Bẫy lao động bên kia biên giới - Kỳ 2: Lừa đảo và bóc lột

25/05/2013 02:23 GMT+7

Bị dụ dỗ làm công việc nhàn nhã, lương cao, hàng vạn người dân lương thiện đã và đang dính bẫy của bọn buôn người, để rồi bị bóc lột thậm tệ , trở thành lao động bất hợp pháp.

Buôn người dưới vỏ bọc tuyển lao động

 

Chúng tôi thường bị chủ lao động chửi bới, xúc phạm thậm tệ, đôi khi còn bị coi như con vật. Trước thái độ hung hãn, mình đành lờ đi cho yên phận. Không chỉ có vậy, đến kỳ lĩnh lương chủ lao động dùng thủ đoạn kẹp tiền giả và tiền thật. Ra chợ mua sắm mới biết là tiền giả nhưng cũng không biết kêu ai với ai

Hoàng Văn Chúng (ngụ thị trấn Đồng Văn)

Chuyện đàn ông bỏ sang Trung Quốc (TQ) làm thuê đã trở thành phổ biến tại tỉnh Hà Giang. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niênngười lao động muốn tìm việc ở bên kia biên giới đều phải chi một khoản tiền cho môi giới là 500 tệ (tương đương 1,6 triệu đồng). Số tiền này sẽ phải trả trước hoặc bị trừ trực tiếp vào tiền công của lao động.

Đánh vào tâm lý của người nghèo, một số đối tượng đã dụ dỗ lôi kéo người lao động sang bên kia biên giới làm thuê, nhưng thực chất là để bán kiếm tiền. Theo ông Phàn Tờ Mìn - Trưởng thôn Đoàn Kết thuộc xã Bạch Đích (huyện Yên Minh), với đàn ông, các “cò” thường nói làm ở TQ thì cứ 10 ngày được nhận tiền công, làm bao nhiêu trả bấy nhiêu, nên ai cũng muốn sang. Còn với phụ nữ, họ bảo chủ bên đấy thương yêu phụ nữ lắm, không cho làm việc nặng, chỉ mua đồ đẹp, ăn ngon nên phụ nữ mềm lòng.

Đầu tháng 5.2011, cả huyện Mèo Vạc xôn xao tin vợ chồng Triệu Văn Sơn (tạm trú xã Lũng Làn, H.Sơn Vĩ) tuyển dụng nam giới “sang TQ phát rừng trồng cây” với mức lương 150.000 đồng/ngày nên hàng trăm người kéo đến dự tuyển. Cuối cùng, 33 người đàn ông khỏe mạnh nhất được chọn với lời hứa được lo toàn bộ tiền ăn ở, đi lại, chỉ cần mang theo CMND là đủ. Sau khi vượt cột mốc 499 và được đưa đến Quảng Tây, 33 lao động lại được chuyển tiếp vào sâu nội địa. Nghi ngờ bị lừa, các lao động đòi về nhưng Sơn yêu cầu mọi người phải tự bỏ tiền để Sơn lo chi phí quay về. Trong khi chờ Sơn quay về Việt Nam gom tiền từ người nhà nạn nhân để đưa họ về, công an TQ đã tạm giữ 33 người trên. Khi được trao trả về địa phương, những người bị lừa đã làm đơn tố cáo cơ quan chức năng. Đồn Biên phòng 159 đã ra quyết định khởi tố vụ án “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, ra lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng và bàn giao vụ án cho cơ quan công an. Theo lời khai của Sơn, chủ mưu trong vụ án này chính là Hồ Pin, người TQ. Sơn được Pin trả công 500.000 đồng/người, gom sang TQ làm thuê, nhưng thực chất là để bán.

Bẫy lao động bên kia biên giới 2
Trang Seo Séng kể về những ngày làm phu khổ cực ở xứ người - Ảnh: Hậu Hằng

Vòng quay lừa đảo

Khác với những lời hứa “đường mật”, ở xứ người, người lao động phải cật lực, thậm chí bị bóc lột sức lao động. Vừ Mí Phừ, thôn Xóm Mới, thị trấn Phó Bảng (huyện Đồng Văn), cho biết: “Làm phu bên kia thì khổ cực trăm bề. Trước khi đi, họ hứa hẹn mỗi ngày trả công 60 tệ (khoảng 180.000 đồng), công việc nhàn lắm. Nhưng sang bên đó thì hoàn toàn ngược lại. Bọn mình đi phát cỏ trồng cây. Thời gian không tính theo giờ cố định, chỉ làm từ tinh mơ đến tối mịt mới về. Buổi trưa chỉ được nghỉ 30 phút, đủ thời gian đi bộ về nhà ăn trưa. Nếu ai nghỉ sẽ bị trừ lương, ai không nghe bị “ông cai” chửi bới. Ăn uống chỉ đủ để tồn tại, với 2 món: cơm và... muối. Thỉnh thoảng cuối tuần được “cải thiện” với vài lát thịt mỡ, chao với rau. Đói, khổ lắm. Mình đi một tháng sút mất 5 kg... Đi làm thuê chẳng khác tù nhân giam lỏng; phải trốn chui, chốn lủi trong rừng. Đêm đến không có giường ngủ, phải nằm vạ vật dưới đất. Vất vả, cơ cực là vậy nhưng không ai dám hé răng kêu ca vì sợ bị đánh...”. Theo lời Phừ, sau này cả nhóm mới biết để không phải trả lương cho lao động, chính ông chủ đã mật báo cho công an bắt họ.

Sau khi bị chủ “chơi đểu” lừa quỵt lương, không ít lao động bị chủ tiếp tục đưa vào vòng lừa đảo mới. “Có trường hợp, bị công an bắt giam, chủ tỏ ra tốt bụng đến chuộc người về. Nhưng đâu có biết rằng, sau đó lao động phải làm việc quần quật mà không được nhận một đồng lương nào”, Trưởng thôn Phàn Tờ Mìn cho biết.

Bẫy lao động bên kia biên giới
Những nạn nhân được Bộ đội biên phòng Hà Giang giải cứu trong một vụ án đưa người vượt biên trái phép - Ảnh Do BĐBP Hà Giang cung cấp

Những lao động Việt Nam làm việc trong các khu công nghiệp cũng bị chủ dùng mọi thủ đoạn chèn ép. Hoàng Văn Chúng (26 tuổi, ngụ thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn) từng làm công nhân “lậu” ở một khu công nghiệp thuộc TP.Nam Ninh (TQ) cho biết: “Chúng tôi thường bị chủ lao động chửi bới, xúc phạm thậm tệ, đôi khi còn bị coi như con vật. Trước thái độ hung hãn, mình đành lờ đi cho yên phận. Không chỉ vậy, đến kỳ lĩnh lương chủ lao động dùng thủ đoạn kẹp tiền giả và tiền thật. Ra chợ mua sắm mới biết là tiền giả nhưng cũng không biết kêu ai với ai”.

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Giang, thừa nhận tình trạng lao động tự do sang TQ tìm việc làm đang diễn biến với chiều hướng ngày càng phức tạp. “Qua khảo sát tại các huyện vùng cao, Sở ghi nhận tình trạng người Việt Nam bị bóc lột sức lao động, bị chủ sử dụng lao động dùng thủ đoạn quỵt tiền công”.

Thượng tá Hoàng Anh Đức, Đội trưởng Đội Trinh sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Giang, khuyến cáo đi lao động không ký hợp đồng, giấy tờ nên trong trường hợp bị quỵt lương, tai nạn lao động thì việc đền bù rất khó khăn. Có một số lao động nữ bị dụ dỗ, sau đó sang bên kia bị bán trở thành gái mại dâm.

Gần 12.000 lượt người lao động tự do sang Trung Quốc

Theo UBND tỉnh Hà Giang, năm 2012, có gần 12.000 lượt người sang TQ làm việc theo hình thức tự do, trong đó 4 huyện giáp biên chiếm 80%.

Lao động sang TQ làm việc chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp như: chăm sóc vườn cây, trồng rừng, phát rẫy... Phần còn lại là làm trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng...

Thu Hằng - Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.