Nợ công VN tương đương 55,5% GDP

30/05/2013 18:13 GMT+7

(TNO) Nợ công Chính phủ vay và các doanh nghiệp nhà nước vay đều thực hiện theo đúng luật nợ công và luật tín dụng, luật ngân hàng. Có thể khẳng định nợ công của nước ta không đáng lo ngại.

(TNO) Nợ công Chính phủ vay và các doanh nghiệp nhà nước vay đều thực hiện theo đúng luật nợ công và luật tín dụng, luật ngân hàng. Có thể khẳng định nợ công của nước ta không đáng lo ngại.

Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh trong phiên thảo luận của Quốc hội (QH) chiều nay (30.5) trước những ý kiến nợ công Việt Nam còn cao.

Theo ông Ninh, gần đây có một số ý kiến nói nợ công Việt Nam còn cao. Cũng có ý kiến nói cần tính lại nợ công của các doanh nghiệp nhà nước vay các tổ chức tín dụng thế giới.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng báo cáo, tính đến ngày 31.12.2012, nợ công của Việt Nam tương đương 55,5% GDP. Trong đó, Chính phủ nợ 43,1% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 11,5% GDP và nợ chính quyền địa phương là 0,9% GDP.

 
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh giải trình về nợ công và thu ngân sách - Ảnh: Ngọc Thắng

“Nợ công Chính phủ vay và các doanh nghiệp nhà nước vay đều thực hiện theo đúng luật nợ công và luật tín dụng, luật ngân hàng. Có thể khẳng định nợ công của nước ta không đáng lo ngại”, ông Ninh nói.

Về thu ngân sách nhà nước, ông Ninh cho hay 5 tháng đầu năm 2013, thu ngân sách đạt 36,6% so với chỉ tiêu cả năm đề ra, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010, 2011, 2012.

 
Nợ công Chính phủ vay và các doanh nghiệp nhà nước vay đều thực hiện theo đúng luật nợ công và luật tín dụng, luật ngân hàng. Có thể khẳng định nợ công của nước ta không đáng lo ngại
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh
“Nếu tính bình quân thu một tháng, theo QH giao thì một tháng chúng ta thu đạt 68.000 tỉ đồng nhưng qua 5 tháng bình quân một tháng chỉ đạt hơn 52.000 tỉ đồng. Như vậy chênh lệch thu hằng tháng hơn 15.000 tỉ đồng. Điều đó cho thấy việc thu ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn”, ông Ninh nói.

Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, việc thu ngân sách gặp khó khăn là do kinh tế khó khăn, tồn kho bất động sản cao, Chính phủ áp dụng một số biện pháp tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng giải trình các ý kiến của các đại biểu buổi sáng nay về việc đầu tư cho nông dân, nông thôn và chính sách cho người nghèo.

"Dù kinh tế đang khó khăn nhưng trong mấy năm gần đây Chính phủ đều dành một khoản ngân sách đáng kể để hỗ trợ người nông dân, ngư dân và hộ cận nghèo", Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định.

Cụ thể, ông Ninh cho biết, trong những năm gần đây, tỷ trọng nguồn vốn đầu tư dành cho khu vực nông thôn luôn tăng cao, lãi suất cho vay đối với khu vực nông thôn luôn thấp hơn 2-3% so với các khu vực khác. Ngoài ra, còn cho vay tạm trữ lãi suất thấp cho lúa gạo, cá tra, cá ba sa…

Trong cả ngày thảo luận của QH hôm nay, đã có 45 đại biểu quốc hội (ĐBQH) tham gia phát biểu ý kiến trực tiếp tại hội trường và 5 thành viên của Chính phủ tham gia giải trình.

 
ĐBQH thảo luận về báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ - Ảnh: Ngọc Thắng

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận, về cơ bản các ĐBQH đều đồng ý với báo cáo của Chính phủ, Ủy ban MTTQVN, các ủy ban của QH. Đa số ý kiến của ĐBQH cho rằng trong khi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức về kinh tế trong và ngoài nước thì những chỉ tiêu đạt được là đáng trân trọng.

"Tuy nhiên, nhiều ĐBQH còn lo lắng về các mặt tồn tại như: số lượng doanh nghiệp phá sản còn nhiều, thu ngân sách thấp trong khi chi tiêu ngân sách còn lãng phí; bộ phận nông dân, khu vực nông thôn, đồng bào vùng sâu, vùng xa còn khó khăn", bà Ngân nói.

Vì vậy, Phó chủ tịch QH mong muốn Chính phủ quan tâm và tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề đã tồn tại lâu mà cử tri bức xúc, ĐBQH đã nhiều lần nêu ra thảo luận, chất vấn.

Đồng thời, bà Ngân nhắc lại lo lắng của các ĐB cho rằng Chính phủ cần đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế-xã hội, dự báo đúng để có những chính sách sát đáng, năng động giúp đất nước vượt qua khó khăn. Cũng như đề nghị các bộ, ngành tiếp thu ý kiến của QH để điều chỉnh hợp lý.

Về đề việc phát hành trái phiếu Chính phủ và kế hoạch phân phối vốn ngân sách trung hạn, theo Phó chủ tịch QH, QH sẽ tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến và quyết định.

Trung Hiếu - Nguyên Mi

>> Sẽ báo cáo Quốc hội tình hình biển Đông
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo tình hình biển Đông
>> Không thay đổi tên nước
>> Chính phủ chưa phê duyệt dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A
>> Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận
>> Cần kích cầu toàn bộ nền kinh tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.