Huy động nhiều, cho vay ít, vốn đi đâu ?

27/04/2013 03:00 GMT+7

Là câu hỏi của nhiều đại biểu tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng hôm qua khi báo cáo của Chính phủ cho thấy vốn cho vay gần như bằng 0, trong khi vốn huy động vẫn tăng 5%.

Vốn huy động được của dân trong 4 tháng đầu năm chạy đi đâu? Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội diễn ra sáng 26.4.

Huy động nhiều, cho vay ít, vốn đi đâu ?
Phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội sáng 26.4 - Ảnh: Bảo Cầm

 

Trong báo cáo của Chính phủ cho thấy vốn cho vay gần như bằng 0, trong khi vốn huy động vẫn tăng 5%, có ý kiến hỏi vốn đi đâu, hay huy động vốn của dân rồi quay ra mua vàng vừa rồi?

Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Phát biểu tại phiên họp, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Cao Sỹ Kiêm nhìn nhận: Lòng tin của doanh nghiệp (DN) đối với điều hành, quản lý kinh tế xã hội của chúng ta là “có vấn đề”. Tình trạng chán nản, buông xuôi, thúc thủ đã xuất hiện trong DN.

Theo ông Kiêm, những giải pháp Chính phủ đặt ra tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh là rất đúng, rất trúng, rất sớm nhưng triển khai rất chậm, trong khi DN đang rất cần tháo gỡ nhanh khó khăn.

Tán thành nhận định này, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Thế Tuy phản ánh: Nhiều DN nói rằng chính sách hiện đang để bảo hộ ngân hàng (NH), bảo hộ cơ quan nhà nước thôi chứ không phải thực sự bảo vệ DN.

Ông Tuy dẫn câu chuyện vừa qua NH NN-PTNT chi nhánh Lạng Sơn chuyển 1.000 tỉ đồng “về trung ương” vì huy động được nhưng không cho vay được.

“Khơi thông nguồn vốn cho DN hiện nay đang bế tắc, trong báo cáo của Chính phủ cho thấy vốn cho vay gần như bằng 0, trong khi vốn huy động vẫn tăng 5%, có ý kiến hỏi vốn đi đâu, hay huy động vốn của dân rồi quay ra mua vàng vừa rồi?”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mai Xuân Hùng nói.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách QH Bùi Đức Thụ cũng “lấy làm lạ” khi dư nợ huy động tăng nhưng cho vay gần như không tăng. “Đồng ý là không giảm điều kiện cho vay vì như thế sẽ tiềm ẩn nợ xấu nhưng có một bộ phận DN vẫn có thể đưa vốn vào được thì tại sao trong điều kiện cung lớn hơn cầu, lãi suất cho vay vẫn tăng? Có phải ở đây là lợi ích nhóm, giữa nội bộ các NH lớn liên kết với nhau để không hạ lãi suất nhằm mục đích lợi nhuận? NHNN cần phải làm rõ vấn đề này”, ông Thụ đề nghị.

Ngân hàng chỉ lo bán vàng

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Nam cũng sốt ruột: “Vừa rồi tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh chỉ thấy NH thương mại bán vàng thôi, chẳng thấy làm gì. Chúng tôi cũng hiểu NHNN vừa rồi làm rất nhiều việc, nhưng những cái cụ thể để mà tác động vào DN, tác động vào nền kinh tế thì chưa rõ, cái cụ thể mà dân thấy nổi bật, nổi trội trong thời gian vừa rồi chủ yếu là bán vàng”.

Theo ông Nam, Chính phủ “không nên tập trung cứu ông NH mà thực chất ông ấy bị bệnh rồi, giờ nếu ông DN bệnh nữa thì chết luôn cả 2 ông. Cho nên bây giờ phải tập trung bảo vệ người gửi tiền, bảo vệ lợi ích của dân, của DN”.

Khỏi cần lập công ty xử lý nợ xấu

“Nợ xấu tính đến cuối năm 2012 vừa qua gần 9% nhưng theo báo cáo của Thanh tra NHNN thì chỉ trong quý 1/2013 đã giải quyết được 3% nợ xấu, như vậy chỉ còn khoảng gần 6%. Với tốc độ này thì có lẽ chỉ 2 quý tiếp là hết nợ xấu, vậy thì có cần cứu NH nữa không? Như vậy thì khỏi cần thành lập công ty xử lý nợ xấu nữa”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng

DN phải trả lãi NH 480.000 tỉ đồng/năm

“Tôi xin trả lời câu hỏi ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt ra từ trước: Nền kinh tế này phải trả lãi cho NH bao nhiêu? Chúng tôi cộng số liệu từ 66 NH thương mại thì năm 2010, DN phải trả lãi 202.000 tỉ, năm 2011 số phải trả là 401.000 tỉ, năm 2012 là 480.000 tỉ đồng”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Mỗi tháng có 5.000 DN giải thể, ngừng hoạt động

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh, 4 tháng đầu năm, xấp xỉ 20.000 DN giải thể, trung bình mỗi tháng 5.000 DN, trong khi năm ngoái số DN giải thể bình quân mỗi tháng là 4.500 DN. Số DN hồi phục, quay lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm khoảng 8.000, trung bình mỗi tháng 2.000 DN.

Giải pháp chậm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Nhiều giải pháp mới tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế được triển khai quá chậm, khiến doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế tựu trung không cảm nhận được một luồng xung lực mới.

Đó là thông tin được ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết tại cuộc họp báo diễn ra chiều 26.4.

Chưa người dân nào được ưu đãi vay mua nhà

 

Lập công ty xử lý tài sản trong vài ngày tới

Liên quan đến việc thành lập Công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu, ông Đam cho biết, kỳ họp trước Chính phủ thảo luận nhưng một số thành viên yêu cầu cần làm rõ và sâu hơn một số vấn đề. Thời gian qua, NHNN cũng họp lại tiếp thu ý kiến bộ, ngành và trình lên bản sửa đổi, trong vòng một vài ngày tới Chính phủ làm thủ tục thông qua nghị định này. Tuy nhiên, theo ông Đam, xử lý nợ xấu cần gồm nhiều giải pháp, công ty này cũng chỉ là một trong giải pháp đó. Các bộ, ngành và đặc biệt là NHNN đang tiếp tục xử lý nợ xấu, trước hết trách nhiệm thuộc về hệ thống ngân hàng, việc trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định.

Theo ông Đam, nhìn chung nền kinh tế trong tháng 4 và sau 4 tháng tiếp tục có những xu hướng diễn biến tích cực, các chỉ số vĩ mô đạt được, và ổn định, riêng chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng thấp. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện rất chậm, đặc biệt, số DN thành lập mới vẫn nhiều, nhưng dường như vẫn không có một xung lực mới nào. Bên cạnh tín hiệu đáng mừng, nhiều DN năm ngoái kê khai dừng hoạt động, năm nay hoạt động trở lại, đồng thời các DN khác bắt đầu lại sản xuất cầm chừng. “Nói một cách khái quát thì DN vẫn còn rất nhiều khó khăn” - ông Đam cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Đam, Chính phủ đánh giá nhiều giải pháp trước kia làm rồi nay thực hiện có kết quả tốt, nhưng các giải pháp mới triển khai còn chậm. “Chúng ta thống nhất chủ trương từ rất lâu, dành ra khoản ngân sách 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người có thu nhập thấp và trung bình mua nhà. Nhưng giờ phút này chưa người dân nào vay được tiền để mua nhà, vì phải ra rất nhiều văn bản hướng dẫn, đối tượng nào được vay, nhà nào dành cho đối tượng đó… Chính phủ ráo riết yêu cầu các bộ ngành phải khẩn trương hơn nữa để chính sách sớm đi vào cuộc sống” - ông Đam nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, Chính phủ thể hiện quyết tâm không chủ quan, dù thu ngân sách năm nay có nhiều khó khăn, nhưng dứt khoát không điều chỉnh kế hoạch chi tiêu. Đối với công trình lớn, người dân quan tâm như nâng cấp quốc lộ 1A, thiếu bệnh viện, Chính phủ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp tài chính để nhất định phải làm.

Về siêu dự án lọc hóa dầu 27 tỉ USD tại Bình Định, theo ông Đam, hiện Chính phủ chỉ đạo nhà đầu tư và cơ quan liên quan nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi.

Anh Vũ

 Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.