Ăn nhộng ve sầu, 3 người ngộ độc

30/05/2013 04:00 GMT+7

Ngày 29.5, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết vừa tiến hành cấp cứu chống độc, cứu chữa 3 trường hợp ngộ độc do ăn nhộng ve sầu.

Ăn 1 con cũng nhập viện

Trước đó, ngày 22.5, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (60 tuổi), và ông Trương Lý (67 tuổi) đều ngụ TP.Biên Hòa, đã bắt nhộng ve sầu ăn vài con, còn chị Trương Thị Dy Linh (38 tuổi, con gái ông Lý) cũng ăn 1 con nhộng ve. Ăn xong, ông Lý và ông Tuấn được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng co giật, hôn mê sâu, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não... Còn chị Linh do ăn ít nên bị co giật, ói mửa… Sau khi thực hiện các bước xét nghiệm, kết hợp với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Trưng Vương và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các bác sĩ chẩn đoán ông Lý và ông Tuấn bị nặng là do ăn nhộng ve nhiễm nấm độc (ấu trùng ve đã nhiễm nấm).


Ông Lý đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai  - Ảnh: K.C
 

Bác sĩ Hoàng Đại Thắng, Trưởng khoa Hồi sức, chống độc, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết hiện nay sức khỏe của chị Linh đã hồi phục và xuất viện. Còn ông Lý và ông Tuấn đang phải tiếp tục điều trị. Đến sáng 29.5, hai ông đã tự thở được.

Không ăn nhộng ve sầu có hình dạng, màu sắc khác lạ

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế), cho biết trong thực tế và trong dân gian có nhiều loại ấu trùng (nhộng) của các loài côn trùng (bọ cạp, đuông dừa, dế, ve…) được dùng để làm thức ăn. Tuy nhiên khi các loài côn trùng này sống trong môi trường đất, chúng có nguy cơ nhiễm và bị nấm ký sinh gây ngộ độc cấp tính nặng cho người dùng. Khi ăn phải các loại nhộng côn trùng bị nhiễm nấm, ký sinh gây độc dù đã qua chế biến và nấu chín vẫn có khả năng gây độc do độc tố nấm không bị phá hủy bởi nhiệt độ và không mất đi khi sơ chế, vệ sinh, tẩy rửa.

Cũng theo ông Lâm Quốc Hùng, để phòng chống ngộ độc thực phẩm do ấu trùng, phải rất thận trọng khi sử dụng nhộng của các loài côn trùng làm thức ăn; tuyệt đối không ăn các ấu trùng lạ (không biết là loại gì), ấu trùng đã bị chết, ấu trùng có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên. Riêng với nhộng ve sầu, loài này bình thường có màu trắng muốt. Tuyệt đối không ăn nhộng ve đã chết, không ăn ấu trùng ở vùng đất ô nhiễm, vùng đất bẩn, vùng đất có sử dụng hóa chất bón cây trồng; không ăn nhộng ve có hình dáng bất thường.

Thức ăn được chế biến từ nguyên liệu này sẽ gây ngộ độc trong vòng 2-3 giờ sau ăn, tùy thuộc lượng ăn vào. Những loại nhộng nhiễm nấm, nhiễm ký sinh thường có độc tố rất mạnh, chỉ ăn một con nhộng vẫn bị ngộ độc. Ngộ độc có các biểu hiện nôn ói, chân tay co giật và dẫn đến hôn mê sâu.

Kim Cương - Liên Châu

>> Ăn nhộng ve sầu, 3 người ngộ độc
>> Liên tiếp xảy ra ngộ độc bánh mì
>> 32 người nhập viện do ngộ độc thức ăn
>> 38 bệnh nhân ngộ độc do ăn bánh mì patê, chả lụa
>> Hàng chục người nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
>> Hàng chục người nhập viện do ngộ độc thực phẩm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.