Muôn trùng lỗi dịch - Kỳ 2: Loằng ngoằng và... cắt xén

10/05/2013 00:35 GMT+7

Ngoài các lỗi dịch sai bởi vốn ngoại ngữ kém, dịch ẩu, thiếu kiến thức tổng hợp và vốn sống, còn rất nhiều các loại lỗi mà dịch giả ở ta hay mắc phải.

Nghèo tiếng Việt, đặc biệt khi thiếu hụt những từ ngữ vốn quen thuộc ở phương Tây nhưng ít bắt gặp trong đời sống Việt Nam dễ khiến người dịch mắc lỗi sử dụng từ thay thế chuyển ngữ không chính xác.

Máy sưởi thành bình đun nước...

Thời gian trước, trên các trang mạng, diễn đàn văn nghệ từng bàn luận rôm rả về những lỗi dịch thuật này. Theo nhà phê bình Hà Thúc Lang trên tienve.org, chính vì nguyên nhân này khiến cuốn Bản đồ và vùng đất (tác giả Michel Houellebecq) bị nhiều hạt sạn. Như câu “Atelier d'artiste’ il fallait s'entendre, c'était un grenier avec une verrière…” (“Xưởng nghệ sĩ” phải hiểu là một nhà kho được lắp kính…) được dịch thành “Xưởng nghệ sĩ", cần phải hiểu, là một cái vựa gắn nhiều kính…” (trang 16), "la communion" (lễ ban thánh thể) bị dịch thành "lễ rửa tội" (trang 40), "le chauffe-eau" (máy nước nóng) bị dịch thành "hệ thống sưởi" (trang 11), "la chaudière" (máy sưởi) bị dịch thành "bình đun nước" (trang 15), "des fruits confits" (mứt trái cây) bị dịch thành "trái cây dầm" (trang 9), "la charcuterie (thịt nguội) bị dịch thành "các thứ đồ thịt" (trang 139)…

Số lượng sách dịch hiện nay là quá tải đối với đội ngũ dịch thuật
Số lượng sách dịch hiện nay là quá tải đối với đội ngũ dịch thuật - Ảnh: Bạch Dương 

Cuốn Mật mã Da Vinci (dịch giả Đỗ Thu Hà) từng bị dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chỉ trích bởi sự cứng nhắc khi chuyển ngữ câu ‘Vous n’êtes pas Américaine?Sophie shook her head.Parisienne’. (Cô là người Mỹ sao? Sophie lắc đầu. “Không, tôi là dân Paris”) thành “Ông ta mỉm cười, “Cô đến từ nước Mĩ phải không?” Sophie lắc đầu. “Từ Paris” (trang 275).

“Quay quanh, rồi lại quay quanh”

Nhiều khi người dịch rơi vào cảnh “hiểu nhưng không diễn tả được cụm từ đó” nên đã lạm dụng từ ngữ tiếng Việt để đánh bóng đoạn dịch khiến bản dịch “rất Tây” tới bí hiểm, hoặc rối mù tối nghĩa, và thế là độc giả tha hồ tự phán đoán, suy diễn hoặc lầm tưởng.

Bộ truyện tranh khoa học Hàn Quốc nổi tiếng khắp 37 nước  Why? gồm 51 tập (NXB Mỹ thuật, Công ty Đại Việt Toàn Cầu và First News đồng ấn hành) từng bị thu hồi 2 tập đầu ngay tại lễ họp báo ngày 12.9.2012 do bị phát hiện nhiều lỗi dịch quá tối nghĩa, đến người lớn cũng không hiểu được, nữa là trẻ em. Không những thế, người hiệu đính dường như lại… không rành tiếng Việt cho lắm, nên những thuật ngữ không chuẩn đã đành, cách viết cũng càng thêm rối. Chẳng hạn, trong tập 2 Vũ trụ, có đoạn viết: “Đó là do trái đất tự quay nên hằng ngày các chòm sao cũng quay quanh, rồi lại quay quanh, nên ta sẽ nhìn thấy các chòm sao khác nhau theo mùa” (?). Hay “Mật độ bình quân (?) của sao Thổ thấp nhất trong số các hành tinh thuộc Thái dương hệ”. Định nghĩa về “lỗ đen” cũng khá “lạ”: “Lỗ đen sau khi trở thành ngôi sao đỏ khổng lồ nặng hơn mặt trời rất nhiều sẽ gây ra vụ nổ tạo ra vũ trụ”. Ngoài ra, nhiều từ được dùng đi ngược với thuật ngữ, như vũ trụ giãn nở, thì thành “trương phình”.

Tháng 3.2011, ông Trần Đại Thắng (Giám đốc Công ty Đông A) trong thông cáo báo chí gửi truyền thông từng chỉ trích bộ sách 1.000 trò chơi tư duy phát triển trí tuệ (đề tên tác giả Nhất Ly do Công ty Đinh Tị xuất bản vừa vi phạm bản quyền của Đông A), vừa mắc hàng loạt sai lầm nghiêm trọng khi chuyển ngữ các khái niệm toán học cơ bản. Chẳng hạn, “hình học phi Euclid” bị dịch thành “hình học u - Phi”,  “chu trình (của nhà toán học) Euler” bị dịch thành “đường về Euler”, “mạng tương đương” dịch thành “mạng ngang giá”…

Dịch ăn bớt, dịch cắt xén tùy tiện

Chính dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng trước đây từng phẫn nộ chỉ trích về cuốn Mật mã Da Vinci đã bỏ hẳn nhiều đoạn trong nguyên tác, khiến người đọc thấy hụt hẫng, khó hiểu. Đơn cử một đoạn dài của chương 80 bản gốc The Da Vinci Code, từ “(Teabing glanced at his servant, ‘I’m going to have you stay on board) until we return...” (trang 434) cho đến ‘Either that,‘Sophie said, ‘or he is too deep into this to admit his error” (435) đã bị lược bỏ hẳn trong bản tiếng Việt. Mặc dù trong đoạn này có một số tình tiết gay cấn ảnh hưởng đến diễn biến tiếp theo của câu chuyện nhưng không hề được nhắc tới.

Dịch giả Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam, cũng xác nhận với báo chí rằng: “Về cuốn Những thứ họ mang, các lỗi dịch sai như trên mạng đã chỉ ra là hoàn toàn đúng”. Với tính chất cầu thị nhằm giúp lọc sạn các lỗi dịch, Công ty Nhã Nam từng xác nhận trên trang web của công ty về các lỗi sai mà các nhà phê bình trên mạng đã vạch ra cho các cuốn như Vô tri, Bản đồ và vùng đất..., đồng thời tuyên bố sẽ hiệu đính hoặc thu hồi lại để “nhặt sạn”. Tuy nhiên, không phải tất cả đơn vị xuất bản nào cũng có được cách ứng xử “dám làm dám chịu” như Nhã Nam. (còn tiếp)

Sai về văn hóa là rất nguy hiểm

Trong dịch thuật văn chương, ranh giới sai - đúng nhiều khi rất mong manh và gây ra không ít những tranh cãi. Trước hết, nói về những lỗi sai trong dịch thuật, dịch giả Trịnh Lữ, trong cuộc hội thảo về dịch thuật hôm 8.5 tại Hà Nội, cho rằng cái sai về ngôn ngữ chỉ là bề nổi, nguy hiểm hơn là cái sai về văn hóa. Bởi người dịch được coi giống như người vận chuyển văn hóa ngoại lai, cũng là người thương lượng giữa hai nền văn hóa. Sự hiểu biết văn hóa chưa sâu, rộng là rào cản không nhỏ với các dịch giả.

Một câu chuyện được nhiều dịch giả đang quan tâm là ranh giới giữa sai - đúng trong dịch thuật văn chương. Đã có ý kiến chỉ trích, dịch thuật đang phá hỏng tiếng Việt, ngữ pháp và ngôn ngữ. Vậy, nếu bản dịch được Việt hóa hoàn toàn, người đọc có thể nhận ra bút pháp, văn phong, ngôn ngữ, giai điệu của tác phẩm nguyên tác? Dịch giả Lê Hồng Sâm gọi dịch thuật là công việc “phục tùng và sáng tạo”. Nhưng phục tùng ra sao, sáng tạo thế nào cũng là điều cần bàn. Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng, dịch văn chương không giống với việc dịch tài liệu khoa học, phải đòi hỏi chính xác từng từ từng chữ, điều bạn đọc muốn là được thưởng thức tác phẩm văn chương.

N.A

Ngọc Bi

>> Thảm họa dịch thuật
>> Dịch thuật và tái xuất bản các tác phẩm văn học để bảo vệ bản quyền
>> Dịch giả bàn chuyện dịch thuật
>> Lỗi chính tả ở sân bay Tân Sơn Nhất: Không có gì oan ức!
>> Lỗi chính tả tiếng Anh ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.