Thực hiện triệt để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

30/05/2013 03:00 GMT+7

Báo cáo tổng hợp ý kiến các ĐBQH thảo luận ở tổ ngày 22.5 ghi nhận nhiều điểm sáng của nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2013 như các chỉ số vẫn ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm ngoái có tiến bộ hơn, số DN sản xuất trở lại tăng; lãi suất (LS) huy động và cho vay giảm; một số chính sách hỗ trợ thị trường, DN bắt đầu phát huy tác dụng… nhưng bên cạnh đó, nhiều ĐBQH tỏ ra sốt ruột trước tình hình chậm trễ trong ban hành và triển khai Đề án tái cơ cấu kinh tế.

Thực hiện triệt để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Nhiều ĐBQH cho rằng việc khống chế trần lãi suất huy động nhưng không khống chế trần lãi suất cho vay là không hợp lý - Ảnh: D.Đ.Minh

Cần công bố kết quả xử lý các tập đoàn

Đơn cử, về lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đa số ý kiến cho rằng, việc tái cơ cấu DNNN cơ bản chỉ là việc các DN sáp nhập lại với nhau, chưa có đổi mới về mọi mặt. Việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành lập quá nhiều công ty con, đầu tư tràn lan, việc thoái vốn diễn ra chậm làm DN gặp nhiều khó khăn; sản xuất, kinh doanh thua lỗ và nợ xấu tăng. “Đề nghị Chính phủ công bố kết quả xử lý các tập đoàn lớn, phân tích rõ nguyên nhân chậm triển khai, có vấn đề “lợi ích nhóm” hay không, đồng thời chỉ đạo triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới. Để việc tái cơ cấu DNNN đem lại hiệu quả thực sự cần đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu của DN trong thời gian qua, công khai rõ ràng năng lực và thực trạng của DN”, báo cáo nêu ý kiến của các ĐBQH.

 

Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay trên 6% là quá lớn, chỉ có lợi cho ngân hàng nước ngoài. Có ý kiến cho rằng việc khống chế lãi suất trần huy động mà không khống chế lãi suất trần cho vay là không hợp lý

Báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội

Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần tập trung thực hiện triệt để tái cơ cấu DNNN, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, công khai, minh bạch thực trạng tài chính, năng lực các DN. Một số ý kiến khác đề nghị Chính phủ cần có báo cáo về đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty.

Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, có ý kiến cho rằng những tháng đầu năm 2013, LS tiếp tục giảm, dư nợ tín dụng ấm dần lên. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng còn thấp, điều hành chính sách tiền tệ chưa bám sát hoạt động của DN, nguồn vốn cho hoạt động của DN và người dân chưa được bao nhiêu; ngân hàng  không cho DN vay, chủ yếu mua vàng và trái phiếu chính phủ. “Chênh lệch LS huy động và cho vay trên 6% là quá lớn, chỉ có lợi cho ngân hàng nước ngoài. Có ý kiến cho rằng việc khống chế LS trần huy động mà không khống chế LS trần cho vay là không hợp lý”, bản tổng hợp ghi nhận.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến băn khoăn về con số tỷ lệ nợ xấu trong các báo cáo.

Nới lỏng dần chính sách tài khóa

Góp ý các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2013, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, có giải pháp quyết liệt để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2013… Đặc biệt, cần xác định những lĩnh vực ưu tiên để kích cầu thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất để DN tồn tại, phát triển, xác định rõ đối tượng, địa chỉ cần hỗ trợ, bảo đảm hiệu quả và tránh tác động ngược chiều.

Theo đó, về phát triển DN, Chính phủ cần phân tích vì sao DN vẫn khó khăn và không tiếp cận được nguồn vốn, dòng tiền đang chảy về đâu, giải pháp tháo gỡ khó khăn này là gì? “Cần phân loại DN để có chính sách phù hợp với từng loại hình, tránh tình trạng chính sách cào bằng, bình quân như hiện nay. Đồng thời, cần xử lý các khoản nợ của DN, cơ cấu lại thời hạn của các khoản nợ, rà soát lại năng lực của các DN để tiếp tục hỗ trợ cho vay cho phù hợp”, các ĐBQH đề nghị.

Về chính sách tài chính, tiền tệ, thương mại, dịch vụ, giá cả, lạm phát, một số ý kiến đề nghị cần có biện pháp quyết liệt để tăng tưởng tín dụng 12%, đi liền với đó là “nới lỏng dần chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, tháo gỡ khó khăn cho DN, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thêm việc làm mới. Tiếp tục cân đối hợp lý giữa LS huy động và LS cho vay, bảo đảm để người nghèo và DN tiếp cận được vốn với LS thấp”.

Trong lĩnh vực điều hành giá cả, chỉ tiêu lạm phát, có ý kiến đề nghị NHNN tăng cường công tác quản lý để ổn định thị trường vàng, thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới.

Bảo Cầm

>> Tái cơ cấu chưa thực sự diễn ra
>> Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế
>> Cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế
>> Sẽ thông qua 13 dự án luật và Đề án tái cơ cấu nền kinh tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.