Nỗi kinh hoàng trong giờ ăn: Nuôi con đúng cách

06/05/2013 03:15 GMT+7

Cho trẻ ăn là cả một nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật tinh tế từ cha mẹ, nếu không muốn biến thành “nô lệ” cho chính đứa con do mình sinh ra.

Từ nịnh nọt đến dọa nạt

Cứ đến bữa ăn, nhà Hoa như đang tổ chức một buổi biểu diễn, với nhân vật chính không ai khác bé Cherie chưa đầy 2 tuổi. Bà và mẹ ngồi quanh, nhìn bé lí lắc vui đùa ở giữa, tay chỉ trỏ nhân vật vui nhộn trên truyền hình. Hoa cầm sẵn cái muỗng chực sẵn, đợi bé chịu há mồm ra là đút ngay vào miệng. Mỗi khi bé ăn xong muỗng nào, cả nhà vỗ tay hoan hỉ. Bà thì nói: “Cháu tôi giỏi thế”, mẹ thì bảo: “Ngoan nhất nhà là con của mẹ đấy!”. Cứ thế, trong sự tung hô của người thân, bé cứ ngoác miệng ra ăn, và ăn càng nhanh thì càng được khen tợn.

Trong khi đó, Linh áp dụng kỷ luật sắt cho con trai mỗi khi ngồi vào bàn ăn. Đứa bé được mẹ yêu cầu phải ăn hết mọi thứ trên đĩa. Khi bé không ăn, cô lại dùng cái giọng nghiêm trọng thường dùng để giáo huấn học trò ở trường để phân tích rằng: “Bao nhiêu bạn ở ngoài đường chẳng có cái ăn, con may mắn có mẹ lo cho ăn, phải ăn ngoan, ăn hết!”. Nhìn đứa bé mắt tròn xoe, run run nhắc theo lời mẹ mà người ngoài thấy muốn nản theo.

Trong cuốn Bé yêu học ăn, Giáo sư, tiến sĩ Irene Chatoor của Đại học George Washington (Mỹ) từng nêu lên những ví dụ tương tự. Theo đó, nhiều bậc phụ huynh ở Mỹ từng chia sẻ rằng họ cũng là nạn nhân của tình trạng ép ăn, buộc phải ăn tất tần tật mọi thứ trên đĩa đã được cha mẹ múc sẵn. Thế nên, khi trưởng thành, chính họ không nhận ra được mình đã no hay chưa.

Trong một trường hợp, Jones là mẹ của hai bé sinh đôi hai tuổi, cả hai đều phải điều trị vì mắc chứng từ chối thức ăn rất nặng. Sau khi được tư vấn, qua một thời gian cô Jones hết sức vui mừng vì hai đứa con có thể nói khi nào chúng đói, khi nào chúng no. Thế nhưng, chính Jones cũng buồn bã thú nhận rằng: “Bây giờ đã 37 tuổi, tôi còn chưa biết khi nào mình no”, hậu quả của những năm bị ép ăn thời còn bé.

 

Khi việc ăn uống đã trở thành màn trình diễn, trẻ có thể nhận ra rằng mình đủ sức gây áp lực với cha mẹ bằng cách ăn hay không ăn, từ đó dùng chuyện ăn uống để khống chế các phụ huynh

Giáo sư - tiến sĩ Irene Chatoor, Đại học George Washington (Mỹ)

Nuôi ăn đúng cách

Theo Giáo sư Chatoor, đừng nịnh nọt, dọa nạt hay ép trẻ ăn nhiều hơn hoặc ít đi, cũng đừng khen ngợi hay phê bình con trẻ vì chúng ăn nhiều hay ít. Khi việc ăn uống đã trở thành màn trình diễn, trẻ có thể nhận ra rằng mình đủ sức gây áp lực với cha mẹ bằng cách ăn hay không ăn, từ đó dùng chuyện ăn uống để khống chế các phụ huynh. Mẹo ở đây là cha mẹ nên giữ thái độ bình thản, bất kể trẻ ăn nhiều hay ít. Tất nhiên, nên khuyến khích những nỗ lực tự ăn của trẻ bằng những câu nói như: “Con đã lớn rồi kìa, biết tự cầm muỗng ăn”, hoặc “giỏi lắm, đưa được vào miệng rồi”, theo phân tích của Giáo sư Chatoor. Bà cho biết, tự ăn là một cột mốc quan trọng và hào hứng, cũng như những bước đi đầu đời của trẻ.

Bên cạnh đó, tránh dùng thức ăn (như kẹo, kem, bánh) làm phần thưởng, hoặc là cách để cha mẹ bày tỏ tình yêu thương đối với con cái. Họ không ngờ nổi rằng hành động thưởng kẹo tưởng chừng như hết sức đơn giản này có thể trở nên mạnh mẽ và dai dẳng, gây rắc rối cho trẻ khi chúng lớn lên. Lisa là một trường hợp điển hình. Cô suy diễn rằng tình yêu thương mà mình nhận được từ cha mẹ luôn gắn liền với đồ ăn. Khi cô 15 tuổi, cha mẹ bận bịu chuyện riêng, không còn thời gian lo lắng cho cô như xưa, nhưng kem hay kẹo vẫn còn đó. Từ chuyện này cho thấy, không nên tạo sự liên hệ giữa đồ ăn với tình yêu của cha mẹ, nhằm tránh tình trạng “nghiện” đồ ngọt ở trẻ em.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần lưu ý, không cho phép bất kỳ sự xao nhãng nào trong lúc ăn. Khi bị đánh lạc hướng, trẻ không còn quan tâm đến những tín hiệu đói no trong cơ thể, chẳng hạn như mải xem truyền hình hơn ăn. Phụ huynh luôn mang tâm trạng lo lắng rằng con mình ăn ít, nên thường dùng các biện pháp đánh lạc hướng để dụ trẻ mở miệng, và cảm thấy hài lòng nếu cho trẻ ăn được mà không gặp bất kỳ phản đối nào. Mặc dù đây có thể là một giải pháp ngắn hạn, nhưng trẻ sẽ ăn mà không có nhu cầu từ bên trong, dẫn đến hậu quả sau này. Cha mẹ sẽ phát hiện càng ngày càng khó làm sẽ xao nhãng, khiến họ trở nên mệt mỏi và tức giận vì phải tìm những cách mới để dỗ trẻ ăn.

Phi Yến

>> Thay đổi người nuôi con sau ly hôn
>> Người mẹ trẻ mong được sống để nuôi con
>> Nuôi con khoa học ngay từ khi lọt lòng
>> Gà trống nuôi con

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.