lớn nhất thế giới
>> Phá mạng lưới rửa tiền toàn cầu

Thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết dù bốn ngân hàng (NH) liên quan là Vietcombank, Vietinbank, ACB và Đông Á công khai trên báo chí là không có bất cứ hoạt động gì dính dáng tới Liberty Reserve, tuy nhiên do tính chất nghiêm trọng của sự việc, NHNN vẫn yêu cầu tất cả phải báo cáo một cách cụ thể bằng văn bản. Đặc biệt, phải rà soát lại toàn bộ trên hệ thống các khách hàng để xác định xem có bất cứ sự liên quan nào tới hoạt động của mạng lưới rửa tiền toàn cầu này không.

“Đầu tuần tới chúng tôi sẽ có thông báo công khai tới dư luận về sự việc này”, lãnh đạo trên khẳng định.

Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay việc Liberty Reserve đóng cửa đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng mạng của Việt Nam. Thậm chí nhiều cá nhân tham gia có cả vài nghìn USD trong tài khoản, nhưng đều bị kẹt lại mà không thể rút ra.


Công tố viên trưởng Preet Bharara (Mỹ) giải thích về hệ thống Liberty Reserve và cách hệ thống này rửa tiền trên toàn cầu. Vụ án Liberty Reserve được các công tố viên liên bang tại Mỹ gọi là vụ án rửa tiền lớn nhất thế giới - Ảnh: Reuters

Trên diễn đàn http://vozforums.com, một thành viên có nickname Gold_turtle01 than vãn: “Em chết mất mấy trăm LR đã buốt hết ruột, bọn mualr.com còn ôm bom 60 nghìn LR. Vụ này còn cơ số anh chết theo LR nữa”.

Còn thành viên Littlestone cho biết: “Từ đầu là mình đã xác định không chơi với đám LR này rồi, tiền do tụi nó nắm đằng chuôi, khi xảy ra biến cố thì biết đền ai”.

Cá nhân thiệt hại không nhỏ, nhưng thiệt hại lớn nhất phải kể đến những dịch vụ trung gian chuyển tiền. Bởi với cộng đồng mạng, tiền LR đã trở thành một loại tiền điện tử quá thông dụng, nó được mua bán, trao đổi ra các loại tiền khác thông qua một loạt các trang web như: Exchangezone.com, Exchangezone.vn, mualr.com…

Thông thường, các trang web trao đổi LR thường có tới vài chục nghìn USD trong tài khoản, và khi LR đóng của đột ngột, những dịch vụ này cũng mất trắng.

“Exchanger là nhóm người trung gian giúp những khách hàng muốn chuyển đổi qua lại các loại tiền điện tử sang LR và ngược lại. Ví dụ A muốn chuyển PP (tiền điện tử của Paypal) sang LR và B muốn từ LR sang PP, thì các exchanger này dùng các trang web như exchangezone.com, mualr.com thực hiện. A sẽ gửi PP cho exchangezone.com, rồi exchangezone.com gửi PP sang cho B”, một thành viên tên Huệ trên diễn đàn http://vozforums.com cho biết.

Hiểu một cách nôm na, theo Huệ, đây là những tay “cò” tiền chuyên hoạt động trên mạng, buôn bán kinh doanh tiền tệ điện tử, mua rẻ bán đắt. Ví dụ mua LR với giá 19.500 đồng “ăn” 1, bán ra giá 20.000 đồng, hoặc giúp khách hàng trao đổi giữa các loại tiền điện tử và qua đó thu một phần phí nhỏ.

Mặc dù, sự việc vẫn còn đang được phía Bộ Công an cũng như NHNN điều tra, tuy nhiên bước đầu có thể thấy, những thiệt hại mà mạng lưới thanh toán này gây ra cho cộng đồng mạng tại Việt Nam không hề nhỏ. Trả lời câu hỏi: Thiệt hại này liệu có ai, cơ quan nào đứng ra bảo vệ lợi ích hay không, một lãnh đạo NHNN cho biết: “Tất cả các kênh thanh toán hiện nay trên mạng có liên quan đến loại tiền điện tử LR, qua rà soát, đều không có đăng ký và hoạt động bất hợp pháp. Vì vậy, những người tham gia hoạt động này hiện khó có thể lấy lại tiền, vì hiện tại chưa có đủ căn cứ, cũng như địa chỉ cụ thể để quy trách nhiệm, hay đền bù thiệt hại”.

Tuy nhiên, lãnh đạo này cũng thừa nhận, hiện nay với xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nhu cầu giao dịch của người dân là một nhu cầu chính đáng. Qua sự việc này, cũng đã cho thấy luật pháp về thương mại điện tử cũng có kẽ hở lớn, khi chưa đặt ra được hành lang pháp lý cho hoạt động này, cũng như cơ chế để bảo vệ người tham gia.

“Hiện nay chúng tôi đang tích cực thu thập thông tin, nghiên cứu để sớm trình đề án lên Thống đốc NHNN, để sau đó trình Chính phủ”, lãnh đạo này cho biết. 

Thái Sơn - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.