Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại Myanmar

04/05/2013 05:32 GMT+7

Dân số gần 60 triệu người, 90% hàng công nghiệp và tiêu dùng phải nhập khẩu, nhiều lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, y tế... còn bỏ ngỏ là các lý do khiến Myanmar trở thành thị trường đầu tư mới nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Cạnh tranh gay gắt

 

Việt Nam đã đầu tư vào Myanmar 7 dự án, tổng vốn 460 triệu USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến nay, Việt Nam đã cấp phép cho 7 dự án đầu tư sang Myanmar với tổng vốn đăng ký 460 triệu USD, đứng thứ 6 trong số 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của DN Việt Nam. Riêng trong quý 1/2013, Myanmar chiếm 11,3% vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam (đứng sau Liên bang Nga và Lào). Mục tiêu đến 2015, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Myanmar tăng lên 500 triệu USD và đầu tư giữa hai nước đạt 1 tỉ USD.

Myanmar đang mở cửa và các tập đoàn kinh tế quốc tế đang ráo riết xúc tiến việc đầu tư ở nước này nên nhà đầu tư VN phải khẩn trương vào thị trường này. Đó là thông điệp được đưa ra tại hội thảo “Các cơ hội kinh doanh tại Myanmar” do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM tổ chức ngày 3.5.

Dự kiến trong tháng 6, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sẽ khởi công xây dựng khu phức hợp tại thành phố Yangon - trung tâm kinh tế lớn nhất của Myanmar. Tại Đại hội cổ đông HAGL vừa qua, Chủ tịch HĐQT HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết HAGL đã bước vào thị trường này từ 3 năm trước nên thuê được khu đất đắc địa với giá chỉ khoảng 740 USD/m2, thời gian 70 năm. Hiện nay, giá những khu đất ở vị trí trung tâm Yangon đã tăng gấp 10 lần và giá thuê văn phòng tại Yangon là khoảng 80 USD/m2/tháng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Viettranimex, cảnh báo tại hội thảo trên rằng ở thị trường Myanmar, các nhà đầu tư Việt Nam đang chậm so với giới đầu tư của nhiều nước khác. Theo ông Thanh, cạnh tranh tại Myanmar đang khá gay gắt và thành công phụ thuộc nhiều vào việc chớp thời cơ. Thế nhưng, các doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam dường như chưa mặn mà lắm với thị trường này do lo ngại luật pháp của Myanmar chưa ổn định. Những DN vừa và nhỏ thì khó chen chân vì thiếu vốn lẫn khả năng cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài khác. “Sự cạnh tranh khá gay gắt, nhất là với các DN Trung Quốc. Công ty chúng tôi mới có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 10 triệu USD vào lĩnh vực hợp tác nông nghiệp thì chỉ một công ty Vân Nam - Trung Quốc đề nghị đầu tư 300 triệu USD vào lĩnh vực này”, ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông, vào năm 2012, Tập đoàn FPT đã thành lập văn phòng mới tại Myanmar làm đầu mối mở rộng hoạt động phân phối, thiết lập chuỗi cửa hàng và xây dựng đội ngũ lập trình viên phục vụ cho các khách hàng của FPT. Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) cũng nằm trong danh sách 12 đơn vị ứng cử viên được quyền đấu thầu giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Myanmar. Trong cuộc đua này, Viettel sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ đáng gờm như liên minh hai nhà mạng lớn nhất thế giới là China Mobile và Vodafone Group; Singapore Telecommunications; rồi MTN Dubai...

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại Myanmar
Hàng hóa Việt Nam đang thâm nhập thị trường Myanmar thông qua các hội chợ - Ảnh: Tuyết n

Cần sự kiên trì

Myanmar được nhiều tập đoàn quốc tế đánh giá là “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á”. Với các DN Việt Nam, cơ hội đầu tư sang thị trường mới này là lớn nếu vượt qua được khó khăn do cạnh tranh, thủ tục rườm rà, thanh toán khó khăn... Ông Huỳnh Công Trung - Phó giám đốc marketing của TCT Thương mại Sài Gòn (Satra) - cho biết hành trình xin giấy phép mở văn phòng đại diện của Satra tại thị trường này khá gian nan. Satra đã thuê tư vấn chuyên nghiệp ngay tại nước sở tại để hoàn thành hồ sơ nhưng cũng mất đến 6 tháng mới được cấp phép chính thức. Hiện nay các DN Việt Nam cũng có thể tham gia vào showroom của Satra tại Myanmar để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình.

Ông Đàm Xuân Bắc - Tổng lãnh sự danh dự Myanmar tại TP.HCM - chia sẻ: “Nếu muốn làm ăn ở đây thì DN cần phải có sự kiên trì. Bởi thị trường này vẫn còn tồn tại cơ chế cũ với những thủ tục hành chính rườm rà khiến DN dễ nản lòng. Bên cạnh đó, đặc điểm về kinh tế thương mại quốc tế cũng theo kiểu riêng của Myanmar chứ chưa hoàn toàn theo thông lệ quốc tế. Các DN cần cử cán bộ am hiểu tiếng Anh nằm vùng, bàn bạc trực tiếp với các đối tác tại nước sở tại. Ngoài ra, Myanmar chưa có ngân hàng nước ngoài hoạt động khiến chi phí dịch vụ tăng cao khi chuyển tiền. Nhiều DN muốn chuyển tiền đầu tư chủ yếu phải thông qua ngân hàng tại Singapore khiến chi phí DN bị đẩy lên cao”. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, gần đây Chính phủ có cho phép thông qua NH Công thương cấp giấy xác nhận để mang ngoại tệ bằng tiền mặt sang Myanmar sau khi có giấy phép đầu tư. Vì vậy, các DN nên tìm hiểu để giảm thiểu được chi phí chuyển vòng sang Singapore. Các lĩnh vực như gieo trồng lương thực, nuôi trồng thủy sản, chế biến hải sản hay khai thác mỏ, sản xuất hàng gia dụng... thì rất thích hợp để đầu tư tại Myanmar. Nếu TP.HCM quyết tâm thì cần có cơ chế riêng đặc biệt để thúc đẩy các DN đầu tư vào Myanmar.

Thu hút tỉ phú Mỹ

Myanmar đang thu hút những tên tuổi đầu tư hàng đầu thế giới như các tỉ phú George Soros và Jim Rogers. Theo tờ The Wall Street Journal, quỹ đầu tư Quantum Strategic Partners Ltd. của ông Soros đã hợp tác với các hãng viễn thông Yoma Strategic Holdings Ltd. của Singapore và Digicel Group Ltd. trụ sở tại Jamaica tham gia đấu thầu 1 trong 2 giấy phép cung cấp mạng và điện thoại di động tại Myanmar, cạnh tranh với liên danh Vodafone/China Mobile. Thị trường thông tin - viễn thông tại Myanmar được đánh giá là rất giàu tiềm năng sau khi chính phủ nước này đã có những động thái cởi mở và cải thiện hơn cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc. Nếu trước đây thẻ SIM điện thoại có giá nhiều khi lên đến 7.000 USD, thì kể từ cuối tháng 4, giá của nó có thể giảm xuống chỉ còn 2 USD/thẻ, theo Reuters.

Bloomberg dẫn lời tỉ phú Mỹ Jim Rogers gọi Myanmar là nước có cơ hội đầu tư cao nhất tại châu Á hiện tại. Hồi cuối năm ngoái, Hãng MasterCard đã nhanh chân trở thành hệ thống chi trả tín dụng đầu tiên cấp phép cho một ngân hàng Myanmar. Các công ty Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đổ xô vào đây và mới đây EU đã dỡ bỏ toàn bộ cấm vận về kinh tế đối với Myanmar.

Để tận dụng cơ hội đang mở ra, các nhà lãnh đạo Myanmar, từ chính phủ lẫn phe đối lập đang nỗ lực kêu gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn yếu kém của nước này. AP dẫn lời lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm mới đây tại Nhật Bản đã kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực trên, vốn bị đánh giá là chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế. Theo tờ The Economic Times, Ngân hàng Phát triển châu Á vừa quyết định đổ tiền vào dự án đường xuyên quốc gia dài 417 km, nối liền khu vực Moore của Myanmar với vùng Sutarkandi thuộc Karimganj của Ấn Độ.

Thụy Miên

Cho phép đầu tư gần như mọi lĩnh vực

Trước đây, Myanmar giới hạn đầu tư nước ngoài, nhưng nay đã mở rộng ra mọi lĩnh vực, chỉ trừ một vài lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng. Thời hạn thuê đất của nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nâng trung bình từ 30 năm trước đây lên 50 năm; thuế thu nhập DN đầu tư nước ngoài từ 30%/năm giảm còn 25%/năm... Myanmar không khống chế tỷ lệ góp vốn của DN nước ngoài trong hợp tác đầu tư hay liên doanh.

Myanmar có rừng nguyên sinh nên có nhiều tiềm năng khai thác và chế biến gỗ. Bên cạnh đó nước này cũng giàu tài nguyên khoáng sản nhưng việc khai thác còn hạn chế với DN nước ngoài. Những DN đã, đang đầu tư và bước đầu gặt hái thành công tại thị trường Myanmar đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, dầu khí, khai mỏ, cơ khí, dệt may, giày dép, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng... Thị trường Myanmar tuy giàu tiềm năng nhưng rất khó thâm nhập. Theo các chuyên gia, không phải bất cứ lĩnh vực kinh tế nào của Myanmar cũng hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao cho DN nước ngoài. Vì vậy lựa chọn lĩnh vực đầu tư là vấn đề mà các DN Việt Nam phải nghiên cứu, khảo sát kỹ. Cách đầu tư nhanh nhất và tiết kiệm nhất là các DN Việt Nam tìm kiếm đối tác nước sở tại để liên doanh cùng thực hiện các dự án đầu tư.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.