Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 15: Những tuyệt phẩm trên gốc tre

11/05/2013 03:45 GMT+7

Qua bàn tay khéo léo và khối óc nghệ thuật đầy sáng tạo của anh, những gốc tre vô tri vô giác bỗng “hóa thân” thành những bức tượng đẹp đến lạ.

>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 14: Người săn rồng
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 13: Mê cả tổ chim
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 12: Những bức tranh lông gà

Thổi hồn vào gốc tre

Cái tên Huỳnh Phương Đỏ đã quá quen với nhiều du khách cũng như người dân nơi góc chợ Hội An (Quảng Nam). Người đàn ông 40 tuổi này đã gần 25 năm gắn bó với những chiếc đục, dùi để tạo nên những bức tượng độc đáo. Nhưng điêu khắc gỗ không tạo nên “thương hiệu” Phương Đỏ mà chính những gốc tre mộc mạc vẫn thường vứt lăn lóc ở góc sân, hè nhà ở vùng quê mới làm nên điều đó. Kỹ năng chạm trổ của anh điêu luyện đến mức ai muốn sở hữu một bức tượng chỉ cần chờ… 5 phút.

“Năm 1999, khi tôi được 9 tuổi nghề cũng là năm Hội An ngập trong nước lũ khủng khiếp. Nhiều ngày liền bó gối ngồi nhìn dòng nước, không được đục đẽo tôi lại thấy ngứa ngáy tay chân. Bỗng một hôm từ đâu trôi về một bụi tre khô, mới nghĩ tre cũng được, cứ vớt về đục chơi. Nghĩ vậy nên tôi buộc dây vào người lao ra dòng nước lũ để vớt. Không ngờ tôi bén duyên với gốc tre từ đó…”, anh Đỏ kể.

Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 15: Những tuyệt phẩm trên gốc tre
Bộ sưu tập hàng trăm tượng từ gốc tre của anh Đỏ - Ảnh: Hoàng Sơn

“Mỗi gốc tre là một hình thù khác nhau nên không thể bê nguyên xi cách điêu khắc từ gỗ sang. Muốn có tác phẩm đẹp, lúc nào mình cũng phải “chạy” theo từng gốc. Chẳng hạn, khi thấy rễ tre cong ngang chỉ có tạc tượng Quan Công oai hùng ra trận, râu tóc bay trong gió mới hợp. Nếu rễ tre cong ra trước thì chỉ có thể tạc tượng Trương Phi, Tổ sư Đạt Ma… Rõ ràng, tạc tượng trên gốc tre là nghệ thuật bất quy tắc mà không trường lớp nào có thể dạy được. Không những thế, để tượng có “hồn” khi đào gốc tre phải biết chọn thế sao cho phù hợp. Có khi chỉ cần làm đứt mấy sợi rễ là hỏng cả một gốc tre đẹp”, anh Đỏ cho biết.

Ban đầu đến với nghệ thuật này, anh Đỏ đã gặp không ít khó khăn vì thiếu đồ nghề bởi trên gốc tre có nhiều vị trí mà không một chiếc đục nào có thể chạm đến được. Dần dà, anh đã sáng tạo ra nhiều chiếc đục độc đáo như: đục cuốc, đục cong… Hoặc để lấy những gốc tre ưng ý, anh cũng tạo ra hàng loạt loại cưa, cuốc khác nhau giúp đào bới thuận tiện hơn. “Khi đã nhuần nhuyễn, người làm tượng gốc tre có thể nhìn là đoán ra được ngay khuôn mặt tượng. Rễ tre có khi làm tóc cho tượng nhưng cũng có khi làm râu cho tượng. Những cái này rất khó để truyền đạt cho ai mà chủ yếu là do cảm tính, do tư duy từng người”, anh Đỏ chia sẻ. 

Hữu xạ tự nhiên hương

 

Gần 15 năm qua, không biết bao nhiêu tác phẩm điêu khắc từ gốc tre ra đời từ bàn tay anh Đỏ. Du khách trong và ngoài nước khi đến Hội An, một lần được chiêm ngưỡng các bức tượng từ gốc tre do anh tạc đều rất thích thú và có ấn tượng mạnh mẽ. Tượng Phật Di Lặc cười híp mắt tươi vui, tượng Đạt Ma tổ sư nghiêm khắc, tượng Quan Công cương nghị khi xung trận… đều được anh Đỏ lột tả một cách sinh động. Nhìn bức tường treo kín bởi hàng trăm đầu tượng nào Phúc - Lộc - Thọ, Phật Thích Ca, Nữ thần tự do… cho đến cụm tượng phức tạp như Tứ đại thiên vương, Bát tiên… dễ hiểu anh Đỏ đam mê thú chơi này như thế nào.

Điêu khắc trên gốc tre khó hơn trên gỗ vì gốc tre cứng hơn và khó nắm bắt tỷ lệ để chia khuôn mặt. Không những vậy, để khắc họa được thần thái từng nhân vật lên gốc tre đòi hỏi ở người nghệ sĩ một chữ tâm. Anh Đỏ cho biết trong tất cả các tượng anh từng làm ra, khó nhất là làm tượng Phật các loại. Bởi ánh mắt, nét miệng của Phật được lấy sao cho thẩm mỹ, cho cái thiện hiển hiện là điều không dễ. “Ở Phật có 36 tướng tốt, khi làm mỗi bức tượng đại diện cho mỗi tướng khác nhau, người điêu khắc phải am hiểu về Phật học. Và người nghệ sĩ khắc tượng phải có tâm, hiền hòa thì mặt tượng mới biểu đạt thành công, nếu không mặt tượng sẽ rất hung…”, anh Đỏ nhận định.

Cuộc sống không mấy dư dả nên Huỳnh Phương Đỏ vừa tạc từng gốc tre để trưng bày tại nhà vừa bán cho người có nhu cầu để mưu sinh. Không phải vì chỉ có tượng gốc tre của riêng mình mà Phương Đỏ bán giá “trên trời” ngược lại, anh bán giá rất bình dân khoảng 150.000 đồng/tượng. Anh Đỏ cho biết, cách đây mấy năm, anh đã làm một cụm tượng với 18 gốc tre. Trên đó anh đã tạc đúng 18 tượng phỏng theo hình ảnh Thập bát La Hán có cầm binh khí hết sức độc đáo. Làm ròng rã suốt nửa tháng trời nhưng anh Đỏ chỉ lấy thù lao đúng với tiền công lao động phổ thông trong nửa tháng đó.

Anh Đỏ tâm sự: “Tôi muốn du khách có dịp đến thăm khi ra về sẽ mách cho người quen, bạn bè họ tiếp tục đến tham quan. Tôi muốn họ nhắc đến mình là một người vừa tạc tượng gốc tre, vừa ca hát giữa phố cổ là tôi vui rồi”. Chính sự vui vẻ, trong sáng của Huỳnh Phương Đỏ mà rất nhiều người từ các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Huế… biết tên anh, họ chủ động liên hệ để đặt hàng. Chính anh cũng là thầy dạy nghề miễn phí của hơn 70 học trò. Hiện anh đang ấp ủ dự định làm một bộ bàn, ghế độc nhất Việt Nam. Trong đó, bàn lớn sẽ được tạc hình Bát tiên, ghế là sự khớp nối những gốc tre thành hình rồng bay.

Để theo đuổi nghệ thuật tạo hình từ gốc tre, theo anh Đỏ cần nhiều yếu tố cả về tâm lẫn trí. “Tâm người cầm đục sáng thì tạo hình gì cũng nên. Trí cao, sáng tạo nhìn gốc tre nào cũng ra tượng. Cùng với đó, người nghệ sĩ cũng cần đức tính kiên nhẫn mới có thể tạo nên những bức tượng đẹp và ý nghĩa được. Nóng vội là hỏng việc ngay, bởi có khi cả trăm nhát đục mới lấy được miếng dăm chỉ y như móng tay…”, anh Đỏ thổ lộ.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.