Đi học để thoát nghèo

25/05/2013 10:40 GMT+7

Cuộc vận động xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học ở Đồng Nai đã trở thành phong trào, phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học trong tỉnh…

Nhà nhà, người người đi học

Để xây dựng phong trào, nhiều chi hội khuyến học ở Đồng Nai đã được thành lập, rộng khắp, đóng góp rất nhiều cho phong trào hiếu học trong tỉnh. Cụ thể như ở chi hội khuyến học ấp Đại Thắng (xã Vĩnh Thạnh, huyện Nhơn Trạch) đã phát động phong trào “Nhà nhà đi học, người người đi học”. Để xây dựng quỹ khuyến học, hàng năm chi hội ấp Đại Thắng đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng quỹ và vận động bà con nuôi heo đất tiết kiệm. Bên cạnh đó, các CLB học sinh, sinh viên cũng được thành lập nhằm tổ chức những buổi họp mặt trao đổi kinh nghiệm học tập; tư vấn thi tốt nghiệp và thi đại học. Kịp thời động viên khen thưởng những em có kết quả học tập tốt và hỗ trợ những em có hoàn cảnh khó khăn, tạo nên không khí thi đua học tập trong mọi nhà, mọi người.

Đi học để thoát nghèo 
Giao lưu với những gia đình hiếu học tiêu biểu - Ảnh Lê Lâm

 

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 50.000 gia đình được công nhận gia đình hiếu học, tăng gấp 3 lần so với năm  2008; có 76 dòng họ đăng ký xây dựng dòng họ hiếu học, trong đó 4 dòng họ đã được xét công nhận và xét công nhận 118 cộng đồng khuyến học.

Tại đại hội biểu dương gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học tỉnh Đồng Nai lần thứ III vừa qua, ông Nguyễn Thành Trí -Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mong muốn: “Mong rằng trong một vài năm tới, số lượng gia đình hiếu học sẽ tăng gấp hai, gấp ba và nhiều hơn nữa để đến năm 2018 tỉnh ta có ít nhất 60% số gia đình được công nhận gia đình hiếu học”.

Không nghèo con chữ

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Sung ở xã Bàu Hàm (huyện Thống Nhất) là một trong những đại gia đình có truyền thống hiếu học ở Đồng Nai. Gia đình ông Lê Sung có 11 người con đều được học tập đến nơi đến chốn. Vợ mất sớm, gia đình khó khăn, đông con, thế ông Sung cố gắng vượt qua tất cả để nuôi các con ăn học. Ông Sung tâm niệm: “Chỉ đi học mới thoát khỏi cảnh nghèo”. Bù đắp lại mong mỏi của người cha, con cái của ông Sung đều chăm chỉ, nỗ lực học tập. Kết quả là 11 người đều tốt nghiệp từ cao đẳng, đại học và sau đại học. Người nào cũng có nghề nghiệp ổn định và nhiều người đảm nhận các vị trí quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Một đại gia đình hiếu học khác ở ấp Cây Xăng (xã Phú Túc, huyện Định Quán) là gia đình bà Nguyễn Thị Hoa. Ở xã Phú Túc, nhiều người biết đến gia đình bà khoa không những vì truyền thống hiếu học mà nhiều người còn biết đến bà có tấm lòng nhân ái, cao cả. Gia đình bà Hoa có 8 người con, tất cả đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 5 người mới đầu chỉ học hết bậc trung học rồi vừa làm vừa học lên đại học. Nối tiếp truyền thống gia đình, các cháu nội, ngoại của gia đình bà Hoa cũng chăm chỉ học tập. Đến nay, gia đình bà có thêm 5 người cháu nội, ngoại tốt nghiệp đại học và trong đó một người đã tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế. Không chỉ chăm lo cho con cháu học tập, bà Hoa còn nhận giúp đỡ 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được học lên đại học và thường đi tặng xe đạp cho học sinh vùng sâu, vùng xa.

Về dòng họ hiếu học, nổi bật nhất là dòng họ Nguyễn Đức ở xã Bình An (huyện Long Thành). Toàn dòng họ Nguyễn Đức có 12 người học đại học, 9 người học cao đẳng và nhiều người đang có thành tích học tập tốt ở các trường phổ thông. Trong năm 2012, dòng họ Nguyễn Đức có 2 người đoạt giải nhì môn hóa học cấp tỉnh và hiện tại trong dòng họ có 22/28 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học.

Lê Lâm

>> Trao học bổng cho học sinh nghèo, hiếu học
>> Tiếp sức miền quê nghèo hiếu học
>> Học bổng cho học sinh hiếu học
>> Khát vọng thoát nghèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.