Dịch giả Lê Chu Cầu: Sách Việt Nam còn quá đắt

03/05/2013 17:55 GMT+7

(TNO) Xuất thân từ một kỹ sư năng lượng nguyên tử, sống và làm việc tại Đức gần 50 năm qua, dịch giả Lê Chu Cầu đến với người đọc Việt Nam qua nhiều tác phẩm dịch có giá trị.

>> Dịch giả Việt kiều giúp “xuất khẩu” văn học Việt

Thanh Niên Online đã có dịp trao đổi với dịch giả Lê Chu Cầu trong buổi ra mắt tác phẩm dịch mới nhất của ông - Tên của đóa hồng.

* Ông có thể cho biết cơ duyên nào dẫn ông đến với việc dịch sách, trong khi trước kia, ông vẫn hằng ngày bận rộn với công việc kỹ sư tại một công ty năng lượng nguyên tử tại Đức?

- Tôi vốn có sở thích đọc sách văn học, và thường xuyên tìm kiếm các đầu sách hay, sách mới bằng tiếng Đức và tiếng Anh để đọc. Trong quá trình đó, tôi chợt nảy ý định dịch ra tiếng Việt để chia sẻ với bạn đọc trong nước và bắt đầu việc dịch tự phát. Cứ cuốn sách nước ngoài nào mà tôi thấy hay, thấy thích thì cứ bắt tay vào dịch. Dịch xong, tôi gửi bản thảo cho bạn bè trong nước đọc và giới thiệu bản dịch cho các đơn vị xuất bản trong nước.


Dịch giả Lê Chu Cầu trong buổi ra mắt tác phẩm dịch Tên của đóa hồng tại TP.HCM ngày 13.4.2013 - Ảnh Ngọc Bi

* Bắt đầu dịch tự phát như vậy từ thập niên 1990, cho tới nay, ông đã xuất bản được hơn 12 đầu sách giá trị, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong quá trình này?

- Dịch thuật luôn là công việc khó khăn, vất vả, ngốn nhiều thời gian lắm. Tôi còn nhớ thời kỳ đầu tham gia công tác dịch, với cuốn Mùi hương, tôi đã phải khá nhiều công sức vì không có từ điển Đức-Việt, phải tra qua từ điển trung gian là Đức-Anh và Anh-Việt để tìm cho ra những từ ngữ ưng ý. Rồi cũng có những cuốn dịch chưa ưng ý, lại gấp sách lại, để đó, thỉnh thoảng mở ra, cho đến khi tìm được từ chín muồi mới đặt vào và dịch tiếp.

 
Một thực tế đáng buồn ở Việt Nam là giá sách khá cao so với mức thu nhập bình quân của người dân và nạn sách lậu, sách giả vẫn hoành hành
Dịch giả Lê Chu Cầu

* Trong dòng sách văn chương, ông thích dịch thể loại nào nhất?

- Ôi, miễn là tác phẩm mà tôi thấy thích, không nhất định là thể loại sách văn học nào. Cũng như việc tôi đọc vậy, tôi đọc đa dạng nhiều loại sách văn học.

* Sinh sống và làm việc tại Đức đã gần 50 năm, vậy ắt hẳn trong lúc dịch, ông sẽ ít gặp trở ngại gì về câu chữ?

- Đúng là tôi cũng có lợi thế hơn do học tập, sinh sống ở nước bản xứ lâu, có điều kiện cọ xát thực tế với ngôn ngữ, văn hóa tại đất nước đó, am hiểu về phong tục tập quán, thói quen, cách sử dụng từ ngữ thường dùng của người bản xứ… nên việc chuyển ngữ có nhiều thuận lợi hơn. Nhưng ngôn ngữ cũng có nhiều từ ngữ mới được sinh ra nên không phải lúc nào việc dịch thuật cũng dễ dàng. Đặc biệt ngôn ngữ Đức cũng là một dạng ngôn ngữ khó dịch. Tôi thấy tiếng Anh dễ dịch hơn. Phân nửa trong các tác phẩm dịch của tôi là đều dịch từ sách gốc tiếng Anh đấy.

* Rất nhiều độc giả Việt Nam yêu thích các bản dịch của ông và nhận xét rằng ngôn từ của ông rất linh hoạt, sống động, không hề biết được do người dịch đã mấy chục năm sống ở nước ngoài chuyển ngữ. Làm thế nào để ông giữ gìn được vốn tiếng Việt của mình?

- Đó là do những người Việt ở Tây Đức chúng tôi thường hay gặp nhau thảo luận, viết lách bằng tiếng Việt. Nếu không, có lẽ khó lòng giữ gìn được ngôn ngữ và bản sắc Việt như vậy. Tuy nhiên, thói quen tốt này dường như nay dần bị phai nhạt.

Tôi thấy buồn khi không ít người thuộc lớp trẻ Việt Nam ở nước ngoài sau năm 1975 quá yếu tiếng Việt, thậm chí quên, trong khi nhiều cộng đồng di dân khác (Trung Quốc, Ý, Ba Lan, Đức...) ở Mỹ, Úc, Nga... vẫn giữ được ngôn ngữ và bản sắc dân tộc của họ. Có được điều này bởi họ năng sinh hoạt cộng đồng bằng tiếng mẹ đẻ và có ý thức gìn giữ tiếng mẹ đẻ.


Ký tặng trên một bản sách Tên của đóa hồng - Ảnh Ngọc Bi

* Là một dịch giả Việt kiều, ông nhận xét gì về nhuận bút dịch của các đơn vị xuất bản Việt Nam?

- Chỉ đủ uống cà phê thôi nhưng tôi thực sự vẫn thích dịch tiếp. Ngoài dịch, tôi cũng giúp các đơn vị xuất bản trong nước thẩm định, đề xuất mua bản quyền một số tác phẩm.

Dịch giả Lê Chu Cầu sinh năm 1947, hiện sinh sống tại Đức. Các tác phẩm dịch đã xuất bản tại Việt Nam gồm Mùi Hương (Patrick Süskind), Nhà Giả Kim (Paulo Coelho), Người Thầy (Frank McCourt), Chuyện Dài Bất Tận và Momo (Michael Ende), Cuộc Chiến Khuy Cúc (Louis Pergaud), Siddhatha (Hermann Hesse)… và một số vở kịch: Bà tỉ phú về thăm quê (Friedrich Dürrenmatt), Bà mẹ can đảm và các con và Cuộc đời Galilei (Bertolt Brecht).
 

* Có lúc nào những đề xuất của ông bị từ chối không?

- Có chứ. Đôi khi tôi thấy cuốn sách này hay, có giá trị, muốn giới thiệu cho bạn đọc trong nước, nhưng đơn vị xuất bản Việt Nam nhận định đó là loại sách khó bán, in ra ắt thua lỗ nên họ từ chối. Nhưng cũng không vì thế mà tôi buồn đâu. Tôi coi đây là chuyện bình thường, cũng như việc tôi từ chối không nhận dịch những cuốn sách mà tôi không thích vậy.

* Ông có quan tâm tới văn chương Việt Nam không?

- Có chứ. Tôi rất thích văn học Việt, đặc biệt là các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trước đây, biết sở thích này của tôi, người nhà hoặc bạn bè tôi thường mua sẵn sách văn học trong nước, chờ tới khi tôi về nước thì mang hết về để đọc dần. Vì mua được sách in bằng tiếng Việt ở nước ngoài trước kia là khó lắm, còn gửi thường xuyên sang bên đó thì đắt đỏ và lách cách quá. Sau này, mỗi lần về nước, tôi đều tranh thủ đi nhà sách mua sách về, mấy năm gần đây cũng được các đơn vị xuất bản trong nước tặng nhiều.

* Ông có bao giờ nghĩ tới việc dịch ngược Việt-Đức, Việt-Anh hoặc giới thiệu sách văn học Việt cho nhà xuất bản nước ngoài chưa?

- Thú thực là chưa. Bởi tôi cứ nghĩ những công việc ở tầm quy mô lớn vậy cần có cơ quan, đoàn thể nào tổ chức cho chuyên nghiệp. Nhưng tôi cũng rất mong có nhiều tác phẩm văn học Việt được chuyển thể ra tiếng nước ngoài hơn nữa, để độc giả nước ngoài có dịp được thưởng thức.

* Ông có nhận xét gì về giá sách trong nước?

- Đắt quá, quá cao so với mức thu nhập bình quân của người dân và nạn sách lậu, sách giả vẫn hoành hành. Trong khi ở nước ngoài, giá sách rẻ, lại không phải chịu vấn nạn sách giả, sách lậu. Như vậy độc giả Việt Nam bị thiệt thòi, lẽ ra một năm họ có thể mua được 100 cuốn sách chẳng hạn, thì nay họ chỉ dám mua 1 - 2 cuốn/năm.

* Vài năm trở lại đây, ông thường xuyên trở về quê hương hơn, vậy ông có nhận thấy nhiều điều khác biệt không?

- Đúng là từ sau khi về hưu, tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn và cũng năng về Việt Nam hơn. Đất nước đã thay đổi rất nhiều về cả diện mạo và kinh tế. Cứ nhìn thấy số lượng sách trong các tiệm sách tăng lên nhiều với đủ thể loại cũng đủ thấy sự phát triển về văn hóa đọc. Tôi thấy mừng vì điều này.

* Cám ơn dịch giả rất nhiều và mong chờ tác phẩm dịch mới của ông.

Dịch giả Lê Chu Cầu cũng là người nhớ lại và cung cấp cho giáo sư Phạm Vĩnh Cư về bài thơ “lạ” mà giáo sư đã truy tìm.

Thanh Niên Online gửi bạn đọc nguyên văn lá thư của dịch giả Lê Chu Cầu gửi giáo sư Phạm Vĩnh Cư:

26.11.08

Kính gửi giáo sư Phạm Vĩnh Cư

Thưa ông,

Tình cờ được đọc bài Truy tìm một bài thơ lạ của ông trên mạng phongdiep.net, tôi xin dông dài thưa đôi lời:

Cuối những năm 1950, ở Saigon cha tôi có đặt mua một tờ báo tuần. Tuy bấy giờ SG chưa nhiều báo, nhưng tôi đã quên mất tên, chỉ nhớ báo này khổ lớn - như tờ Nhân Dân.

Điểm đặc biệt là dù chỉ 4 trang, nhưng báo luôn có những bài giới thiệu các nhân vật chống Pháp - thời Cần Vương hay thời kháng chiến chín năm, như tướng Nguyễn Bình, Hoàng Thọ, nhờ thế tôi được biết đôi điều về thân thế và sự nghiệp của họ. (Phải chăng các chủ biên tờ báo là những nhà kháng chiến cũ, ở lại rồi ra hoạt động công khai?)

Trong một số báo, năm ấy tôi mới 11, 12 tuổi, được đọc bài thơ mang tên Thư Đề Thám gửi cha nuôi. Nếu tôi không nhầm thì tác giả "Khuyết danh"! Điều tôi nhớ chắc chắn: sau đó, tờ báo bị đình bản, vì đăng bài thơ trên của Tố Hữu - người nhà tôi kháo nhau như thế! 

Tôi rất thích nên hồi đó thuộc lòng. Đôi chục năm sau, cũng như ông, nhớ lại bài thơ từng khơi trong lòng tôi hai chữ 'ái quốc' (mong ông không cười tôi ngoa ngữ), khi ở nước ngoài cũng như lúc về thăm nhà tôi đều cố tìm, nhưng hoài công. Tôi ngờ rằng không phải của Tố Hữu, vì chẳng lẽ nhà thơ này lại chối bỏ, không đưa vào các tập thơ của mình? Và tờ báo kia bị đình bản hẳn không phải vì bài thơ, mà do đã công khai ca ngợi những người kháng chiến Nam bộ.

Bài này đôi chỗ hơi khác bài thơ 'lạ' của ông. Rất tiếc, sau gần 50 năm tôi chỉ còn nhớ một số câu / đoạn, xin gửi để ông tham khảo:

Thư Đề Thám gửi cha nuôi:

                  Đọc mấy lời trong bức thư cha nhủ
                  Giọt [Dòng] lệ con hoen hố mảnh nhung y
                  Nhớ ngày nào mang chí lớn ra đi
                  Trong dĩ vãng cha ghi nhiều kiêu hãnh
                  Kìa lưỡi kiếm máu kẻ thù còn dính
                  Mà anh hùng tim lạnh bởi hư vinh
                  Trong phong ba vùng vẫy bóng nghê kình
                  Ham mồi béo nạp mình cho ngư phủ
                  Nơi rừng sâu tung hoành con mãnh hổ
                  Tham mồi ngon ủ rũ chốn chuồng con
                  Bả vinh hoa làm chết cả tâm hồn
                  Và lay chuyển cả lòng son dạ sắt
                  Mây Hồng Lĩnh vẫn mịt mù u uất
                  Sóng Nhị Hà máu giặc còn loang
                  Thì đời con là của cả giang sơn
                  .....................................................

                  Cha nơi ngực đầy mề đay, kim khánh
                  Con bên sườn lấp lánh kiếm tiên cừu
                  ......................................................

                  Bức thư đây là bức cuối cùng
                  Và cha chỉ là cha trong dĩ vãng
                  Thôi, hạ bút cho thâm tình gián đoạn
                  Để người đời kết án kẻ gian phi
                  Thanh kiếm thần, ta tuốt sẵn! Chờ mi!

Chúc ông nhiều sức khỏe và mong có dịp nhận được thông tin mới của ông.

Kính,

Lê Chu Cầu

Ngọc Bi (thực hiện)

>> Sách Việt “đi chợ” quốc tế
>> Thêm sách Việt được dịch ra tiếng Anh và Hàn
>> Sách Việt vươn ra thế giới
>> Trao giải cuộc bình chọn “Sách Việt tôi yêu”
>> Sách Việt tôi yêu
>> Ra mắt sách "Việt Nam và biển Đông
>> Triển lãm sách Việt Nam tại Pháp
>> Việc thực thi các chính sách Việt kiều quá chậm
>> Lạc quan với hội chợ sách Việt Nam
>> Giải thưởng sách Việt Nam 2009
>> 84 tác phẩm đoạt giải thưởng Sách Việt Nam
>> Khai trương "Dự án sách Việt Nam" tại Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.