Không làm thí sinh căng thẳng

31/05/2013 04:05 GMT+7

Năm nay Bộ GD-ĐT giao thêm quyền chủ động trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các sở, nhằm nhấn mạnh đến sự trung thực của thí sinh, tinh thần trách nhiệm của mỗi địa phương và giảm áp lực thi cử.

Không lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để đánh giá, xếp loại

 

Để tránh áp lực về thành tích dẫn tới tỷ lệ tốt nghiệp THPT không phản ánh đúng thực chất, Bộ không lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để đánh giá, xếp loại thi đua của giáo viên, nhà trường và địa phương

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Ngoài việc không chấm đổi chéo, không còn lực lượng thanh tra ủy quyền cắm chốt tại các địa phương…, năm nay Bộ còn giao quyền chấm kiểm tra bài thi tự luận cho các sở.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết: “Năm nay thanh tra chấm thi của Bộ sẽ giao việc này cho các sở. Thanh tra của Bộ chỉ làm nhiệm vụ giám sát việc chấm theo quy định, phát hiện và kiến nghị xử lý sai sót về quy trình chấm thi và các trường hợp tiêu cực khác”. Nhiều sở cho biết sẽ phải tăng thêm số lượng cán bộ chấm thi để làm nhiều vụ chấm kiểm tra ngay trong quá trình chấm. Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lý giải: “Không thể kéo dài tình trạng làm thay phần việc của các địa phương. Khi kỳ thi đã dần vào ổn định, tạo được nền nếp và ý thức nghiêm túc nhất định cho các địa phương thì nên giao về cho các địa phương chủ động tổ chức theo điều kiện của từng nơi, tránh làm thí sinh cảm thấy căng thẳng không cần thiết”. Báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận gửi Ủy ban Thường vụ QH, cũng khẳng định: “Để tránh áp lực về thành tích dẫn tới tỷ lệ tốt nghiệp THPT không phản ánh đúng thực chất, Bộ không lấy kết quả thi tốt nghiệp để đánh giá, xếp loại thi đua của giáo viên, nhà trường và địa phương”.

Thi cụm hay lẻ tùy từng địa phương

Dù Bộ không bắt buộc phải tổ chức thi theo cụm trường nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều địa phương vẫn quyết định duy trì cách thức này.

Hà Nội tiếp tục tổ chức các hội đồng coi thi hình thức cụm trường. Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố có 81 cụm trường. Sở GD-ĐT Hà Nội đã khảo sát địa bàn nhằm bảo đảm cho thí sinh không phải đi đến địa điểm thi quá xa và giảm tải trong việc lo chỗ ăn, nghỉ. Do vậy, dù tổ chức theo cụm nhưng vẫn có 17 cụm thi riêng lẻ là những trường thuộc địa bàn ngoại thành.

Không làm thí sinh căng thẳng
Học sinh lớp 12 Trường dân lập Thanh Bình (TP.HCM) tự ôn tập tại trường trong ngày 30.5, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp bắt đầu vào ngày 2.6 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Ngô Văn Hợi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cũng cho biết vẫn tổ chức thi theo cụm nhưng những nơi khó khăn về điều kiện đi lại sẽ không thi ghép để tránh việc thí sinh phải đi lại quá xa. Ở Quảng Ninh, huyện đảo Cô Tô là nơi ban chỉ đạo thi phải đầu tư nhiều công sức nhất. Dù chỉ có 100 thí sinh của Trường THPT Cô Tô và Trung tâm giáo dục thường xuyên Cô Tô nhưng Sở vẫn phải thành lập một hội đồng thi ngoài đảo với đầy đủ ban bệ. Huyện Cô Tô phải bố trí riêng một chuyến tàu khứ hồi để vận chuyển đề thi và đưa đón cán bộ, giám thị ra đảo coi thi từ ngày 31.5. Dù số lượng giám thị làm nhiệm vụ ở Cô Tô không nhiều nhưng để đảm bảo các yêu cầu trong quy chế, Sở phải điều động giáo viên từ 5 trường THPT khác nhau trong đất liền ra coi thi.

Các địa phương khác như Bắc Giang, Nghệ An… cũng đều chọn phương thức kết hợp giữa thi theo cụm và thi riêng lẻ tùy theo điều kiện địa hình, địa lý của mỗi địa phương. Ông Ngô Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho hay: “Sở đã tổ chức 42 hội đồng thi, trong đó có 19 hội đồng thi ghép. Phối hợp 2 đơn vị gần nhau, giúp các trường bớt nỗi lo, nhất là kinh phí và kế hoạch bảo đảm an toàn cho thí sinh ở những địa điểm thi xa”.

Các địa phương đều thực hiện đúng quy định mới của Bộ, không tổ chức hội đồng thi riêng đối với trung tâm giáo dục thường xuyên mà ghép với giáo dục THPT trong cùng một hội đồng thi (có phòng thi riêng). Đây được coi là biện pháp bảo đảm chất lượng đối với hệ này trong năm nay.

Cần bình tĩnh và giữ gìn sức khỏe

Trong mục Dân hỏi - bộ trưởng trả lời, Đài truyền hình VN phát sóng cuối tuần qua, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhắn nhủ: “Với học sinh, điều trước tiên là các cháu bình tĩnh tự tin, nên giữ gìn sức khỏe, học một cách khoa học, điều độ. Khi vào làm bài cần bình tĩnh đọc kỹ đề, làm câu dễ trước, câu khó sau, làm đến đâu chắc đến đó và làm bài một cách trung thực, đối diện với chính mình và tự vượt qua bản thân mình. Với các thầy cô giáo, mong các thầy cô với tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tuân thủ đầy đủ quy chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh làm bài trong môi trường nghiêm túc, bình tĩnh, từng bước đấu tranh chống tiêu cực, đem lại lòng tin cho học sinh, phụ huynh và toàn xã hội”.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.