Bảo tàng sống về Hoàng Sa

30/04/2013 09:12 GMT+7

Cụ Võ Hiển Đạt (82 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, H.Lý Sơn, Quảng Ngãi) là người tái hiện và phục chế mô hình thuyền câu cùng những vật dụng của Đội dân binh Hoàng Sa năm xưa.

Quốc Lộ 50, P. 5, Q. 8

Cụ Đạt bên chiếc thuyền câu vừa được phục dựng - Ảnh: Phạm Văn

Phục dựng thuyền câu cổ

Nhắc đến Lý Sơn là nhớ đến Đội dân binh đã có công đo đạc, trấn giữ bảo vệ và khẳng định chủ quyền tại đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ra đảo mà nghe câu hát ru “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về” là lòng lại bâng khuâng nghĩ đến tiền nhân. Và không ít người xúc động nghẹn ngào khi đứng trước những ngôi mộ gió, m linh tự… thờ vong linh người đã khuất. Những năm gần đây, du khách còn được chiêm ngưỡng thuyền câu, vật dụng, hình nhân thế mạng của Đội dân binh trong Đội Hoàng Sa năm xưa do cụ Đạt phục dựng, được trưng bày tại nhà Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải trên đảo Lý Sơn.

 

TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Ngãi: Cụ Võ Hiển Đạt là một trong hai người vừa được Sở VHTT tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ VH-TT-DL phong danh hiệu nghệ nhân vì những đóng góp của ông đối với ngành văn hóa. Cụ luôn tận tụy với công việc và là người góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu về Đội dân binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn.

Cụ Đạt kể, trong một lần tộc Nguyễn mời vẽ lại đôi liễn đối tại nhà thờ tộc ở xã An Hải, ông đã phát hiện mô hình khinh thuyền (còn gọi là thuyền câu) của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Mô hình được vẽ trên giấy bản khổ lớn đã ố màu thời gian được tộc Nguyễn cất giữ lâu năm. Theo mô hình này thì chiếc thuyền câu khơi thời xưa dài khoảng 10-12 m, rộng 2,5-3 m, cao 0,8-1 m, có hai cột buồm, trọng tải 5-6 tấn, chứa được 7-8 người…

Mừng như bắt được vàng, cụ Đạt liền xin phép tộc Nguyễn ghi chép tỉ mỉ hình dáng, kích thước, chất liệu để làm nên khinh thuyền Hoàng Sa. Rồi cụ lại tra cứu, tham khảo hàng trăm tài liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm đang được thờ tự tại các nhà thờ cai đội và dân binh trong Đội Hoàng Sa trên đảo để tìm hiểu về khinh thuyền mà cha ông đã từng sử dụng. Khi đã tìm hiểu cặn kẽ, cụ Đạt bắt tay vào việc phục chế lại chiếc thuyền buồm của ông cha ra biển Đông năm xưa. Từ năm 1990 đến nay, cụ Đạt đã phục dựng nhiều khinh thuyền Hoàng Sa phục vụ lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cho các tộc họ; trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ngãi và ở Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa…

“Ông đồ” theo nghiệp ngư dân

Mười tuổi, cụ Đạt đã theo học chữ Nho với các thầy đồ địa phương. Nhưng lớn lên ông lại bị cuốn theo nghiệp chài lưới để thỏa chí nam nhi. Lập gia đình, ông Đạt lại đóng thuyền buồm rong ruổi theo nghiệp buôn bán từ nam chí bắc. Nhờ nghề này mà ông đã tranh thủ học lỏm được chút vốn chữ Hán của người Hoa và nghề đóng ghe Bầu của các vạn chài vùng Nam Trung bộ.

Những vốn kiến thức này đã giúp rất nhiều cho cụ Đạt trong việc phục dựng tái hiện và phục chế lại thuyền câu và các hiện vật và vật dụng của Đội Dân binh trong đội Hoàng Sa. Cụ còn là người giải mã hầu hết các câu liễn, đối, các văn bản cổ được viết bằng chữ Hán, chũ Nôm có niên đại từ vài trăm năm trước liên quan đến chủ quyền biển đảo của tổ quốc đang được thờ tự tại các đền thờ và nhà thờ của các họ tộc trên đảo Lý Sơn. Chính cụ đã phát hiện ra Tờ lệnh có từ thời Minh Mạng điều binh phu đi Hoàng Sa được dòng họ Đặng ở thôn Đồng Hồ cất giữ suốt 175 năm qua.

Cụ Đạt chia sẻ: “Tôi chưa phải là người hay chữ nghĩa những được bà con tín nhiệm sao nỡ từ chối. Tôi ý thức rằng công việc mình đang làm cũng là góp một chút công sức để bày tỏ lòng biết ơn của lớp hậu sinh với các bậc tiền nhân. Nhưng tôi già rồi, công việc còn lại phải giao dần cho lớp trẻ làm tiếp”.

Phạm Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.