Những “ông trùm” vùng biên - Kỳ 2: "Đế chế" Phương “Ninh Hột”

14/05/2013 03:25 GMT+7

Nếu như Dũng “mặt sắt” có đủ các thủ đoạn tinh vi buộc dân làm ăn ở vùng biên Móng Cái phải tự nguyện nộp tiền bảo kê thì “trùm” Phương “Ninh Hột” thích dùng bạo lực để thể hiện uy quyền.

 Phương "Ninh Hột"
Phương "Ninh Hột" (người cúi mặt, đứng sát công an phía bìa phải) và các đàn em trước vành móng ngựa - Ảnh: P.H.S

Gầy dựng “đế chế”

Phương “Ninh Hột” tên thật là Nguyễn Tiến Phương (SN 1957), quê Móng Cái. Biệt danh Phương “Ninh Hột” được ghép tên của Phương cùng tên cha mẹ là ông Ninh và bà Hột. Phương bắt đầu lập nghiệp từ cuối thập niên 1980, khi cửa khẩu Móng Cái bắt đầu thông thương, buôn bán tấp nập. Anh em Phương đã thu thập dưới trướng hàng chục đàn em và giành giật được một phần lãnh địa vận chuyển hàng hóa rồi tiến tới bảo kê nhiều mặt hàng xuất khẩu qua biên giới như thủy hải sản, cao su, phế liệu… Chỉ một thời gian ngắn, Phương nhanh chóng phất lên nhưng vẫn ấm ức vì phải lép vế Sĩ “mặt ma”, Dũng “táo lê”, những đàn anh được coi là số má và thế lực thời ấy. Sau đó, phải trải qua nhiều trận chiến đình đám, Phương mới hạ bệ được những đàn anh này để gầy dựng “đế chế”.

 

Giới giang hồ nhận định Phương “Ninh Hột” đã sa bẫy của anh em Dũng “mặt sắt”. Tại phiên tòa xử Phương “Ninh Hột”, nhân chứng Đoàn Quyết Chiến (nhân viên của Vinh “trắng”, em rể của Dũng “mặt sắt”) đã khẳng định chính Vinh “trắng” đã đưa 3 người lên Lục Chắn để châm ngòi tạo ra cuộc đụng độ, chứ hôm đó không có hàng xuất.

Đến giờ, giới giang hồ Móng Cái vẫn còn lưu truyền câu chuyện về vụ “lấy số” của Phương “Ninh Hột”. Một tối đầu năm 1997, khi những đàn anh khét tiếng vùng biên là Sĩ “mặt ma”, Dũng “táo lê” đang tổ chức ăn nhậu tại một nhà hàng karaoke, hai đàn em Phương “Ninh Hột” tới dằn mặt hai đàn anh này nhưng không thành. Bất ngờ Phương xuất hiện, ánh kiếm loáng lên, Dũng “táo lê” đã bị đâm thủng bụng. Phương cũng dính đòn nhưng nhẹ hơn. Sau đó, Phương ra tòa với vai trò bị hại còn Dũng “táo lê”, Sĩ “mặt ma” phải đứng trước vành móng ngựa lĩnh án tù. Kể từ đó, Phương “Ninh Hột” với Công ty Quang Phát giành vị trí số 1 ở Móng Cái.

Thao túng vùng biên

Sau khi soán ngôi “trùm”, Phương bắt đầu đổ tiền và dùng quan hệ mở rộng lãnh địa, bảo kê những lĩnh vực làm ăn hái ra tiền như xuất khẩu hàng hóa cao su, phế liệu, hải sản đông lạnh… Hàng loạt các giang hồ số má như Chấn “điên”, Cường “cao”… cũng được Phương chiêu mộ. Đặc biệt, Phương “Ninh Hột” rất thích cưu mang, tạo công ăn việc làm cho những tay giang hồ có chút “số má” trong nghề đâm chém, nhất là những giang hồ đất Cảng tìm đường ra Móng Cái. Thời ấy, đàn em của Phương có khi đông tới cả trăm và được chia ra từng mảng, bảo kê hàng hóa, bảo vệ bến bãi, làm luật chủ hàng…

Một chủ buôn hàng đông lạnh Móng Cái cho hay những người buôn mặt hàng này muốn xuất được hàng phải đóng luật, nếu không sẽ bị đàn em Phương chặn đường, dỡ tung bao bì, phá hỏng hết hàng hóa. Cuối năm 2005, một chủ hàng buôn lốp ô tô chở xe hàng từ miền Nam ra Móng Cái để xuất đi Trung Quốc. Khi xe vừa vào địa phận Móng Cái, đàn em của Phương “Ninh Hột” đã chặn lại, ép lái xe phải đưa hàng vào cảng của Công ty Quang Phát. Lái xe không chịu nên bị hành hung. Chủ hàng thấy vậy lao ra đánh đàn em của Phương “Ninh Hột” giải cứu cho lái xe. Cuối cùng, chính chủ hàng này lại bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, sự nghiệp làm ăn cũng tiêu tan. Vì thế, giới kinh doanh phải “đóng luật” để nhận được sự bảo kê từ ông “trùm”.

Sau một thời gian nắm trọn toàn bộ các hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Móng Cái, Công ty Quang Phát của Phương mở tới hàng chục bến cảng xuất các loại hàng lốp cao su, phế liệu, thậm chí cả ắc quy chì qua biên giới. Các bến xuất hải sản đông lạnh qua biên giới cũng thuộc về Phương “Ninh Hột”. Ngoài ra, hầu hết các công trình xây dựng đường sá, cầu cống ở vùng biên mậu cũng rơi vào tay Công ty Quang Phát của Phương.

Xa vào tử lộ

Tháng 5.2009, khi Phương thao túng hầu hết vùng biên thì Lê Hữu Vinh (Vinh “trắng”) - Giám đốc Công ty Hong Kong cũng hoạt động trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất hàng đông lạnh gọi điện “mượn đường” Lục Chắn để xuất hàng. Phương từ chối. Thế nhưng, chiều 30.5.2009, Vinh “trắng” vẫn dùng xe ô tô chở 4 nhân viên: Đoàn Quyết Chiến, Lê Văn Điệp, Hà Thanh Tùng và Nguyễn Văn Sỹ vào bến Lục Chắn. Sau đó, Vinh để 3 đàn em gồm Điệp, Sỹ và Chiến ở lại để chờ “xuất hàng” dù chẳng có xe hàng nào đến, còn Vinh và Tùng quay về trung tâm TP.Móng Cái.

Lúc này, Phương nhận được tin có một số người lạ mặt xuất hiện tại lãnh địa của mình, lập tức điều động hơn chục đàn em lên “giải quyết”. Khi nhóm của Phương vào tới ngã ba Lục Chắn thì chạm trán nhóm Điệp, Sỹ. Nhóm đàn em Phương lao tới đấm đá, dùng gạch đá đập vào đầu Điệp. Chấn “điên” lao tới bắn vào đùi khiến Sỹ gục xuống. Điệp hô Chiến châm mìn nhưng do quá khiếp sợ, Chiến đã bỏ chạy. Nhóm đàn em Phương ném hai kẻ bị thương lên thùng xe chạy đến bến Lợn, đưa lên đò chở qua biên giới giao cho nhóm sát thủ người Trung Quốc. Hai người này bị đưa thẳng vào vùng Thập Vạn Đại Sơn (huyện Thượng Tư, TP cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, cách biên giới khoảng 80 km) và bị tra tấn cho tới chết. Nhóm sát thủ Trung Quốc đã ném thi thể của Điệp và Sỹ ở vùng núi Thập Vạn Đại Sơn và sông Ka Long để phi tang.

Sau đó, cơ quan công an Quảng Ninh vào cuộc, Phương, Chung “Ninh Hột” (em ruột Phương) cùng một loạt đàn em bị bắt. Sau nhiều phiên xét xử, đến tháng 7.2012, TAND tối cao đã tuyên phạt Phương “Ninh Hột” mức án tử hình, Chung “Ninh Hột” mức án chung thân.

Phạm Hải Sâm

>> Những “ông trùm” vùng biên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.