Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 12: Những bức tranh lông gà

07/05/2013 00:25 GMT+7

Tại căn gác chật hẹp thầm lặng giữa phố cổ Hội An (Quảng Nam) có một cựu binh ngày ngày miệt mài dán từng cánh lông gà tạo nên những bức tranh độc đáo.

Lang thang phố chợ tìm... lông gà

Những bức tranh được “vẽ” từ chất liệu lông gà ấy thật độc đáo, vì cho dù cùng chung một bàn tay tạo nên thì chẳng sợi lông gà nào giống sợi nào. Người tạo ra sự khác biệt đó là ông Đinh Ngọc Đạt (53 tuổi, trú tại 13 Trần Quý Cáp, TP.Hội An). Gần 35 năm qua, ông một mình len lỏi khắp các chợ địa phương để tìm... lông gà.

Cựu binh - họa sĩ Đinh Ngọc Đạt với bức tranh lông gà về chùa Cầu tại Hội An
Cựu binh - họa sĩ Đinh Ngọc Đạt với bức tranh lông gà về chùa Cầu tại Hội An
- Ảnh: Hoàng Sơn
 

18 tuổi, Đinh Ngọc Đạt làm bức tranh đầu tiên bằng lông gà về hình ảnh ngôi chùa Cầu độc đáo để tặng bạn đi xa. Sau đó 4 tháng, chàng thanh niên này lên đường nhập ngũ, phục vụ công tác vẽ bản đồ tại Lữ đoàn 173 (Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng cũ). Vốn sẵn máu hội họa trong người, những ngày tháng trong quân ngũ, Đạt tiếp tục theo đuổi đam mê “vẽ” tranh lông gà. Ông kể lại: “Tranh vẽ bằng những nguyên liệu phổ biến như sơn dầu, sơn mài... đã quá quen thuộc với nhiều người. Tôi không muốn lặp và đi lại con đường nhiều người đã đi đó. Và tôi tìm tới lông gà... Thế rồi, bức tranh đầu tay ra đời sau một lần tôi ngồi ngắm mấy con gà trong vườn... Tự nghĩ màu lông gà vào tranh chắc hấp dẫn lắm nên tôi làm thử”.

Xuất ngũ, ông Đạt theo nhiều nghề như lễ tân khách sạn, bán sách thuê... Dù lương “ba cọc ba đồng” nhưng ông vẫn không quên trích ra chút tiền mua lông gà “nuôi” đam mê. Ông Đạt cho biết để bức tranh tươi màu chỉ có thể dùng lông gà “sống”, tức lông gà phải được lấy trước khi bị mổ thịt. “Nhưng khổ nỗi không ai cho mình cắt lông con gà họ đang nuôi cả, gà trụi lông sao sống được. Thế là tôi tìm đến các chợ, thấy ai chuẩn bị mổ gà là tôi xin cắt lông trước rồi trả cho họ ít tiền, coi như mình đền bù vì đã làm khó họ trong công đoạn làm lông. Nhiều người lấy làm lạ, cứ bảo tôi “gàn”, có người lại bảo tôi lấy lông gà về “làm phép” như thầy pháp”, ông Đạt cười.

Cách nói chuyện của họa sĩ “gàn” chân chất như chính bản thân ông, như chính cách sáng tác nơi căn gác mộc mạc, có phần xập xệ. Tính cách đó được ông đưa vào tranh của mình dung dị với 3 gam màu chủ đạo: nâu, vàng, đen. Ông Đạt cho biết một bức tranh được ông định hình trước thường thì chỉ cần khoảng 5 màu lông gà, làm trong khoảng 2 ngày. Tuy nhiên, có bức tranh phải “huy động” đến 10 màu lông khác nhau, làm ròng rã trong 2-3 tháng.

Mặc lời thị phi

Theo ông Đạt, để làm một bức tranh lông gà không khó. Chất liệu chính gồm giấy, hồ dán, bút chì và lông gà. Khi người nghệ sĩ đã có ý tưởng trong đầu thì cứ phác thảo ra giấy rồi dán từng cánh lông lên để tạo nên bức tranh hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để tranh có “hồn”, sống lâu trong tâm trí người thưởng lãm thì ít nhất phải đạt được các yêu cầu trong hội họa và phụ thuộc phần nhiều vào cá tính của người nghệ sĩ. Mặc dù chưa qua một trường lớp đào tạo về mỹ thuật nhưng ông Đạt lại có kiến thức khá rộng về lĩnh vực này. Bằng những gì tự trang bị, bằng niềm đam mê, ông đã “vẽ” nên cả ngàn bức tranh độc đáo. Hiện ông đang lưu giữ khoảng 150 bức tranh với nhiều thể loại.

Tranh lông gà hạn chế về màu sắc nên đề tài thể hiện cũng bị giới hạn. Một thời gian dài, họa sĩ Đinh Ngọc Đạt “thủy chung” với những đề tài về phố cổ Hội An, phong cảnh đất nước con người Việt Nam, chân dung thiếu nữ... “Màu lông gà có chút gì đó cổ điển, trầm mặc rất phù hợp với dáng dấp từng nóc nhà, từng góc phố cổ kính, rêu phong của Hội An. Khi hình ảnh người mẹ oằn lưng vì quang gánh đi về phố xa, phố cổ mùa lụt, chùa Cầu thâm nghiêm... hiện lên từ màu lông gà trông đẹp mắt mà không phô”, ông Đạt nhận định.

Khi làm tranh, ông đã đặt hết tâm hồn vào đó nhưng sự sáng tạo của ông lắm lúc cũng chịu những lời thị phi từ nhiều phía. Ông Đạt tâm sự: “Mình làm cái gì chưa ai làm, người khen kẻ chê là chuyện thường, có buồn cũng chỉ thoáng qua thôi. Mới đây, khi hình ảnh bức tranh của tôi được đưa lên mạng, người tán thưởng có, nhưng người chê cũng không ít. Họ bảo, làm tranh lông gà không khéo nhiễm cúm gà H5N1 thì nguy...”. Có người cực đoan hơn lại “ném đá” ông bằng cách mỉa mai rằng tranh thì phải dùng cọ để vẽ, tranh dán lông gà thì không ra tranh. “Nhưng nói gì thì tôi vẫn làm bởi đó là đam mê suốt đời mà...”, ông Đạt tiếp lời: “Xu hướng trên thế giới đã khác xưa nhiều. Ở nước ngoài người ta đang dùng phế liệu, thậm chí cả giẻ rách để sắp đặt, để “vẽ” tranh đấy thôi...”.

Cách đây không lâu, ông đã chứng minh cho nhiều người thấy tranh lông gà là hướng mở đầy triển vọng khi tranh của ông được chọn làm ảnh bìa một tạp chí của Pháp.

Nổi niềm họa sĩ

Kể về cuộc sống riêng của mình, họa sĩ Đinh Ngọc Đạt thoáng buồn và lo toan. Hằng ngày, ông chuyên tâm sáng tác trên căn gác chật hẹp, nóng bức. Số tranh “vẽ” được ông trưng bày để mọi người cùng xem, thi thoảng có người mua, ông bán với giá 2-3 triệu/bức. Đời sống còn khó khăn nên mong ước mở phòng trưng bày của ông chưa thực hiện được. Đã không dưới một năm ông gửi đơn đến các phòng, ban chuyên môn TP.Hội An xin được đưa tác phẩm tranh lông gà vào chương trình quảng bá du lịch, góp phần làm phong phú nghệ thuật đặc trưng của khu phố cổ nhưng vẫn không nhận được hồi âm.

Hoàng Sơn

>> “Ước mơ xanh” của hoạ sĩ Mai Châu
>> Họa sĩ nylon
>> Nghề cười nhớ họa sĩ Chóe
>> Người họa sĩ không ngừng sáng tạo
>> 12 họa sĩ triển lãm đầu năm
>> Họa sĩ đường phố và nghệ thuật nụ cười
>> Họa sĩ Vũ Anh: Kỷ lục cắt hình bằng kéo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.